Điều đó cho thấy rằng không phải hoạt động phát hành/chào bán tín phiếu trở lại của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày hôm qua sẽ tác động lớn đến thị trường chứng khoán (TTCK).
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch sáng nay, VN-Index tăng 8,06 điểm (+0,65%), lên 1.243,55 điểm. Toàn sàn HoSE có 246 mã tăng và 182 mã giảm, tổng khối lượng giao dịch đạt gần 415 triệu đơn vị, giá trị 10.278,6 tỷ đồng, tăng khoảng 7% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 22,8 triệu đơn vị, giá trị 445,7 tỷ đồng.
Sàn HNX có 77 mã tăng và 57 mã giảm chốt ghi nhận HNX-Index tăng 0,96 điểm (+0,41%), lên 234,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37,5 triệu đơn vị, giá trị 808,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,4 triệu đơn vị, giá trị 104,4 tỷ đồng.
UpCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,1%), lên 90,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 14,7 triệu đơn vị, giá trị 198,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 33,3 tỷ đồng.
Như vậy cả 3 sàn đều đang tăng điểm khả quan mặc dù nhà đầu tư giao dịch thận trọng và có thể chờ đợi giằng co hoặc thay đổi trong phiên chiều. Nhưng đáng lưu ý nhất là tín hiệu dòng tiền không suy giảm. Điều này khác với những lo ngại trước đó về việc NHNN hút ròng có thể làm giảm tiền vào chứng khoán - và đã được lý giải là nguyên nhân cho phiên đỏ lửa của chứng khoán hôm qua.
Theo đó sau 4 tháng tạm dừng, trong hôm qua 11/3, NHNN đã bất ngờ chào bán tín phiếu trở lại và hút gần 15.000 tỷ đồng khỏi hệ thống. Phần lớn giới chuyên môn cho rằng động thái này của NHNN là một biện pháp điều tiết phù hợp trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào nhưng chưa thể đẩy mạnh cho vay ra (với tăng trưởng tín dụng vẫn chậm 2 tháng đầu năm và các NHTM tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất huy động thấp); trong khi đó tỷ giá có biến động với tỷ giá "chợ đen" đang tăng cao, giá vàng miếng SJC cũng thiết lập kỷ lục vượt ngưỡng 82 triệu đồng/ lượng và hiện vẫn đang giao dịch bán ra trên thị trường tại các Công ty vàng quanh mức 82,150 triệu đồng trong sáng hôm nay.
Nhận xét về khả năng tác động của động thái hút ròng qua phát hành tín phiếu của NHNN hôm qua đối với TTCK, ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty FIDT - cho rằng, hiện tại điều này có thể gây thắt chặt thanh khoản phần nào đó trên thị trường liên ngân hàng/thị trường chứng khoán, nếu hành động hút diễn ra liên tục sắp tới. Tùy theo tốc độ hút của NHNN trong ngắn hạn, hay rộng ra là xu hướng đầu cơ tiền điện tử và vàng ngắn hạn.
"Lượng thanh khoản TTCK giai đoạn gần đây duy trì mức trên 23 nghìn tỷ/phiên nhờ vào 1 phần lượng thanh khoản dư thừa trong hệ thống tài chính và lãi suất rẻ kỷ lục chảy trong nền kinh tế. Với việc thắt chặt lượng vốn dư thừa trên liên ngân hàng, có thể quan ngại lượng cầu mua của TTCK sẽ giảm phần nào đó, do các rủi ro về thanh khoản ngắn hạn và tâm lý nhà đầu tư trong quản trị rủi ro.
Việc hút ròng bằng tín phiếu của NHNN kỳ vọng ko gây ảnh hưởng đến cấu trúc lãi suất tiền gửi - cho vay của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn quý II/2024, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn chưa khởi sắc đáng kể. Tuy nhiên, nên nhìn rủi ro tăng đầu cơ của tiền điện tử và vàng là rủi ro cục bộ cho Việt Nam trong ngắn hạn, nhà quản lý đang nhận ra rủi ro. Sau giai đoạn này, có thể chờ đợi vào xu hướng mới tốt hơn của thị trường", ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cũng cho rằng dòng tiền đầu cơ vào 2 thị trường tiền điện tử và vàng (forex - không được hợp pháp hóa) có thể xem là nguyên nhân chính dẫn đến áp lực tỷ giá (áp lực mạnh nhất là trên các sàn tiền điện tử và "chợ đen" ngoại tệ). Bối cảnh hiện tại, 2 thị trường này đều đang chạm đỉnh cao mọi thời đại, với xu hướng đầu cơ theo đà mạnh dần, theo chuỗi tạo đỉnh cao liên tục. Có cơ sở để đoán rằng quy mô đầu tư đáng kể, có thể tạo ra các biến động mạnh trên thị trường tài chính và dẫn đến áp lực tỷ lệ.
Theo đó, việc NHNN bảo vệ kỳ vọng tỷ giá trung hạn (kỳ vọng tỷ giá ngân hàng của Việt Nam ngưỡng 24.800 - 25.000 (giống USD/JPY ngưỡng 150 - 152), với biên động dao động an toàn < 3%/năm) có thể đạt được qua bối cảnh phục hồi tích cực của nền kinh tế.
Tác động của việc hút ròng tín phiếu kì này của NHNN vì vậy có thể chỉ mang tính ngắn hạn và bối cảnh có tích cực hơn giai đoạn tháng 11/2023, ông Tuấn nhấn mạnh.
Năm 2023, NHNN đã có đợt phát động hút ròng mạnh từ phát hành tín phiếu từ tháng 9-11 (khoảng 360 nghìn tỷ đồng), sau đợt phát hành lớn hồi tháng 2 (khoảng 400 nghìn tỷ đồng) nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong các giai đoạn ngắn hạn, qua đó đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND lên giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, và gián tiếp hỗ trợ tỷ giá. USD/VND đến cuối năm chỉ dừng ở biên độ dao động thấp 2%.