Aa

Nhập nhèm chuyện thuế với Airbnb

Thứ Năm, 12/12/2019 - 17:58

Theo xu hướng của kinh tế chia sẻ, Airbnb đang là mô hình thu hút được sự chú ý của nhiều thành viên thị trường. Luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật Dragon đã có những chia sẻ quanh vấn đề này.

PV: Airbnb đã có mặt ở Việt Nam khá lâu, tính chất hoạt động của mô hình này như thế nào thưa ông?

LS. Nguyễn Minh Long: Giống như Uber, đối với dịch vụ taxi, Airbnb là một ứng dụng tương tự đối với dịch vụ phòng trọ, đây là mô hình kinh doanh căn hộ chia sẻ, kết nối giữa người có căn hộ cho thuê - người cần thuê. Airbnb không phải là chủ sở hữu căn hộ hay khách sạn, mà chỉ là công cụ trung gian giúp người cần thuê phòng và người có phòng cho thuê gặp nhau. Airbnb sẽ được hưởng tỷ lệ phần trăm trên chi phí thuê chỗ ở này từ chủ căn hộ và người đi thuê.

PV: Theo Thông tư 103/2014/TT-BTC, dù tổ chức nước ngoài kinh doanh có hay không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết với tổ chức, cá nhân Việt Nam thì đều được xác định là người nộp thuế. Vậy theo ông, với một doanh nghiệp ngoài biên giới như Airbnb, chúng ta có cách nào để thu thuế hay không?

Luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật Dragon

LS. Nguyễn Minh Long: Airbnb được thành lập tháng 8/2008 tại San Francisco, California, Mỹ và hiện chưa có văn phòng hay chi nhánh chính thức tại Việt Nam, nhưng hoạt động thì có. Theo thông tin trên chính trang web của Airbnb, hiện nay, họ có hàng ngàn chỗ ở cho thuê tại Việt Nam trên hệ thống của mình.

Thông tư 103/2014/TT-BTC có quy định về việc thu thuế đối với tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam mà kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận. Đối chiếu quy định trên, Airbnb đã thuộc vào trường hợp tổ chức nước ngoài kinh doanh và có thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Do đó, Airbnb là đối tượng phải chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Để cụ thể hóa Thông tư 103/2014/TT-BTC, ngày 18/1/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 848/BTC-TCT hướng dẫn chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của dịch vụ đặt phòng trực tuyến như Agoda.com, Traveloka.com, Booking.com, Expedia.com… Các dịch vụ này cũng tương tự như Airbnb.

PV: Tuy nhiên, trong Công văn số 848/BTC-TCT lại không nhắc đến Airbnb. Liệu Airbnb có chịu sự điều chỉnh tương tự như với các dịch vụ trên?

LS. Nguyễn Minh Long: Khi chúng ta tìm hiểu các quy định pháp luật và áp dụng chúng trên thực tế không thể máy móc theo kiểu phải “điểm mặt, đặt tên” thì mới chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Các quan hệ xã hội luôn luôn có chiều hướng phát triển đa dạng, do đó chúng ta cần nhìn nhận vào bản chất vấn đề để áp dụng pháp luật phù hợp.

Mặc dù Airbnb không được nêu ra trong Công văn số 848/BTC-TCT, nhưng hình thức hoạt động của nó có phần tương đồng với các hoạt động kinh doanh trên, nên các cơ quan quản lý nhà nước có thể xem xét, áp dụng hoặc điều chỉnh (nếu thấy cần thiết).

PV: Với Airbnb, liệu có nên ban hành một văn bản tương tự?

LS. Nguyễn Minh Long: Như đã phân tích ở trên, mọi vấn đề đều cần xem xét vào bản chất để nhìn nhận và áp dụng pháp luật, nên việc ban hành một văn bản cá biệt điều chỉnh nghĩa vụ thuế của Airbnb là không cần thiết.

PV: Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trường hợp khách hàng thuê phòng trả tiền trực tiếp cho cơ sở lưu trú ở Việt Nam, sau đó cơ sở lưu trú trả tiền hoa hồng môi giới đặt phòng cho đơn vị đặt phòng trực tuyến (Airbnb) thì cơ sở lưu trú có trách nhiệm khai, nộp thuế thay cho đơn vị đặt phòng trực tuyến. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện chúng ta vẫn chưa thể thu thuế được từ Airbnb?

LS. Nguyễn Minh Long: Mặc dù căn cứ pháp lý đã có, nhưng trên thực tế, đối với mô hình hoạt động của Airbnb, thất thu thuế là một trong những hệ quả tất yếu khi thu thuế theo các quy định và hướng dẫn nêu trên vì nhiều lý do.

Cụ thể, mặc dù không hiện diện tại Việt Nam và chỉ là bên trung gian, nhưng khi chủ nhà chấp nhận lịch đặt phòng của khách, thì số tiền khách phải trả sẽ được chuyển trực tiếp tới trung tâm thanh toán của Airbnb. Khoản tiền này được Airbnb thanh toán trở lại cho chủ nhà sau 24 giờ kể từ khi khách thuê nhận phòng sau khi đã trừ đi phí hoa hồng và không bao gồm tiền thuế của Airbnb.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cơ sở lưu trú sẽ phải kê khai và nộp thuế thay cho Airbnb trong khi hợp đồng giữa hai bên (chính xác là các điều khoản và điều kiện) không hề có thỏa thuận nào về nghĩa vụ thuế phải nộp tại Việt Nam của Airbnb. Vì vậy, để tránh rủi ro không được Airbnb hoàn trả khoản tiền thuế, cơ sở lưu trú tại Việt Nam có xu hướng không chấp nhận hoặc sẽ tìm cách để không phải nộp thuế thay cho Airbnb.

Cơ sở lưu trú của Việt Nam tham gia kinh doanh Airbnb hầu hết là các cá nhân và hộ gia đình, toàn bộ giao dịch được thực hiện trực tuyến thông qua mạng Internet, không cần xuất hóa đơn hay có hệ thống sổ sách kế toán và được Airbnb thanh toán qua tài khoản thanh toán quốc tế.

Với cách thức hoạt động như trên, việc kiểm soát hoạt động cũng như thu thuế đối với mô hình kinh doanh căn hộ chia sẻ này là một điều không hề đơn giản đối với cơ quan quản lý Việt Nam, cũng như trên toàn thế giới, những nơi mà hoạt động kinh doanh này tồn tại, nếu không có sự đồng bộ, phối hợp giữa cơ quan thuế và ngân hàng.

PV: Với các chủ căn hộ cho thuê, theo ông, nên có cách ứng xử thế nào cho phù hợp, để vừa không kìm hãm kinh doanh, vừa có nguồn thu cho ngân sách, vì dù sao, đây là điều khó tránh khỏi trong xu hướng kinh tế chia sẻ?

LS. Nguyễn Minh Long: Như đã chia sẻ ở trên, cơ sở để thu thuế của hoạt động kinh doanh Airbnb là hoàn toàn có căn cứ pháp lý. Theo quy định tại Công văn số 848/BTC-TCT, cơ sở lưu trú (các chủ căn hộ cho thuê) có trách nhiệm khai, nộp thuế thay cho các công ty có trụ sở tại nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi là NTNN).

Cụ thể, trường hợp khách hàng thuê phòng trả tiền trực tiếp cho cơ sở lưu trú ở Việt Nam, sau đó cơ sở lưu trú trả tiền hoa hồng môi giới đặt phòng cho NTNN, thì cơ sở lưu trú có trách nhiệm khai, nộp thuế thay cho NTNN.

Trường hợp khách hàng thuê phòng trả tiền trực tiếp cho NTNN, sau đó NTNN chuyển tiền phòng cho cơ sở lưu trú và giữ lại tiền hoa hồng được hưởng thì: Đối với trường hợp cơ sở lưu trú và NTNN đã ký hợp đồng, cơ sở lưu trú có trách nhiệm thông báo cho NTNN biết nghĩa vụ thuế và khai, nộp thuế nhà thầu thay NTNN; đối với trường hợp cơ sở lưu trú và NTNN chưa ký hợp đồng, cơ sở lưu trú phải xác định rõ nghĩa vụ thuế của NTNN khi ký hợp đồng và cơ sở lưu trú có trách nhiệm khai, nộp thuế nhà thầu thay cho NTNN.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top