Chả hiểu sao tôi hay có uy về... ăn uống. Cà phê, vào quán đến lần thứ ba thì nhân viên hoặc chủ quán biết tên và gu, lần sau đến cứ rứa mà mần, khỏi phải hỏi. Tất nhiên nếu mình đổi gu thì mình sẽ nói ngay, không thì nhân viên kêu to: "Chú Hùng đen ép nóng đường kiêng". Ăn sáng cũng thế. Phở thì bò bắp nước trong, bún thì gân bò không móng heo... cứ bước vào là chủ quán tự động làm xong bưng đến, có thằng còn quý đến mức quán nó đông nghìn nghịt, nó chạy như kim giây đồng hồ, bị hết bàn này bàn kia réo vì chậm, nhưng tôi vào là nó reo to: "A chào chú", rồi nháy mắt phát, thế là tô bánh đa cá rô mang tới trước, khiến bọn xung quanh lại rào lên thắc mắc, nó bảo: "Các anh thông cảm, ông chú ăn để còn đi họp" (thực ra tôi cũng không cần nó phải ưu tiên lộ liễu vậy, và quả là quán này tôi vào đúng đến lần thứ hai là nó biết tên)...
Nhà con gái tôi ở tầng 16 một chúng cư ở quận 2 (Sài Gòn), tôi vào ở, sáng sáng lững thững đi bộ chừng 500 mét ra cái quán phở Bắc rất ngon ở ngay cái đầu cầu. Cũng tới chừng vài bận là cái đứa quản lý quán đã nhớ, hỏi ngay: "Chú vẫn bắp nước trong ạ?". Sau đấy quay về ngay phía bên kia đường có cái quán cà phê, không có cà phê ép, mà là cà phê phin, nhưng cà phê xịn, cũng chỉ buổi thứ hai là nó biết tên biết gu luôn. Thi thoảng đón xe, ghé vào bảo, cho chú ngồi nhờ tí chú đợi xe, nó bảo mời chú ngồi đi, cháu mời chú ly trà nóng ạ. Dân Sài Gòn gần như toàn bộ xài trà đá, vào quán cà phê, việc đầu tiên là nhân viên bê ra ly trà đá rồi mới hỏi khách dùng gì. Tôi viêm họng mạn tính, không uống đá, chỉ hai lần là nó nhớ.
Ấy thế nên hôm nay có người hỏi: Ông thấy sao về cái việc quán bún nào đấy ở Hà Nội mà bà chủ chửi khách như hát hay mà quán vẫn đông nghịt, mà nói lại bảo thiên vị cái đẹp, chứ cái mặt bà chủ trông cũng... hầm hố lắm, thà một em chân dài xinh đẹp thì thôi cũng đành cố đấm ăn... bún...
Mà không chỉ có quán bún chửi nổi tiếng này, còn nhiều quán không chửi nhưng cũng... quá bằng chửi, quá bằng đuổi khách. Mặt lầm lì, nhân viên lạnh như đít bom, bà chủ chỏng lỏn, ăn thì khổ sở như thời... hợp tác xã: Tự lấy tô, xếp hàng, trả tiền trước, ngồi lúp thúp như con ở, như ăn chực... và lại không có nước uống. Trong Nam, phở bún cháo cơm, cà phê nước ép trái cây gì đều có bình trà miễn phí hết, đương nhiên là thế. Ngoài Bắc thì quên đi, cà phê là cà phê, muốn trà thì phải kêu và trả tiền, tất nhiên là trà ngon hơn trà miễn phí phía Nam. Còn các quán ăn thì, ăn xong ngậm tăm xịch mông sang bên cạnh mà uống nước, cũng trả tiền, chứ không thể lẫn lộn đã ăn phở, bún, cơm... lại còn... uống nước. Và cái phong trào cầm tăm vừa đi vừa xỉa có khi nó có một phần lý do từ đây chăng?
Tôi bảo, tôi nghi những người vào những quán đấy ăn họ có khoái cảm riêng, khoái cảm bị chửi khi ăn, như kiểu người có bệnh khổ dâm, bạo dâm ấy, là đoán thế chứ có biết cụ thể đâu. Nhưng đúng là tôi biết có người ngồi ăn cơm mà không có bà vợ lèo nhèo đủ chuyện bên cạnh là ăn không được nhé, vợ càng nói khó chịu thì ăn càng khỏe. Hôm nào vợ viêm họng là phải mở hài trên ti vi để ăn, mà vẫn thấy cơm nhạt thếch. Nhưng tôi nhé, không đối xử tử tế là phắn. Như có cái quán cà phê kia, nhắc đến lần thứ hai là giờ cà phê vỉa hè cũng phải có hai loại đường cho khách chọn, là đường bình thường và đường ăn kiêng. Lần thứ ba quay lại chủ quán xởi lởi, ối em quên mất anh ơi, em xin lỗi mai em mua... Thế là quán ấy mất một khách cà phê thường trực, he he..
Nhưng thật, tôi không thể hiểu được, ăn khốn ăn khổ thế mà vẫn ăn thì nó là cái thể loại gì không biết nữa? Đến bò nhé, trước giờ ăn còn được nghe nhạc Moza kìa, tôi thề là đúng thế ạ, bởi đã có lần tôi đến thăm một công ty sữa rất lớn ở Nghệ An. Họ nuôi bò và có chế độ mát xa, nghe nhạc để bò có thể cho chất lượng sữa tốt nhất. Cũng như thế, ở khu du lịch "Một thoáng Việt Nam", lợn cũng được nghe nhạc và uống sữa hàng ngày...
Thì, chuyện vặt thôi mà...