5 doanh nghiệp bất động sản báo lãi lớn nhất trên thị trường chứng khoán
Thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2023 gần như phủ kín gam màu xám xịt khi cả nguồn cung lẫn giao dịch đều giảm mạnh. Chỉ tới giai đoạn gần cuối năm, nhờ bán được hàng, "cửa sáng" mới lại dần mở ra với một số doanh nghiệp. Sức khỏe tài chính của doanh nghiệp theo đó cũng tốt hơn, tạo đà phát triển trong năm 2024.
CTCP Xây dựng DIC Holdings (DC4) - doanh nghiệp "họ" DIC Corp công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, DC4 đã mang về 320,7 tỷ đồng doanh thu, gấp 3,2 lần cùng kỳ. Sự tăng trưởng vượt bậc này đến từ khoản 263,5 tỷ đồng doanh thu mảng bất động sản mà quý IV/2022 không hề phát sinh. Kết quả, DC4 lãi trước thuế 126 tỷ đồng, gấp 126 lần cùng kỳ.
Được biết, DC4 đang là chủ đầu tư của dự án chung cư Chí Linh Center tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng và theo kế hoạch dự án đưa ra thị trường vào năm 2023 - 2024.
Trong quý cuối năm, CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm - Lideco (NTL) bất ngờ báo doanh thu gần 747 tỷ đồng - gấp 10,9 lần cùng kỳ năm trước (YoY). Gần như toàn bộ doanh thu đều đến từ bán bất động sản. Con số này cũng cao gấp 4,5 lần tổng doanh thu 9 tháng trước đó.
Tỷ lệ tăng giá vốn bán hàng chậm hơn giúp biên lãi gộp tăng mạnh từ 13,3% lên 65,3% - tương ứng lợi nhuận gộp đạt 488 tỷ đồng (gấp gần 54 lần YoY). Sau trừ thuế phí, công ty báo lãi ròng 363 tỷ đồng, gấp 271 lần quý IV/2022.
Bất chấp doanh thu thuần quý IV/2023 sụt giảm 23,5% so với cùng kỳ năm trước xuống mức 27,6 tỷ đồng, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (NHA) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng vọt. Cụ thể, chi phí giá vốn giảm sâu hơn 60% so với quý IV/2022 giúp lợi nhuận gộp tăng gần 160% so với cùng kỳ lên mức 15,6 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của NHA trong quý IV/2023 đạt gần 5,2 tỷ đồng, tăng vọt gấp 32 lần so với mức lãi 160 triệu đồng của cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân của sự tăng trưởng này là do trong quý, NHA đã có doanh thu bất động sản trở lại từ việc bán các lô đất nền thuộc dự án Khu dân cư Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), đạt hơn 22,8 tỷ đồng và chiếm 83% trong doanh thu thuần của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, CTCP Đầu tư Hải Phát - Hải Phát Invest (HPX) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV/2023 với doanh thu thuần đạt hơn 502 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt gần 73 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ.
HPX cho biết lợi nhuận tăng trong quý IV/2023 là do công ty đã chuyển nhượng vốn tại công ty con và bàn giao nhà cho người mua. Cụ thể, HPX đã chuyển nhượng toàn bộ 78% vốn tại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang. Theo đó, khoản lãi bán các khoản đầu tư được hạch toán là hơn 214 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2023, doanh nghiệp này chỉ còn 9 công ty con.
Ngoài ra, Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (SGR) cũng công bố kết quả kinh doanh đột biến trong quý cuối năm 2023 với lãi ròng gần 55 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ. Kết quả này được đóng góp từ khoản doanh thu tài chính khác gần 41 tỷ đồng nhưng không được doanh nghiệp thuyết minh cụ thể.
Đối với mảng kinh doanh chính, doanh thu thuần giảm 44,8% về 52,1 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm 3 điểm % về gần 58%.
Lũy kế cả năm 2023, SGR đạt hơn 99 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 104 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 85% và 52% so với năm 2022. Theo đó, công ty thực hiện được 24% mục tiêu doanh thu và vượt 5% mục tiêu lợi nhuận so với kế hoạch kinh doanh điều chỉnh (được công bố vào tháng 9/2023).
Đối với hạng mục tồn kho, công ty ghi nhận giá trị dở dang tại các dự án gần 350 tỷ đồng (dự án Nhơn Trạch là 104 tỷ, dự án quận 8 với 73 tỷ, dự án Bình Dương là 63 tỷ, chi phí nhận quyền sử dụng đất ở Bình Thuận 30 tỷ); hàng hóa bất động sản gần 244 tỷ đồng, thành phẩm bất động sản 45 tỷ đồng…
Việc ghi nhận tăng tồn kho, phải trả cao và nộp thuế thu nhập nhiều hơn là nguyên nhân chính dẫn đến dòng tiền kinh doanh của SGR âm hơn 200 tỷ đồng trong năm qua (năm 2022 dương 340 tỷ đồng). Dòng tiền đầu tư tiếp tục âm khoảng 117 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp đã chi 270 tỷ góp vốn vào đơn vị khác.
Doanh nghiệp trở lại thị trường mạnh mẽ hơn
Tại Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội tháng 1/2024 mới công bố, Tổng cục Thống kê cho biết, cả nước có 342 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới, bằng 101,2% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp bất động sản quay lại hoạt động là 645 doanh nghiệp, bằng 129,3% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn là 2.000 doanh nghiệp, bằng 138,1% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp giải thể là 149 doanh nghiệp, bằng 97,4% so với cùng kỳ.
Về tổng thể, trong tháng 1/2024, cả nước có 13,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 151,5 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký hơn 103,4 nghìn lao động, tăng 2,2% về số doanh nghiệp, giảm 2,3% về vốn đăng ký và tăng 31,8% về số lao động so với tháng 12/2023. So với cùng kỳ năm trước, tăng 24,8% về số doanh nghiệp, tăng 52,8% về số vốn đăng ký và tăng 50,8% về số lao động.
Về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, trước đó, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/1, ngành hoạt động kinh doanh bất động sản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,27 tỷ USD, chiếm 53,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 2 lần so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong tháng đầu năm, vốn đầu tư của Hà Nội tăng mạnh do có dự án đầu tư mới lớn với tổng vốn hơn 662 triệu USD với mục tiêu đầu tư dự án khu đô thị mới ở Hà Nội.
Trước đó, trong năm 2023, ngành kinh doanh bất động sản chỉ đứng ở vị trí thứ 2 về thu hút nguồn vốn ngoại với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
Có thể thấy, rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp khi trở lại "đường đua" với điều kiện doanh nghiệp cần thay đổi cách thức quản trị, kinh doanh trong thời kỳ mới.
Từ những yếu tố trên, nhiều kỳ vọng được đặt ra về việc lợi nhuận doanh nghiệp có thể trở thành động lực hồi phục của thị trường bất động sản. Chứng khoán VNDirect nhận định, thị trường bất động sản đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ cho thấy sự phục hồi rõ nét hơn từ nửa cuối năm 2024.
Cụ thể là những vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ quyết liệt nhằm hỗ trợ sự hồi phục của thị trường. Hiệu quả của chính sách được thể hiện rõ qua số lượng dự án được gỡ vướng ngày càng tăng.
Tính đến cuối quý III/2023, 67 dự án tại TP. HCM đã được tháo gỡ (tương đương 37,2% trong số 180 dự án cần tháo gỡ ban đầu). Con số dự án được tháo gỡ ấn tượng hơn tại Hà Nội với 419 dự án được tháo gỡ (tương đương 58,8% so với 712 dự án ban đầu).
Trong quý IV/2023, hàng loạt dự án lớn tại khu vực phía Nam tiếp tục được tháo gỡ bao gồm Aqua City, Nova World Phan Thiết (NVL), Gem Sky World (DXG)... Điều này giúp tâm lý thị trường bất động sản cải thiện, giao dịch phục hồi, biên lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp bất động sản sẽ có sự phục hồi trong các quý tới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định: "Bức tranh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có thể tươi sáng hơn trong năm nay, tuy nhiên sẽ phụ thuộc vào các yếu tố. Đầu tiên và cũng quan trọng nhất là kinh tế hồi phục; yếu tố thứ 2 là chi phí đầu vào, đặc biệt liên quan đến chi phí lãi vay. Với mặt bằng lãi suất thấp, khả năng cao là lãi suất trong năm sẽ theo chiều hướng giảm và kích thích nhu cầu tăng trưởng tín dụng trở lại. Áp lực về chi phí lãi vay nhẹ hơn so với năm 2022 hay 2023 rất nhiều, dẫn đến biên lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn so với năm 2023. Ngoài ra còn một số yếu tố nữa như việc tái cấu trúc doanh nghiệp, giao dịch bán hàng thuận lợi..."./.