Aa

Nhiều cổ phiếu lớn giảm sâu, VN-Index mất hơn 8 điểm

Thứ Năm, 25/06/2020 - 05:50

Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đồng loạt bị bán về mức giá sàn trong phiên giao dịch 24/6.

Tương tự như ở các phiên giao dịch trước đó, thị trường chứng khoán giằng co trong phần lớn thời gian của phiên ngày 24/6 với sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Điểm khác so với các phiên trước là lực cầu vào cuối giờ giao dịch tỏ ra yếu thế hơn rất nhiều, thay vào đó, lực bán dâng cao ở một số cổ phiếu trụ cột đã đẩy chỉ số đại diện là VN-Index lùi khá sâu xuống dưới mốc tham chiếu.

Chốt phiên, VN-Index giảm 8,49 điểm (-0,98%) xuống còn 859,71 điểm. Toàn sàn có 99 mã tăng, 268 mã giảm và 60 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,93 điểm (-0,81%) xuống 113,7 điểm. UPCoM-Index đi ngược xu hướng chung khi tăng 0,1 điểm (0,18%) lên 56,74 điểm.

Sau phiên bứt phá gần đây, các cổ phiếu nhóm chứng khoán vấp phải lực bán rất mạnh và đều giảm khá sâu. Trong đó, SSI giảm 2,2% xuống 15.750 đồng/cp và khớp lệnh gần 6 triệu cổ phiếu, HCM giảm 3,4% xuống 19.700 đồng/cp và khớp lệnh 2,6 triệu cổ phiếu, VCI cũng giảm 3,6% xuống 23.000 đồng/cp.

Bên cạnh đó, các mã trụ cột như VHM, SAB, SHB, MSN… đều lùi khá sâu xuống dưới mốc tham chiếu và tạo áp lực rất lớn lên thị trường chung. VHM giảm 2,6% xuống 75.700 đồng/cp, SAB giảm 2,4% xuống 160.000 đồng/cp, MSN giảm 2,1% xuống 57.200 đồng/cp, VCB giảm 1,5% xuống 84.700 đồng/cp, GAS giảm 1,8% xuống 72.600 đồng/cp.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index phiên 24/6. Nguồn: Fialda.

Phiên 24/6 là khoảng thời gian không mấy vui vẻ với HBC khi cổ phiếu này bất ngờ bị bán về mức giá sàn 11.400 đồng/cp và khớp lệnh đến 8,8 triệu cổ phiếu. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 diễn ra sáng 24/6, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch doanh thu 12.500 tỷ đồng, giảm 33% và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, giảm 70%. Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết, tin đồn có một doanh nghiệp bất động sản lớn đang có ý định thâu tóm HBC thông qua việc uỷ thác một quỹ đầu tư đi mua gom cổ phiếu là thất thiệt.

Ở chiều ngược lại, VNM, VIC, PNJ, MBB… là các cổ phiếu có đóng góp quan trọng giúp kìm hãm lại đà giảm của VN-Index, trong đó, VNM tăng 0,9% lên 117.100 đồng/cp, PNJ tăng 1% lên 60.400 đồng/cp, VIC tăng 0,5% lên 94.700 đồng/cp.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, số mã giảm đã áp đảo hoàn toàn, trong đó, các mã như PPI, HD8, ITA, CLG, VRC, CIG, HQC, FDC… đều bị kéo xuống mức giá sàn. SCR giảm đến 5,8%, DRH giảm 5,6%, DXG giảm 4,3%, HAR giảm 3,7%. Như vậy, có thể thấy đa phần các cổ phiếu bất động sản có yếu tố thị trường cao đều bị bán rất mạnh.

Mặc dù vậy, một số mã bất động sản vẫn duy trì được sự tích cực, trong đó, C21, HU6 và D11 vẫn được kéo lên mức giá trần. OCH tăng 3,9%, AGG tăng 2,4%, DTA tăng 2,3%...

Thanh khoản trên hai sàn giảm so với phiên trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 5.690 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch là 431 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 982 tỷ đồng. Cả 3 vị trí dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường đều là cổ phiếu bất động sản gồm HQC, FLC và ITA, trong đó, HQC khớp lệnh mạnh nhất với 33 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 24/6. Nguồn: Fialda.

Dù thị trường diễn biến tiêu cực nhưng điểm cộng trong phiên 24/6 là việc khối ngoại mua ròng trở lại hơn 50. NVL và VRE là 2 cổ phiếu bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh với lần lượt 15 tỷ đồng và 8 tỷ đồng. Trong khi đó, VHM lọt vào top bán ròng của khối ngoại với 13,4 tỷ đồng. Một số cổ phiếu bất động sản khác cũng bị khối ngoại bán ròng, trong đó có CII với 8,3 tỷ đồng.

Dựa trên góc nhìn về kỹ thuật, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng VN-Index sẽ mở ra một nhịp tăng mới của sóng 5 nếu như bứt phá qua được ngưỡng 870 điểm (MA20) với thanh khoản tốt và trạng thái hiện tại của thị trường vẫn sẽ là tích lũy trong khoảng cho phép 840 - 870 điểm (fibonacci retracement 50%, MA50) cho đến khi bứt phá khỏi vùng này.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 7 thậm chí còn giảm mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó nới rộng mức basis âm lên thành 16,62 điểm, cho thấy nhà đầu tư phái sinh vẫn nghiêng về khả năng thị trường sẽ giảm trong thời gian tới.

SHS dự báo trong phiên giao dịch tiếp theo 25/6, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 840 - 870 điểm (fibonacci retracement 50%, MA20) để tạo nền tảng cho nhịp tăng của sóng 5 sắp tới. Nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu có thể tiếp tục nắm giữ một khi VN-Index vẫn còn giữ được ngưỡng hỗ trợ 840 điểm. Động thái mua thêm chỉ hợp lý khi thị trường vượt được ngưỡng 870 điểm với thanh khoản tốt.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, Kospi của Hàn Quốc tăng 1,4%, Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,07%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 0,3% và 0,2%. Tuy nhiên, Hang Seng của Hong Kong giảm 0,5%. ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt tăng 0,2% và 1,1%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore giảm 0,2%, SET 50 của Thái Lan giảm 1,5%, KLCI của Malaysia giảm 0,3% trong khi Jakarta Composite của Indonesia tăng 1,7%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top