Aa

Nhìn lại cổ phiếu BĐS tuần đầu tháng 5: Sắc đỏ chiếm ưu thế

Chủ Nhật, 09/05/2021 - 13:00

Thị trường chứng khoán biến động hẹp trong tuần từ 4-7/5 với việc nhiều nhóm cổ phiếu phân hóa mạnh. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản ghi nhận số mã giảm áp đảo hơn.

Thị trường tăng điểm nhẹ trong tuần qua với việc  VN-Index tăng 2,42 điểm (1%) lên 1.241,81 điểm; HNX-Index giảm 1,89 điểm (-0,7%) xuống 279,86 điểm. UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (0,21%) lên 80,85 điểm.

Thị trường tăng nhẹ khi các nhóm ngành có sự phân hóa mạnh. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản có một tuần giao dịch không thực sự tích cực khi số mã giảm có phần lấn át hơn. Thống kê 113 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán tuần vừa qua có chỉ có 36 mã tăng, trong khi đó, có đến 67 mã giảm giá.

Cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm này là HD6 của CTCP Phát triển nhà số 6 Hà Nội với 27,5%. Tuy nhiên, HD6 chỉ có giao dịch trong 2 phiên ở tuần đầu tháng 5 và cả 2 phiên này đều giảm sàn và khớp lệnh vỏn vẹn 100 đơn vị. Trong phiên, ông Bế Ngọc Long - Tổng Giám đốc đã hoàn tất mua 50.000 cổ phiếu HD6 như đã đăng ký qua đó nâng sở hữu tại công ty này từ 0,56% (81.000 cổ phiếu) lên thành 0,91% (131.000 cổ phiếu). Tương tự, bà Dương Thị Thái Hương - Kế toán trưởng cũng đã mua 30.000 cổ phiếu HD6 trong phiên 20/4. Trước đó, bà Hương chưa nắm giữ cổ phiếu HD6.

Cả 3 cổ phiếu đứng sau HD6 về mức độ giảm giá ở nhóm bất động sản đều thuộc diện vốn hóa nhỏ và thanh khoản rất thấp gồm VHD của CTCP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex, PLA của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hạ tầng Xăng Dầu, và VNI của CTCP Đầu tư Bất động sản Việt Nam.

20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất tuần từ 4-7/5
20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất tuần từ 4-7/5.

Tiếp đến là cổ phiếu HQC của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân với mức giảm 12,6%. Mới đây, cổ đông lớn của HQC – Ông Lê Văn Lợi thông báo đã thoái hơn 49 triệu cổ phiếu HQC trong vòng vỏn vẹn 3 ngày giao dịch từ ngày 26 - 28/4. Sau giao dịch, ông Lợi chỉ còn nắm 90 cổ phiếu HQC và chính thức không còn là cổ đông lớn của công ty.

Cổ phiếu BII của CTCP Louis Holdings cũng gây chú ý khi giảm 12%. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên, công ty này dự kiến phát hành 35,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn lên 932 tỷ đồng. Giá chào bán ủy quyền cho HĐQT xác định. Mục tiêu của doanh nghiệp là huy động tối thiểu 355 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty TNHH MTV Golden Paddy đầu tư nhà máy chế biến gạo (205 tỷ đồng) và góp vào Công ty TNHH Toccoo Việt Nam để đầu tư nhà máy chế biến rau củ quả đông lạnh (150 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, các cổ phiếu có thanh khoản cao như VPH của CTCP Vạn Phát Hưng, HAR của CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền, CEO của Tập đoàn C.E.O… đều giảm khá mạnh trong tuần từ 4 - 7/4.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản thuộc về một “tân binh” của sàn UPCoM là CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà đất COTEC với 36,3%. Trong tuần, CLG chỉ có duy nhất một phiên giao dịch vào 7/5 với mức tăng 37,5%. CLG chính thức giao dịch trên UPCoM từ 5/5 với giá tham chiếu 800 đồng/cp.

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần từ 4-7/5.
20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần từ 4-7/5.

Cổ phiếu FIR của CTCP Địa ốc First Real tiếp tục chuỗi ngày “thăng hoa” khi tăng 13,5% trong tuần qua. FIR chốt phiên 7/5 ở mức 30.300 đồng/cp, tương ứng tăng đến 24% so với phiên 16/4.

Các cổ phiếu bất động sản có yếu tố thị trường cao như NLG của CTCP Đầu tư Nam Long, CRE của CTCP Bất động sản Thế Kỷ, AMD của Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone, FLC của Tập đoàn FLC… đều giảm giá nhưng mức giảm không quá mạnh.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, sự phân hóa diễn ra khi VHM của CTCP Vinhomes và VRE của CTCP Vincom Retail giảm lần lượt 2,2% và 3,1%. Bên cạnh đó, BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp cũng chỉ giảm 0,4%. Trong khi đó, VIC của Tập đoàn Vingroup và THD của CTCP Thaiholdings tăng nhje 0,8% và 0,5%. NVL của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va tiếp tục tăng 3,3% lên đỉnh 135.800 đồng/cp. NVL hiện đang có chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top