Chiều ngày 28/2, tại UBND phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình giao thông TP Hà Nội tổ chức công bố công khai và bàn giao hồ sơ điều chỉnh chỉ giới đường đỏ đường Vành đai 4 đoạn từ QL6 đến QL1 tại nút giao với QL6.
Theo Quyết định 862 ngày 10/2/2023 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt, điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ đường Vành đai 4 (VDD4) – Vùng Thủ đô đoạn từ QL6 đến QL1A tại nút giao với QL6. Theo đó, điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ đường VĐ4 đoạn từ QL6 đến QL1A tại nút giao với QL6 với tỷ lệ bản đồ 1/500. Vị trí nghiên cứu điều chỉnh thuộc 2 phường Yên Nghĩa và Phú Lãm, quận Hà Đông. Nguyên tắc đảm bảo đủ quỹ đất xây dựng nút giao đường Vành đai 4 giao với QL6, trên dự án đường VĐ4 – Vùng Thủ đô.
Mục tiêu điều chỉnh, khớp nối thống nhất với Dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo QL6, đảm bảo liên thông, liên tục giữa tuyến quốc lộ trung tâm ra vào TP với tuyến đường Vành đai 4, tạo điều kiện cho các phương tiện giao thông lưu hành và phục vụ cho công tác điều hành tại nút giao. Nôi dung điều chỉnh chỉ giới đường đỏ đường VĐ4 đoạn từ QL6 đến QL1A tại nút giao với QL6 với tỷ lệ 1/500 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định 5465 ngày 26/1/2022.
Ông Lê Văn Đồng, chuyên Viện Quy hoạch Xây dựng, cho biết thêm: Tuyến đường VĐ4 – Vùng Thủ đô các loại xe được chạy tối đa 100km/h. Đường VĐ4 có bề rộng 120m. Vị trí điều chỉnh tại nút giao thông QL6 hướng từ Xuân Mai đi trung tâm TP Hà Nội. Nút giao nằm ở phía Tây Nam Bến xe Yên Nghĩa.
Theo hồ sơ được UBND TP Hà Nội phê duyệt, trước khi điều chỉnh, đường VĐ4 đoạn từ QL6 đến QL1A, khi giao tại nút giao với QL6 thì đường VĐ4 vượt lên trên và đường QL6 đi ở phía dưới. Khi các phương tiện lưu thông từ Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức muốn giẽ vào QL6 đi về trung tâm TP phải đi qua nút giao QL6 đến nút tiếp theo mới được quay đầu ngược lại về QL6. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai song hành 2 dự án đầu tư xây dựng là đường VĐ4 và cải tạo, nâng cấp QL6, các cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho TP điều chỉnh chỉ giới và lối giẽ tại nút giao của đường VĐ4 và QL6 tại Hà Đông được kết nối liên thông tất cả 4 hướng.
Các phương tiện đi trên đường VĐ4 đến nút giao QL6 đi về trung tâm TP, hay đi các tỉnh Tây Bắc đều có thể giẽ ngay tại nút giao để chuyển hướng di chuyển, đảm bảo tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển so với nút giao chưa điều chỉnh trước đó. Tại hội nghị, Viện Quy hoạch Xây dựng và Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình giao thông TP Hà Nội đã ký bàn giao hồ sơ điều chỉnh cho quận Hà Đông và các đơn vị triển khai thực hiện.
Theo thống kê sơ bộ, 2 phường Yên Nghĩa và Phú Lãm của quận Hà Đông có thể phát sinh hàng trăm hộ phải bàn giao mặt bằng cho việc điều chỉnh nút giao kể trên.
Phá dỡ nhà cũ liệu chúng tôi có được hỗ trợ không?
Có nhà kiên cố xây 3 tầng, đất với tổng diện tích khoảng hơn 100m2 đều thuộc diện thu hồi trong dự án Đường vành đai 4 đi qua, ông Dũng ở Tổ 6 phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Gia đình ông cũng như mấy hộ xung quanh mới chỉ được thông báo cắm mốc dự án, còn chưa được mời họp, hay thông báo bất cứ một thông tin gì về mức đền bù, tái định cư ra sao?”.
Những hộ dân thuộc Tổ dân phố số 3, phường Yên Nghĩa, nơi có dự án đi qua, ông Lê Đình Toàn, băn khoăn: “Gia đình tôi mới được cắm mốc phần dự án thu hồi hơn 20m2 đất ở, và hơn 300 m2 ruộng sản xuất, còn đến nay chưa nhận được bất cứ một thông tin nào về mức hỗ trợ, mức đền bù hay tái định cư. Đất mặt đường Quốc Lộ 6 gia đình tôi đang ở với nhà cao 3 tầng, nay bị thu hồi hơn nửa diện tích, như vậy thì phần nhà còn lại cũng phải phá bỏ để xây mới chứ làm sao mà ở được, và phần phá dỡ nhà cũ cũng như xây lại nhà mới không biết gia đình tôi có được hỗ trợ không?”.
Cùng giống nhà ông Toàn, ông Nguyễn Duy Lượng, ở Tổ 3 cho biết: “Gia đình tôi cũng bị thu hồi hơn 20m2 phòng khách, ngôi nhà hiện tại cao 3 tầng bị phá 1/2 cũng sẽ phải xây lại. Ông Lượng cũng như các hộ dân luôn đồng thuận với chủ trương của Nhà Nước, nhưng cũng chưa biết gì về mức đền bù, hỗ trợ thế nào?".
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa bàn quận Hà Đông có chiều dài 5,5km; phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng diện tích 66,971 Ha thuộc địa bàn 4 phường Yên Nghĩa, Đồng Mai, Phú Lương và Phú Lãm, trong đó, phường Yên Nghĩa có tổng diện tích thu hồi nhiều nhất, với hơn 33 Ha.
Theo tìm hiểu, nhân dân phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông đồng thuận, nhất trí với chủ trương của Nhà nước về thực hiện dự án đường Vành đai 4. Tuy nhiên người dân cũng đề nghị chính quyền các cấp cần rõ ràng hơn trong các chính sách bồi thường đối với từng hộ gia đình. Đề nghị chính quyền các cấp quan tâm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân có đất thu hồi phục vụ dự án.
Quận Hà Đông phấn đấu hoàn thành sớm công tác GPMB dự án đường Vành đai 4, bàn giao ít nhất 70% mặt bằng trong tháng 6/2023 và hoàn thành 100% trong năm nay.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô hoàn thành sẽ kết nối với nhiều trục giao thông hướng tâm của Hà Nội. Dự án được kỳ vọng giúp giảm tải cho nhiều trục xuyên tâm và Quốc lộ, từ đó giúp mở rộng không gian phát triển, khả năng liên kết vùng để phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh thành thuộc Vùng Thủ đô. Dự án không chỉ là đòn bẩy phát triển Thủ đô mà còn là tiềm năng lớn trong việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội các quận huyện nơi dự án đi qua.