Sau phiên khi bị bán mạnh vào cuối phiên 30/6, thị trường chứng khoán Việt Nam đã quay trở lại diễn biến tích cực trong phiên đầu tháng 7. Ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch, sắc xanh đã chiếm ưu thế ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và điều này giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu.
Dù vậy, áp lực chốt lời trên thị trường vẫn luôn thường trực và điều này đôi lúc khiến các chỉ số rung lắc và đảo chiều. Tuy nhiên, lực cầu ở thời điểm hiện tại là quá “khỏe” VN-Index và HNX-Index không giảm được quá lâu và nhanh chóng hồi phục trở lại.
Đà tăng của các chỉ số được nới rộng vào cuối phiên khi tâm lý nhà đầu tư tỏ ra hưng phấn hơn. Nhóm cổ phiếu chứng khoán là tâm điểm của thị trường khi đồng loạt bứt phá mạnh. Các mã như BVS, MBS, BSI, AGR hay CTS đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, FTS và VDS tăng 6,8%, SHS tăng 6,6%, HCM tăng 5,7%, SSI tăng 4,5%, VND tăng 4,5.
Bên cạnh đó, các mã ngân hàng hay thép như VPB, HDB, MSB, HPG, HSG... đồng loạt tăng mạnh và góp phần củng cố vững sắc xanh của các chỉ số. Trong đó, VPB tăng đến 4% lên 70.400 đồng/cp. Theo thông tin được đăng tải trên Báo Đầu Tư, VPBank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức gây sốc: 80% bằng cổ phiếu (tỷ lệ 100:80). Trước đó, Hội đồng quản trị ngân hàng này đã bất ngờ lấy ý kiến bằng văn bản về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu. Danh sách cổ đông được chốt vào ngày 13/7/2021.
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu lớn khác vẫn chìm trong sắc đỏ nên cũng gây khó khăn cho đà đi lên của các chỉ số, trong đó, SHB giảm 1%, PVS giảm 1,7%, SAB giảm 0,8%, VJC giảm 0,7%.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra là rõ nét. Đối với các mã vốn hóa lớn ở nhóm này, PDR, THD và VRE là các mã giữ được sự tích cực, trong đó, PDR tăng mạnh 2,7% lên 95.900 đồng/cp và khớp lệnh hơn 5 triệu đơn vị. THD và VRE tăng lần lượt 0,3% và 0,2%. Trong khi đó, các mã gồm VIC, VHM, NVL hay BCM đều giảm giá nhưng mức giảm không quá mạnh đều chỉ dưới 1%.
1/7 là phiên giao dịch khá trũng thông tin với nhóm cổ phiếu bất động sản. Đa phần các cổ phiếu thuộc nhóm này đều không bị ảnh hưởng bởi các thông tin nội bộ doanh nghiệp.
Tại nhóm bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn, trong đó, BVL, FIT hay VPH đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, những mã thanh khoản cao như TIG, DRH, KBC, CRE, HDC, AGG, DIG... đều biến động theo chiều tích cực.
Trong khi đó, cũng còn khá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm sâu như HQC, BII, SCR, DXG,... Trong đó, SCR sau phiên tăng trần kèm theo sự bùng nổ về khối lượng giao dịch hôm 30/6 thì đến phiên 1/7 cổ phiếu này giảm trở lại 1,7% xuống 11.700 đồng/cp. Bên cạnh đó, HQC giảm 2,3% xuống 3.750 đồng/cp, BII giảm 1,5% xuống 6.700 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,53 điểm (0,61%) lên 1.417,08 điểm. Toàn sàn có 224 mã tăng, 165 mã giảm và 54 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,4 điểm (0,74%) lên 325,72 điểm. Toàn sàn có 88 mã tăng, 92 mã giảm và 84 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (0,21%) lên 90,44 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng vọt so với phiên trước với tổng giá trị khớp lệnh đạt 28.900 tỷ đồng. FLC là mã bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 32 triệu cổ phiếu. Chốt phiên, FLC tăng 0,8% lên 13.400 đồng/cp.
Khối ngoại bán ròng trở lại 246 tỷ đồng trong phiên 1/7, trong đó, các mã bất động sản gồm NVL, VIC hay VHM đều nằm trong danh sách các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất. Chiều ngược lại, KDH là mã duy nhất nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán MB (MBS), tThị trường trong nước đã bước vào sóng tăng điểm mới, nhà đầu tư đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi xu hướng tăng của thị trường và mạnh tay xuống tiền. Thanh khoản đã ở mức bùng nổ có thể thấy dòng tiền đã được kích hoạt và nhà đầu tư đã chờ đợi thị trường tạo sóng rõ ràng để mua vào mạnh mẽ. Về kỹ thuật, điểm số tăng kèm sự hỗ trợ của thanh khoản là dấu hiệu xác nhận xu hướng tăng tiếp tục của thị trường. Với quán tính tăng như hiện nay, mốc cản 1.450 điểm hoàn toàn có thể bị chinh phục./.