Một số địa phương phía Bắc không gọi người theo thứ, mà khi có con thì hay gọi bố mẹ theo tên con đầu. Ví dụ ông An đẻ ra anh con trai tên N thì ông này sẽ được gọi là ông/bác/anh N. Ba mẹ tôi khi ở Thanh Hóa thì được gọi là bác Hùng, vì tôi là con trai cả. Cũng không nhớ là nếu không có con trai thì gọi thế nào. Người ta tránh tên thật vì sợ húy.
Vùng Huế thì gọi trật đi một tí, cũng bởi cái quy định của triều Nguyễn thời nào, là phải tránh tên húy của các vị vua, và ngay bản thân trong nhà cũng tránh đi để khỏi xui, khỏi ma nghe tên mà bắt, nên mới có chuyện chợ Đông Hoa thành chợ Đông Ba, Thanh Hoa thành Thanh Hóa.
Trong nhà tôi, ba tôi tên Lai thì gọi thành Lơi, chú tôi tên Dũng thì gọi thành Doạn (Doãn những tiếng Huế thành Doạn), dượng tôi tên Bảng thì thành Bởng, vân vân... Có những vùng nông thôn, họ quan niệm tên càng xấu thì càng dễ nuôi, nên những là moi, móc, gái, bẹp, thậm chí là tên các bộ phận trên cơ thể được đặt búa xua.
Vào Nam thì gọi theo thứ. Từng người thì đều đã có tên, nhưng gặp nhau thì đều hỏi thăm dò trước: "Xin lỗi anh Hùng là anh thứ mấy để dễ kêu". "Dạ tôi con cả". "A vậy thì là anh Hai ạ. Dạ thưa anh Hai Hùng, cho em kính anh một ly". Tức là chức anh cả đã được đặt ở... ngoài Bắc rồi, vào đây chỉ từ anh Hai trở đi... Trong Nam không bao giờ có ông Cả, ông Nhất, ông Một, bởi ông ấy hoặc là cha, hoặc là để thờ vọng, anh cả chỉ được gọi là hai, hai là to nhất. Tất nhiên cũng có những ngoại lệ, như nhà văn Nguyễn Một tôi quen, ông này vừa tên là Một, bút danh một thời là Nguyễn Duy Nhất, và tự hào là người có tên dài nhất Việt Nam: Quốc lộ 1.
Gọi nhau bằng thứ để tránh gọi tên chính, cũng hay, nó là tập tục từ xửa xưa, vì nhiều lý do nữa chứ chẳng phải chỉ như tôi nêu trên. Mà quả là nghe quen thấy nó cũng ấm cúng, gia đình.
Nhưng nó lại có việc thế này, ấy là các cơ quan nhà nước bây giờ cũng... toàn gọi theo thứ.
Rất nhiều cán bộ ngoài Bắc luân chuyển vào phía Nam, việc đầu tiên là được gọi theo thứ. Hồi ông Đinh La Thăng vào làm bí thư TP.HCM, rất nhanh đã được gọi là anh Tư.
Trường hợp này chắc là gọi theo thứ tự thật. Còn một số thì gọi theo... chức vụ. Phàm là người to nhất là anh Hai. Rồi cứ thế mà tuần tự. Nhưng đa phần là gọi theo thứ mà người ấy khai. Hồi anh C từ Hà Nội vào làm phó bí thư một tỉnh Tây Nguyên, anh em văn phòng, rất nhanh, phát hiện anh này thứ 7, bèn gọi là anh Bảy C, và cả tỉnh gọi. Lên cơ quan, vào văn phòng đăng ký gặp anh Bảy, thế là đương nhiên được đưa vào phòng phó bí thư. Sau anh Bảy này chuyển ra đứng đầu một cơ quan cấp bộ ở Hà Nội, lại chẳng thấy ai gọi anh ấy là anh Bảy nữa, lại trở về tên cũ. Anh Bảy lại được "chuyển giao" cho một anh khác, to hơn. Giờ anh Bảy này lại quay lại phía Nam làm bí thư một tỉnh, không biết cái tên Bảy có được khôi phục không?
Nhưng nó lại thế này. Cơ quan ấy nếu đã có một anh Tư rồi chẳng hạn, anh ấy to nhất cơ quan, thì một anh khác, cũng con thứ tư trong nhà, ở cơ quan ấy, sẽ chỉ được gọi là anh Bốn thôi. Tôi chơi với một ông giám đốc sở người Quảng Bình, ông này được gọi là anh Tư rồi nên cơ quan có đến mấy anh Bốn nữa. Bốn kèm tên thì dễ phân biệt. Còn khi chỉ gọi thứ không thì tức là đã rất thân mật và kính trọng. Bởi đương nhiên cái thứ ấy nó là tên riêng rồi, chả ai chen vào tranh. Ông Tư này về quê, bà con chỉ gọi đúng tên của ông ấy, mấy anh em đi cùng cứ gọi "anh Tư, anh Tư", bà con trợn mắt chả biết con/cháu mình đổi tên khi nào?
Nếu có hai ông Năm, thì ông to hơn là Năm, ông kia là... 6 trừ 1 hoặc ông Ngũ - có đứa đểu nó gọi là Ngũ... đợi. Bảy, nếu có thêm ông thứ 7 nữa thì sẽ gọi là anh Thất... Đại loại thế.
Nói chung nó rất dễ hiểu nhưng lại cũng rất... lằng nhằng. Dễ hiểu là ai là con thứ mấy trong nhà thì cứ thứ ấy mà gọi, kèm cái tên là xong. Ví dụ Hai Rau, Ba Chí, Tư Nở... Nhưng lằng nhằng lại là, có khi thứ ấy mà lại chả phải là thứ ấy, là thứ ấy nhưng lại không phải là... thứ ấy, nó cứ rất là... loằng ngoằng, như ông Tư tôi quen, một hôm ông bảo: Tôi có 2 anh em, tức mình thứ 3, nhưng anh em nó gọi thứ 4 thành quen, kệ nó. Tìm hiểu thì biết, hồi ông mới lên, có một anh "hân hoan thông báo": "Sếp thứ 4", thế là cứ thế đồng loạt gọi.
Giờ ra công viên, quảng trường ấy (tất nhiên các tỉnh phía phía Nam), rất hay thấy những gia đình đưa con nhỏ đi chơi, và hay nghe: Ba ơi, con xin lỗi Hai đi, con vừa giẫm chân Hai đấy. Con chị nói: Hai không thèm Ba xin lỗi, Ba phải đưa chân cho Hai giẫm lại. Con em 3 tuổi và con chị 5 tuổi. Bà mẹ trẻ giọng Bắc đặc sệt.
Thì nhập gia tùy tục mà.
Vui phết. Có khi cả cái luận văn tiến sĩ ấy chứ, chắc chắn hơn hẳn loại luận văn kiểu: "Một vài suy nghĩ về lên lớp đầu giờ...", hoặc "về việc tắm tập thể cho bộ đội"...