Aa

Nhiều cổ phiếu BĐS vẫn tăng giá mạnh bất chấp áp lực bán trên TTCK trong phiên 15/4

Thứ Sáu, 16/04/2021 - 06:00

Thị trường chứng khoán biến động rung lắc trong phiên 15/4 với sắc đỏ áp đảo ở nhóm vốn hóa lớn. Một số cổ phiếu bất động sản vẫn giao dịch tích cực bất chấp những rung lắc của thị trường chung.

Phiên giao dịch ngày 15/4 diễn ra theo hướng không được tích cực. Thị trường mở cửa phiên với sắc xanh bao trùm nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và điều này giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu.

Tưởng chừng như một phiên giao dịch tích cực sẽ diễn ra khi thị trường đã có một phiên khá hưng phấn trước đó, tuy nhiên, sự bất ngờ diễn ra khi lực bán dâng cao và kéo nhiều cổ phiếu trụ cột lao dốc. Điều này khiến đà tăng của VN-Index và HNX-Index bị thu hẹp lại đáng kể, trong khi đó, UPCoM-Index giao dịch phần lớn thời gian của phiên là trong sắc đỏ.

Ngay sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán tiếp tục bị đẩy lên mức cao khiến VN-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu và kết phiên trong sắc đỏ. HNX-Index cũng có thời điểm lùi xuống dưới mốc tham chiếu, tuy nhiên chỉ số này vẫn kết thúc phiên trong sắc xanh nhờ lực đẩy của một số cổ phiếu trụ cột.

Các mã như VCB, BID, TCB, GVR, CTG, MBB… đều chìm trong sắc đỏ và tác động không tốt đến đường đi của VN-Index. Trong đó, VCB giảm 1,2% xuống 97.500 đồng/cp, BID giảm 2,2% xuống 43.050 đồng/cp, TCB giảm 2,2% xuống 40.900 đồng/cp, GVR giảm 2,6% xuống 26.650 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 15/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngành thép gây bất ngờ khi đồng loạt tăng giá, trong đó, 2 “ông lớn” trong ngành này là HPG và HSG đều có được sự tích cực. HPG tăng 2,8% lên 54.500 đồng/cp và khớp lệnh 32 triệu cổ phiếu còn HSG tăng 5,3% lên 31.550 đồng/cp. Thông tin giúp HSG bứt phá phiên 15/4 đến từ kết quả kinh doanh tháng 3 mới được doanh nghiệp này tiết lộ. Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen báo lãi sau thuế kỷ lục 501 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 15/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra đối với các mã vốn hóa lớn, trong đó, VIC, VHM, NVL hay THD đều tăng giá. VIC tăng 0,6% còn VHM tăng 0,7%. THD gây chú ý khi tăng 2,8% lên 201.500 đồng/cp và đóng góp quan trọng trong việc giúp HNX-Index tăng điểm. NVL cũng tăng 2,4% lên 102.500 đồng/cp. Trong khi đó, VRE và BCM giảm khá mạnh. VRE mất 2,9% xuống 34.000 đồng/cp, còn BCM giảm 6,7% xuống 52.500 đồng/cp.

Đối với các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sắc đỏ áp đảo hơn, trong đó, PVL và HAR bị kéo xuống mức giá sàn. DRH cũng giảm 4,4% xuống 11.900 đồng/cp, FIT giảm 4,2% xuống 11.350 đồng/cp, CEO giảm 3,2% xuống 12.100 đồng/cp.

Trong khi đó, một số mã bất động sản thanh khoản cao vẫn duy trì được sự bứt phá. FLC và HQC vẫn được kéo lên mức giá trần. ITA tăng 2,5% lên 9.100 đồng/cp, DXG tăng 2,3% lên 24.400 đồng/cp, LDG tăng 1,9% lên 9.080 đồng/cp. Chiều 15/4, LDG tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021. Theo kết quả kiểm phiếu, số cổ đông tham dự đại hội chỉ đại diện hơn 38% cổ phần có quyền biểu quyết nên ĐHĐCĐ không đủ điều kiện tiến hành theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ hoạt động của công ty là phải từ 51% trở lên.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 8,62 điểm (-0,69%) xuống 1.247,25 điểm. Toàn sàn có 141 mã tăng, 294 mã giảm và 41 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,29 điểm (0,44%) lên 296,12 điểm. Toàn sàn có 79 mã tăng, 166 mã giảm và 39 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,7 điểm (-0,84%) xuống 82,7 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn niêm yết tăng so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 21.903 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 928 triệu cổ phiếu. FLC, ITA và HQC là các cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường. Trong đó, FLC khớp lệnh được 29 triệu cổ phiếu, ITA và HQC khớp lệnh lần lượt 25 triệu cổ phiếu và 20,8 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 15/4.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 15/4.

Khối ngoại vẫn là điểm tiêu cực của thị trường chứng khoán khi rút ròng lên đến 878 tỷ đồng. Trong top 10 giá trị bán ròng của khối ngoại có đến 5 mã bất động sản là VHM, KDH, CII, VRE và DXG. Chiều ngược lại, NVL, VIC và FLC là các cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại. NVL được mua ròng mạnh nhất với 112,5 tỷ đồng. VIC và FLC được mua ròng lần lượt 79 tỷ đồng và 5,8 tỷ đồng.

CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, thị trường lại suy yếu trong phiên đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 4/2021 với thanh khoản khớp lệnh gia tăng so với phiên trước đó cho thấy áp lực bán trong phiên 15/4 là thực sự mạnh. Việc VN-Index đóng cửa dưới ngưỡng 1.250 điểm cũng là một sự tiêu cực trên khía cạnh kỹ thuật. Do thị trường có thể đang bước vào giai đoạn chuyển giao giữa sóng tăng 5 và sóng điều chỉnh a nên xu hướng hiện tại có thể coi là trung tính và cần quan sát thêm diễn biến trong phiên cuối tuần để xác nhận.

Theo đó, trong phiên giao dịch 16/4, VN-Index có thể sẽ giằng co và rung lắc quanh ngưỡng 1.250 điểm. Việc kết phiên trên hay dưới ngưỡng 1.250 điểm trong tuần này có thể sẽ là gợi ý cho xu hướng tuần tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top