Aa

VIC giúp VN-Index tăng gần 21 điểm trong phiên khớp lệnh hơn 1 tỷ USD của TTCK Việt Nam

Thứ Ba, 13/04/2021 - 06:00

Giá trị khớp lệnh trên HoSE được cải thiện đáng kể so với các phiên trước khi tình trạng nghẽn lệnh diễn ra muộn hơn, điều này giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch tỷ USD.

Phiên giao dịch của thị trường chứng khoán ngày 12/4 đem lại nhiều sự bất ngờ cho nhà đầu tư. Thị trường mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với những biến động giằng co tích lũy. Nhóm cổ phiếu trụ cột có sự phân hóa mạnh khiến các chỉ số có những nhịp trồi sụt đan xen.

Tuy nhiên, lực cầu dần dâng cao và giúp hàng loạt cổ phiếu trụ cột bứt phá, từ đó nới rộng sắc xanh của các chỉ số. Thanh khoản trên thị trường và đặc biệt là trên sàn HoSE luôn duy trì ở mức rất cao. Tưởng chừng như tình trạng nghẽn lệnh sẽ diễn ra sớm khi dòng tiền vẫn ồ ạt chảy vào thị trường, nhưng sự bất ngờ đã xảy ra, giao dịch trên HoSE vẫn thông suốt cho dù giá trị khớp lệnh trên sàn này vượt xa mốc 14.000 tỷ đồng.

Theo nguồn tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), công tác khắc phục hiện tượng nghẽn lệnh vẫn tiếp tục được Sở, các đơn vị liên quan triển khai và cho kết quả bước đầu. Gần đây, HoSE đã có thêm một số giải pháp cải tiến về mặt kỹ thuật, giúp hệ thống cải thiện năng lực xử lý lệnh. Nhờ đó, phiên giao dịch 12/4, tình trạng nghẽn lệnh được giảm phần nào, hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản.

Chính việc HoSE khớp lệnh được nhiều thêm so với mọi phiên đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên khớp lệnh hơn 1 tỷ USD. Cụ thể, giá trị giao dịch trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM phiên 12/4 đạt 25.900 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm hơn 24.200 tỷ đồng.

Quay trở lại với diễn biến của các chỉ số, VN-Index có mức tăng mạnh nhất trong 3 chỉ số chứng khoán, trong đó có 301 mã tăng nhưng chỉ có 134 mã giảm và 48 mã đứng giá. VIC là cái tên có đóng góp quan trọng nhất trong sự bứt phá của VN-Index. Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán này tăng đến 5,7% lên 132.000 đồng/cp và đóng góp đến 6,63 điểm (0,54%) cho VN-Index.

Cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 2 thị trường chứng khoán cũng như nhóm bất động sản là VHM cũng tăng 2,9% lên 101.800 đồng/cp và cũng đóng góp 2,63 điểm (0,21%). Ngoài 2 mã nói trên, một số cổ phiếu cũng thuộc nhóm bất động sản là NVL tăng đến 5,9% lên 95.300 đồng/cp và đứng thứ 4 trong danh sách những cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến VN-Index.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 12/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIB, VPB, SSI, HPG, STB, ACB, PNJ đều đồng loạt tăng giá mạnh giúp giao dịch trên thị trường trở nên khởi sắc hơn.

Tuy vậy, áp lực trên thị trường vẫn còn và khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái chỉ số tăng nhưng tài khoản không tăng hoặc đi xuống. Trong đó, BCM giảm 1,4% xuống 56.300 đồng/cp, PVD giảm 1,5% xuống 22.250 đồng/cp, HVN giảm 1,1% xuống 32.800 đồng/cp, GAS giảm 1% xuống 87.900 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 12/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Dòng tiền vẫn tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong đó bất động sản chiếm phần lớn. Các mã như PVL, LDG, HAR, TNT, VPH, ITA, HQC, FIT... đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, SCR tăng 5,1% lên 9.670 đồng/cp, TDH tăng 4,9% lên 7.700 đồng/cp, NLG tăng 3,9% lên 36.200 đồng/cp, KBC tăng 3,8% lên 41.100 đồng/cp, CII tăng 2,8% lên 25.400 đồng/cp.

Chiều ngược lại, TCH là cái tên đáng chú ý trong nhóm bất động sản đi ngược lại xu thế chung, cổ phiếu này giảm 1,9% xuống 25.900 đồng/cp. DRH cũng giảm 1,5% xuống 13.200 đồng/cp, IDC giảm 1,3% xuống 39.300 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 20,79 điểm (1,69%) lên 1.252,45 điểm. HNX-Index tăng 1,74 điểm (0,59%) lên 295,33 điểm. Toàn sàn có 140 mã tăng, 97 mã giảm và 47 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,09 điểm (1,31%) lên 84,01 điểm.

FLC và LDG là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường, trong đó, FLC khớp lệnh 49 triệu cổ phiếu và LDG là 21,7 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 12/4.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại bán ròng trở lại 40 tỷ đồng trong phiên 12/4, trong đó, VHM là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại. Trong khi đó, VIC và NVL là 2 mã bất động sản nằm trong top mua ròng của khối ngoại với lần lượt 105 tỷ đồng và 73 tỷ đồng.

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự 1.275 - 1.300 điểm trong ngắn hạn. Diễn biến thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu, đồng thời thị trường có thể đan xen các nhịp rung lắc, điều chỉnh khi tiếp cận các vùng cản gần trong quá trình đi lên. Dòng tiền nội vẫn là động lực chính hỗ trợ cho diễn biến thị trường trong giai đoạn này. Dòng cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu dẫn dắt sẽ luân phiên tăng điểm để hỗ trợ thị trường. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sẽ tiếp tục có diễn biến sôi động trong tuần này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top