Aa

Nhiều mã bất động sản thanh khoản cao chìm trong sắc đỏ, VN-Index giằng co

Thứ Sáu, 07/08/2020 - 06:00

Thị trường chứng khoán phiên 6/8 biến động giằng co quanh mốc tham chiếu trước sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột.

Thị trường chứng khoán phiên 6/8 không còn duy trì được đà hưng phấn như ở các phiên trước, thay vào đó, sự phân hóa đã trở lại với nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn. Chỉ số đại diện thị trường là VN-Index có những đợt tăng giảm điểm đan xen.

Trong đó, 2 cổ phiếu đóng vai trò trụ đỡ lớn nhất giúp VN-Index kết thúc phiên giao dịch với sắc xanh nhẹ đó là SAB và VNM. Chốt phiên, VNM tăng 2,4% lên 114.800 đồng/cp và đóng góp cho VN-Index 1,35 điểm (0,16%) còn SAB tăng 3,7% lên 182.500 đồng/cp với số điểm đóng góp là 1,19 điểm (0,14%).

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 6/8. Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 6/8. Nguồn: Fialda.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn như GAS, VIC, VJC, HDB, KDC… cũng đồng loạt tăng giá mạnh. GAS tăng 1,3% lên 69.500 đồng/cp. Đáng chú ý, các cổ phiếu dầu khí như PVD, PVS… đều có một phiên giao dịch tích cực nhờ tác động tốt từ giá dầu thế giới. Trước đó, giá dầu Brent tương lai tăng 28 cent, tương đương 0,6%, lên 44,43 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 6/3. Giá dầu WTI tương lai tăng 69 cent, tương đương 1,7%, lên 41,7 USD/thùng, đóng cửa cao nhất kể từ ngày 21/7, trong phiên cũng có lúc lên cao nhất kể từ đầu tháng 3.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 6/8. Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 6/8. Nguồn: Fialda.

Chiều ngược lại, sắc đỏ bao trùm lên nhiều cổ phiếu lớn khác như BID, ACB, MSN, CTG, TCB, MBB… và gây ra áp lực rất lớn lên các chỉ số. Trong đó, ACB giảm 0,8% xuống 23.800 đồng/cp và là nhân tố chính đẩy HNX-Index giảm điểm. BID giảm 1,3% xuống 38.250 đồng/cp, MSN giảm 2% xuống 53.900 đồng/cp, BVH giảm 1,4% xuống 45.350 đồng/cp.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, cả 4 ông lớn là VIC, VHM, VRE và NVL đều biến động hẹp trong phiên 6/8. Trong đó, VHM và VRE đứng ở mức giá tham chiếu còn VIC tăng 0,6% lên 87.500 đồng/cp, NVL tăng 0,2% lên 64.900 đồng/cp

Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ có yếu tố thị trường cao như KOS, CEO, DIG, CII, DXG, FLC, HAR… đều chìm trong sắc đỏ, trong đó, KOS giảm 2,9%, CEO giảm 2,8%, DIG giảm 2,4%, CII giảm 2%.

Dù vậy, sự phân hóa ở nhóm ngành này cũng là khá rõ nét trong phiên 6/8. OGC tăng 2,2%, CRE tăng 3,15, HDG tăng 1,7%...

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,24 điểm (0,27%) lên 840,04 điểm. Toàn sàn có 167 mã tăng, 199 mã giảm và 74 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,59%) xuống 113,35 điểm. Toàn sàn có 66 mã tăng, 83 mã giảm và 53 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (0,11%) lên 56,12 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 4.556 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch là 298 triệu cổ phiếu; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 476 tỷ đồng. ITA và HQC vẫn là 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường. Trong đó, ITA khớp lệnh 9,7 triệu cổ phiếu còn HQC là 7 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại duy trì trạng thái mua ròng nhẹ ở sàn HoSE trong khi bán ròng trên HNX và UPCoM. Riêng sàn HoSE, khối ngoại mua ròng hơn 13,8 tỷ đồng, giảm 42% so với phiên trước, nhưng tính về giá trị dòng vốn ngoại sàn này bán ròng 129.130 cổ phiếu. Có đến 5 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất là NVL, AGG, VRE, CII và NVL, trong đó, NVL bị bán ròng mạnh nhất thị trường với 51 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM và KBC là 2 cổ phiếu bất động sản được mua ròng mạnh với lần lượt 7,4 tỷ đồng và 4,7 tỷ đồng.

Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, thị trường bắt đầu gặp khó khăn với việc VN-Index giằng co và rung lắc quanh ngưỡng 840 điểm, và thậm chí HNX-Index còn kết phiên trong sắc đỏ. Thanh khoản trong phiên 6/8 giảm so với trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu trên thị trường đang dần suy yếu và đà tăng trên VN-Index hiện tại là tương đối rướn. 

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index hiện kết phiên ngay trên ngưỡng 840 điểm (MA20) cho nên những rung lắc có thể sẽ tiếp diễn trong phiên cuối tuần. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 8 phân kỳ so với chỉ số cơ sở VN30 khi giảm trong phiên 6/8, qua đó nới rộng mức basis âm lên thành 5,6 điểm, cho thấy nhà đầu tư phái sinh nghiêng về khả năng thị trường sẽ sớm giảm trở lại.

SHS dự báo trong phiên hôm nay, 7/8, VN-Index có thể sẽ điều chỉnh trở lại trước áp lực chốt lời quanh ngưỡng 840 điểm (MA20). Những nhà đầu tư đã giải ngân thăm dò một phần danh mục trong tuần trước có thể cân nhắc chốt lời trong phiên giao dịch tới nếu thị trường tiếp tục giao dịch trong vùng giá hiện tại hoặc cao hơn.

Về thị trường chứng khoán châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,53% trong khi Kospi của Hàn Quốc tăng 1,08%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt giảm 0,4% và 0,62%. Hang Seng của Hong Kong giảm 1,63%.

ASX 200 của Australia tăng 0,25%, NZX 50 của New Zealand tăng 0,058%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore tăng 1,04%, Jakarta Composite tăng 1% và KLCI của Malaysia tăng 1,3%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top