Aa

Nhớ làng một thuở

Thứ Hai, 28/10/2019 - 06:28

Tôi xin cho bữa canh hến nông giang. Không ngờ cái yêu cầu tưởng hết sức giản dị của tôi khiến... vợ bạn bối rối. Sau nhiều cú điện thoại thì nhận được cái lắc đầu: Hến giờ khó quá...

Hồi nhỏ nhà tôi sơ tán ở làng Phú Điền, Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, chỗ có cái đền Bà Triệu rất nổi tiếng ấy. Tiếng là về đấy sơ tán nhưng nơi ấy lại là túi bom vì làng nằm ngay quốc lộ 1, cách thị xã, giờ là thành phố, Thanh Hóa đúng 17 kilomet vì có cái biển cột số ngay đấy, nằm giữa 2 trọng điểm là cầu Đò Lèn quê nhà thơ Nguyễn Duy và cầu Hàm Rồng. Nó là hai cây cầu huyết mạch, nếu sập thì con đường tiếp tế vào Nam bị cắt đứt. 

Tôi chứng kiến rất nhiều người chết bom, nhưng lạ là, cái đền Bà Triệu thì chưa bao giờ bị bom hay rốc két. Mấy cụ già trong làng bảo, có lần nhìn thấy rõ ràng quả bom lao thẳng xuống đền bà, nhưng gần tới nóc thì nó lái một đường cong rất điệu nghệ, xịch ra cánh đồng cách đấy mấy chục mét. Ý là Bà Triệu đẩy quả bom đi, và vì thế mà đền bà ngày càng thiêng, giờ thì nó được công nhận di tích lịch sử rồi. 

Tôi là dân ngụ cư, con cán bộ nên không phải đi làm ruộng như bạn bè cùng lứa, mà làm mấy việc vặt mẹ sai để phục vụ cho... bếp đúng nguyên tắc tự cung tự cấp, như kiếm củi, câu cá, tôm... và bắt... hến.

Có cái nông giang, gọi là mương, chảy phía ngoài làng, hôm nào hết thức ăn mẹ sai: Hai thằng đi bắt hến. Thế là hoặc cái giỏ, hoặc cái xoong, đều có sợi dây chuối cột vào chân không cho nó trôi, hai anh em tôi quần đùi cởi trần ra mương mò hến.

Tất nhiên phải là khi nước cạn, cỡ ngang gối trở xuống. Cứ lom khom thò tay nặn cát, thấy hến thì gỡ ra cho vào nồi. Vài tiếng thì được nồi canh, hồ hởi phấn khởi mang về báo công với mẹ.

Làng quê một thuở.

Nhớ chuyện này, là bởi tuần trước tôi mới về lại đấy họp lớp. 43 năm ra trường, tự nhiên có mấy đứa... nhớ nhau, nhớ là mình có một thời từng... đi học, thế là hú nhau về. Tôi thì, ngay sau khi ra trường là về quê ở Huế, học đại học xong cũng bôn ba khắp nơi, ít khi quay lại, mà có quay lại thì cũng không gặp bạn học cấp 3 cũ, vì hồi ấy cả cái huyện Hậu Lộc có nhõn trường cấp 3 tôi học, tức là một lớp sẽ gồm rất nhiều xã, rồi có 3 năm học mà đến 4 lần chuyển trường, từ Văn Lộc, xuống Lộc Tân, rồi xuống Chợ Dầu, cuối cùng là tận Hoa Lộc. Mỗi lần chuyển là một xáo trộn, chúng tôi chở gạch, tre... hàng mười mấy cây số về dựng lớp học, rồi ngay nhân sự lớp cũng xáo trộn, rồi lại đi xa... Thế nên nhớ nhau chỉ là lõm bõm. Và vì thế mà quyết quay về.

Thằng bạn có đứa con gái có cái nhà nghỉ nhưng rất xịn ở ngay cái nông giang ngày xưa anh em tôi hay bắt hến. Trời ạ, giờ nó chỉ còn là cái rãnh bởi hai lý do. Một là khi mình nhỏ thì cái gì cũng... lớn. Tôi kể với các bạn là tôi tập bơi và biết bơi là từ cái nông giang này. Mỗi khi máy bơm từ tít đâu đấy hoạt động, bơm nước sông Mã vào nông giang là nước lại cuồn cuộn, và chúng tôi ra đấy tập bơi, tức là nước rất sâu và nông giang cũng rộng trong trí nhớ tôi khi ấy. Hai là bạn tôi bảo, họ làm đường xi măng trên đê nông giang. Ngày xưa đê bằng đất, chỉ đi bộ và xe đạp. Giờ ô tô tránh nhau được, nên nông giang phải hẹp lại thôi.

Các bạn mời cơm, hỏi tôi thích ăn gì. Tôi biết, hỏi thì hỏi thế chứ thế nào cũng phải có thịt gà, thịt heo... những thứ mà các bạn cho rằng không thể thiếu trong mâm cơm đãi khách. Tôi xin cho bữa canh hến nông giang. Không ngờ cái yêu cầu tưởng hết sức giản dị của tôi khiến... vợ bạn bối rối. Sau nhiều cú điện thoại thì tôi nhận được cái lắc đầu: Hến giờ khó quá, thôi đặt thằng cu hàng xóm đi bắt cua rồi. Thì cũng mừng như ngang được ăn hến, bởi ngày xưa tôi cũng từng đi móc cua, thi thoảng tiện tay tóm được cả chú... rắn. Tôi lại hành: Cố gắng có cà muối nhé. Bạn cười, thiếu gì. Đến khi ăn, có bát cà, mấy đứa tranh nhau, dù cà này ngâm nhiều hơn muối. Muối là phải nén chặt, ăn giòn tan. Ngâm là thả lũm bũm trong cái lọ, ăn dẻo qoẹo, chua kiểu... a xít.

Và tôi, thằng lang bạt, ngồi ăn canh cua kể chuyện hến cho các bạn nghe.

Luộc hến cũng phải biết cách nó mới mở hết miệng và bong ruột ra khỏi vỏ, tức là đợi nước thật sôi lửa thật to thì đổ hến vào, rồi úp vung cho sôi bùng, xong lấy đũa cả (giờ toàn dùng cái thìa nhựa xới cơm, rất ít nhà còn dùng đũa cả) đánh mạnh cho bong vỏ. Rồi chỉ việc đãi như đãi gạo, rất nhanh. Hôm nọ đến nhà kia, thấy mấy mẹ con đang ngồi... nhặt hến. Luộc xong đổ ra rổ rồi ngồi nhặt từng con. Tôi biểu diễn, bảo đưa chậu và rá đây anh đãi cho. Chậu thì có mà rá thì không. Tôi bảo cái đĩa cũng được. Và ngồi đãi trước sự tròn xoe mắt của cả mấy mẹ con, dù lúc luộc, mẹ con nhà này không biết luộc, thịt hến không bong. Nguyên tắc: Nước có chút muối sôi bùng, đổ hến vào, lửa thật to cho sôi bùng trở lại, dùng đũa cả đảo mạnh và đều, rồi bắc ra. Hến bong như... cởi áo...

Đãi xong thì lấy ruột hến ướp với hành tiêu nước mắm. Món này xào với thơm (dứa) thì... chết rượu. Không luộc chín quá là vì thế, còn xào nữa. Nước lắng cho sạch, cho ít mắm ruốc hoặc mắm tôm, nấu canh. Rau lang là ngon nhất, rau chứ không cành hoặc ngọn, có mấy lá lốt nữa. Bí thì rau muống. Mùng tơi thì không ngon bằng canh cua. Hoặc nấu chua, có cà chua, có mẻ... Món canh hến này mùa hè thì bao nhiêu cơm cũng hết. Mẹ tôi còn chế biến ra nhiếu thứ như nấu với... bột mì cán thái sợi. Hồi ấy phải ăn độn bột mì. Sau về quê ở Huế thì cũng chính hến chống đói bằng cách nấu canh hến với rau lang và ăn với... củ khoai lang luộc. Quanh năm như thế, và tồn tại, và đến hôm nay...

Tôi nhớ hồi ấy cái ngõ trước nhà đổ đầy vỏ hến, trời mưa đất thịt gặp vỏ hến, cứ như Chí Phèo gặp Thị Nở, khít lịt, đi xe đạp veo véo không bị ngã.

Vợ bạn, dân gốc làm ruộng ở đây, nghe tôi nói về hến, về canh hến cứ tròn xoe mắt, ơ thế bác còn sành sỏi hến hơn nông dân bọn em ấy nhỉ? Cũng đúng thôi, bà con nông dân thì phải đi làm, đầu tắt mặt tối, khi đi ai cũng đeo theo cái giỏ, vớ được con gì cũng bỏ vào đấy, trưa/ chiều về, rửa qua đổ vào nồi, cho nắm muối quả khế nữa, thế là thành món dở kho dở canh, ăn cơm (giờ món ấy thành đặc sản, bởi ít nhất là nó rất tươi) chứ thời giờ đâu mà đi bắt hến như anh em tôi, rồi về luộc đãi... kỳ công như mẹ tôi.

Về họp lớp, đấu tranh mãi được ăn bữa canh cua bắt mới tinh tại ruộng, hôm sau họp chính thức, đặt ăn nhà hàng, 1 triệu đồng một mâm 6 người, lại ăn như cỗ cưới. May mà có đêm hôm trước để còn nhớ làng, nhớ quê một thuở...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top