Thị trường chứng khoán Việt Nam có những biến động bất ngờ trong phiên chốt NAV của các quỹ. Phần lớn thời gian của phiên giao dịch ngày 30/6, thị trường biến động tích cực với sự bứt phá của nhiều cổ phiếu trụ cột như VIC, VHM, MSN, VCB… Điều này giúp chỉ số chính VN-Index giao dịch trên mốc tham chiếu ở phần lớn thời gian của phiên, bất chấp việc nhiều cổ phiếu lớn chìm trong sắc đỏ.
Tuy nhiên, đà tăng của VN-Index không thể duy trì được đến cuối phiên khi áp lực bán mạnh bất ngờ xuất hiện đã kéo hàng loạt cổ phiếu lớn lao dốc, các mã có yếu tố nâng đỡ trước đó gồm VHM, MBB… đảo chiều giảm trở lại. Những cái tên như VIC hay VRE cũng chỉ có được mức tăng điểm nhẹ. Chốt phiên, VIC tăng 0,8% lên 119.000 đồng/cp còn VRE tăng 0,2% lên 31.750 đồng/cp.
Hhàng loạt cổ phiếu lớn khác như PVS, PLX, CTG, ACB, GVR, LPB… cũng giảm giá và điều này đã gây ra áp lực rất lớn cho thị trường chung, các chỉ số vì vậy cũng đều kết phiên trong sắc đỏ. CTG giảm 2,2% xuống 52.700 đồng/cp. Trên một số phương tiện truyền thông, tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, CTG ước tính lợi nhuận quý II/2021 đạt khoảng 5.000 tỷ, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ.
Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu góp phần nâng đỡ các chỉ số gồm MWG, MSN, VCB, PNJ, THD… Trong đó, MWG tăng mạnh 3,4% lên 152.000 đồng/cp, MSN tăng 2,7% lên 111.400 đồng/cp, VCB tăng 2,1% lên 116.400 đồng/cp, THD tăng 1,4% lên 207.100 đồng/cp.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, sắc đỏ có phần chiếm ưu thế hơn. Các mã như BII, KBC, TDH, PDR, FLC… đồng loạt giảm sâu. Trong đó, PDR giảm 2,6% xuống 93.400 đồng/cp, TDH giảm 3,1% xuống 7.300 đồng/cp. FLC giảm 2,6% xuống 13.300 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, vẫn còn một số cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao biến động tích cực như SCR, VPH, ILB, HDC, LDG… Trong đó, SCR và VPH đều được kéo lên mức giá trần. SCR “nổ” thanh khoản với khối lượng khớp lệnh vọt lên hơn 21 triệu cổ phiếu. LDG tăng 1,7% lên 7.340 đồng/cp.
Sáng 30/6, LDH tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 1.574 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 301 tỷ đồng. So với kết quả năm 2020, doanh thu tăng 13% còn lợi nhuận gấp 23 lần.
Một cổ phiếu cũng đáng chú ý khác đó là VPI tăng 0,1% lên 35.750 đồng/cp. Sáng 29/6, VPI tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, cổ đông thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 với tổng doanh thu hợp nhất 3.100 tỷ đồng, tăng 43% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 11% lên 341 tỷ đồng. Năm 2021, công ty dự kiến sẽ ghi nhận doanh thu chính từ dự án The Terra - An Hưng và một phần dự án Grandeur Palace - Giảng Võ, The Terra - Hào Nam; doanh thu từ kinh doanh khu căn hộ dịch vụ Oakwood Residence Hồ Tây.
NVL đứng giá tham chiếu 121.000 đồng/cp và có giao dịch thỏa thuận hơn 13,4 triệu cổ phiếu (chủ yếu ở mức tham chiếu) với tổng giá trị giao dịch đạt 1.633 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, VN-Index giảm 1,49 điểm (-0,11%) xuống 1.408,55 điểm. Toàn sàn có 139 mã tăng, 233 mã giảm và 62 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,47 điểm (-0,15%) xuống 323,32 điểm. Toàn sàn có 86 mã tăng, 125 mã giảm và 74 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,06%) xuống 90,25 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 21.000 tỷ đồng, trong đó, SCR và FLC là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường và đều trên 21 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại mua ròng đột biến gần 1.760 tỷ đồng trên toàn thị trường phiên 30/6. Trong đó, NVL gây bất ngờ khi được mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng và chủ yếu thông qua thỏa thuận. Bên cạnh NVL, VHM và KDH cũng là 2 mã bất động sản khác nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại, trong đó, VHM được mua ròng 209 tỷ đồng và KDH là 18,7 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VRE, PDR, VIC và HDC đều nằm trong số các mã bị khối ngoại bán ròng mạnh.
Theo CTCP Chứng khoán MB (MBS), thị trường đang ở vùng cản mạnh nơi có mặt của đường cản trên kéo dài từ năm 2020, do vậy áp lực chốt lời sau 4 phiên tăng liên tiếp là kịch bản thường gặp.
Điểm tích cực là thanh khoản phiên này đã giảm so với 2 phiên đầu tuần cho thấy áp lực bán ở vùng cản đã có dấu hiệu giảm trong khi đó khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh. Phiên giảm nhẹ này không làm xu hướng tăng của thị trường thay đổi, thị trường có thể đi vào vùng phân hóa nhằm tránh áp lực bán đối với nhóm cổ phiếu bluechips cũng như cổ phiếu trong nhóm VN30.