Trước khi bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8, tâm lý nhà đầu tư phải chịu một số áp lực trước tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường dường như không mấy bị ảnh hưởng bởi những áp lực nói trên.
Thị trường chỉ “lóe đỏ” trong khoảng thời gian ngắn ở đầu phiên giao dịch, ngay sau đó, lực cầu dâng cao đã kéo mạnh các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Trước những diễn biến tích cực bất chấp tình hình dịch bệnh còn phức tạp, điều này giúp nhà đầu tư phần nào “cởi bỏ” được những lo lắng và đẩy sự hưng phấn lên mức cao.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 16,26 điểm (2,04%) lên 814,65 điểm. Toàn sàn có 339 mã tăng, 64 mã giảm và 33 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,92 điểm (2,72%) lên 110,43 điểm. Toàn sàn có 124 mã tăng, 43 mã giảm và 44 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,71 điểm (1,3%) lên 55,51 điểm.
Trong nhóm VN30 phiên 3/8 chỉ có duy nhất NVL giảm giá với mức giảm 1,2% xuống 64.300 đồng/cp, trong khi đó, toàn bộ 29 cổ phiếu còn lại trong “rổ” chỉ số này đều tăng giá. Trong đó, SBT tăng đến 6,1% lên 14.000 đồng/cp, MSN tăng 4,2% lên 52.600 đồng/cp, SSI tăng 4,1% lên 14.100 đồng/cp, PLX tăng 3,7% lên 43.750 đồng/cp, HPG tăng 5,5% lên 22.900 đồng/cp và khớp lệnh đến gần 17 triệu cổ phiếu. HPG mới đây cho biết, sản lượng bán hàng thép xây dựng tháng 7 đạt 300.000 tấn, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 19% so với tháng 6; trong đó xuất khẩu 53.500 tấn, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu như BVH, HSG, PVS, KBC, CTD, PVD… cũng đồng loạt tăng giá mạnh và giúp giữ được sự hưng phấn của nhà đầu tư.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, cả 3 mã họ “Vin” gồm VIC, VHM và VRE đều kết thúc phiên trong sắc xanh, trong đó, VIC tăng nhẹ 0,1% lên 87.600 đồng/cp, VHM tăng 1% lên 78.500 đồng/cp, còn VRE tăng 2,2% lên 25.650 đồng/cp.
Nhiều mã bất động sản vừa và nhỏ có yếu tố thị trường cao như ITA, DRH, ASM, OGC, HDG hay HQC đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, TIP tăng 6,4% lên 19.100 đồng/cp, IDJ tăng 5,8% lên 14.600 đồng/cp, FLC tăng 4,4% lên 2.820 đồng/cp, SCR tăng 4,3% lên 4.800 đồng/cp, KBC tăng 4% lên 12.900 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu ngành y tế vẫn cho thấy “sức mạnh” trong mùa dịch với TW3, DP1, DNM hay JVC đều được kéo lên mức giá trần. DBT tăng 6,7%, DMC tăng 4,1%, AMV tăng 3,5%...
Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với phiên cuối tuần trước và xấp xỉ mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 5.232 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch là 347 triệu cổ phiếu; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.371 tỷ đồng. 3 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường là ITA, HQC và ASM, trong đó, ITA khớp lệnh 9,7 triệu cổ phiếu, HQC và ASM khớp lệnh lần lượt 8,5 triệu cổ phiếu và 4,7 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại mua ròng trở lại gần 6,5 tỷ đồng trên toàn thị trường, chỉ mua ròng 12,5 tỷ đồng trên HoSE trong khi bán ròng 15 triệu đồng trên HNX và 6,5 tỷ đồng trên UPCoM. VHM đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với 31 tỷ đồng. VRE và PDR cũng là 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với lần lượt 15 tỷ đồng và 3 tỷ đồng. Trong khi đó, HPG được mua ròng mạnh nhất với 30,4 tỷ đồng. KBC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 mua ròng của khối ngoại với 5,6 tỷ đồng.
Theo chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường hồi phục trong phiên đầu tuần với mức tăng tương đối mạnh và thanh khoản cũng được cải thiện lên xấp xỉ mức trung bình 20 phiên cho thấy tâm lý nhà đầu tư có sự cải thiện và dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện phân tích kỹ thuật, thì VN-Index vẫn chưa vượt qua được đường MA20 ngày ở quanh 840 điểm cho thấy xu hướng ngắn hạn vẫn đang là giảm.
Mặt khác, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 8 tiếp tục duy trì mức basis âm khá mạnh 15,86 điểm so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy nhà đầu tư phái sinh vẫn nghiêng về khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. SHS dự báo trong phiên giao dịch 4/8, VN-Index có thể sẽ giảm trở lại với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 800 điểm (fibonacci retracement 38,2%). Những nhà đầu tư đã giải ngân thăm dò một phần danh mục trong tuần trước tiếp tục quan sát thị trường và có thể cân nhắc mua thêm một phần danh mục nếu như thị trường có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ 800 điểm (fibonacci retracement 38,2%) trong phiên kế tiếp.
Về thị trường chứng khoán thế giới, Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 2,2%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 1,7% và 2,4%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,5%. ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt giảm 0,03% và 0,5%. Tại Đông Nam Á, Jakarta Composite giảm mạnh nhất khu vực với 2,8%, Straits Times của Singapore mất 1,8%, SET 50 của Thái Lan giảm 0,6% và KLCI của Malaysia giảm 2,8%.