Tư Chính đang nóng lên từng ngày, mọi con dân đất Việt đều sốt ruột, quan tâm. Nhưng chắc là, trong tình hình quốc tế hiện tại, sự việc trước sau gì cũng sẽ dàn xếp ổn thỏa thôi, dễ gì đâu mà bắt nạt nhau được. Ngoài song phương còn đa phương, ngoài luật... rừng còn luật quốc tế. Ngoài những kẻ hiếu chiến (chiếm không nhiều) thì còn rất đông người yêu hòa bình trên thế giới này, ủng hộ hòa bình, ủng hộ lẽ phải.
Nhưng biển đông không chỉ có Tư Chính.
Hôm qua tôi đọc được thông tin trên một tờ báo mạng, rằng là một hòn đảo của Nga ban bố tình trạng khẩn cấp do gấu Bắc Cực tràn ngập bãi rác để tìm kiếm thức ăn, xông vào nhà dân. Trẻ em không dám đến trường, mọi sinh hoạt bị xáo trộn. Và thông tin tiếp theo là băng biển Alaska đã tan chảy hoàn toàn, đồng nghĩa với việc nhiều bãi biển sẽ bị nhấn chìm, tốc độ nóng lên của toàn cầu nhanh hơn.
Ở Việt Nam, search chỉ trong vòng 30 giây trên mạng, cũng sẽ gặp hàng ngàn bài viết, báo động có, cụ thể có, tình trạng biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội. Một đất nước có chiều dài bờ biển cực lớn, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, của nước biển dâng là đương nhiên.
Vô tình ngồi cùng một người phụ nữ, chị cũng rất đau đáu về vấn đề môi trường, về nước biển dâng, và chị đã âm thầm làm một việc mà kể ra thì có khi có người nói chị... khùng: Nghiên cứu về tre.
Theo chị, tre có thể bảo vệ bờ biển rất tốt. Tôi hỏi, tưởng tre chỉ hợp nước ngọt thôi chứ. Chị bảo, chị đang có gần 200 giống tre trên thế giới, trong đấy có loại trồng ở biển được. Tre Việt Nam đa phần là rễ chùm, có những bụi rất khổng lồ nhưng bão là đổ cả cụm. Thế giới có những giống tre đứng từng cây nhưng rễ lại luồn sâu dưới đất đan vào nhau rất chắc chắn, bão gió không suy suyển và nó có thể trồng sát biển.
Ngoài ra còn trồng ở sông, núi, dọc biên giới... Ơ thế thì tốt quá đi chứ ạ, vừa bảo vệ đất đai cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vừa sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tất tật mọi thứ. Đến giờ tôi mới biết, từ tre, người ta có thể chế biến ra vô vàn thứ như vải may quần áo, ẩm thực, hương liệu... tất nhiên vì thế mà đã từng có kẻ cả gan phịa ra món thuốc chữa ung thư từ... than tre. Nhưng tôi biết, có thể sản xuất dược liệu từ than tre là điều khả dĩ...
Hồi nhỏ tôi sống ở Thanh Hóa, xứ sở của tre, luồng, nứa, đến nỗi có hẳn câu ca về thế mạnh đặc sản 5 L của xứ Thanh là "lang lạc lợn luồng lúa", vân vân (sở dĩ vân vân vì sau này người ta còn phát hiện thêm đến mấy đặc sản L xứ Thanh nữa). Bạt ngàn tre và luồng, nhưng chỉ biết nó dùng để làm nhà, thuyền nan (thuyền nan Thanh Hóa nổi tiếng), đan lát, lấy măng, vân vân. Dọn nó khá khổ vì lá thì rụng còn rễ thì phá đất.
À, nó còn tác dụng nữa là... thử con rể. Thường các chàng trai đến ra mắt bố vợ đều được ông bố ân cần đưa con dao: Bố già rồi, nhân có con, bố nhờ chặt hộ cây tre này. Ông chỉ vào cây tre ở... giữa bụi của bụi tre gai to nhất, rậm rịt nhất, nhìn đã hoa mắt.
Tò mò tìm hiểu thì té ra nó như thế này: Tre rất dễ trồng trên các địa hình, địa vật khác nhau. Nó bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, sinh trưởng nhanh, cành lá dày, tổng diện tích lá lớn, làm sạch không khí, cải thiện môi trường.
Theo một số nhà nghiên cứu thì tre hấp thụ CO2 tạo nên O2 gấp 1,5 lần so với các cây gỗ rụng lá. Khả năng làm giảm tiếng ồn cũng mạnh hơn cây rụng lá. Rễ tre có tác dụng giữ nước, phòng chống nước chảy bề mặt, chống xói mòn, lũ lụt rất tốt. Mọi thành phần của cây tre đều có thể sử dụng làm thành nguyên vật liệu để sản xuất và tiêu dùng được.
Có thể khai thác ở dạng kinh tế gia đình, đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, tiểu thủ công nghiệp cho đến quy mô kinh tế lớn ở dạng công nghiệp. Là nguồn nguyên liệu cung ứng cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau phục vụ đời sống, tiêu dùng và cho những ngành công nghiệp công nghệ cao.
Lại nhớ năm ngoái, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, sau khi đi viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ở Quảng Trị về đã viết thư cho tôi, Hùng ơi, Quảng Trị nắng quá, đường đi viếng các liệt sĩ cũng nắng quá, giá mà có thể trồng tre trên tất cả những con đường Quảng Trị. Chỉ cần Quảng Trị khởi xướng, sẽ có nhiều người xắn tay vào và khi ấy, cả Quảng Trị sẽ xanh màu xanh của tre, tre còn giữ đất cho Quảng Trị, điều hòa khí hậu cho Quảng Trị, Quảng Trị không còn là xứ gió Lào cát trắng nữa.
Lại một địa phương khác, thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai, đang bị nạn xói lở. Con sông Ba nổi tiếng ngày nào, từng có cá sấu trong tiểu thuyết "Đất nước đứng lên", giờ cạn khô đáy và sạt lở rất nhiều.
Ông bạn tôi, kỹ sư kiêm nhà thơ Phạm Đức Long có một đề án là trồng tre dọc sông Ba để giữ đất và tạo cảnh quan, đây sẽ là con sông chảy qua thành phố (tương lai, hiện đang là thị xã). Tất cả các đô thị có sông chảy qua đều đẹp, vấn đề là con người biết sử dụng nó như thế nào. Lo sợ nhất là cứ bê tông hóa nó lên, cương quyết không cho đất thở.
Đừng tưởng nhé, đất vẫn luôn luôn thở. Nhà quy hoạch có tầm và có tâm là phải chừa chỗ cho đất thở. Trồng tre dọc sông là cách dành chỗ cho đất thở. Tất nhiên không phải loại tre nào cũng có thể trồng được, bởi có loại rễ chùm mà nông, nó mà nghiêng một cái là bứng cả núi đất theo. Vì thế mới cần các nhà khoa học về tre, về môi trường, thổ nhưỡng để từng giống tre được đặt vào đúng chỗ.
Chị Nguyễn Thanh Lịch, Bí thư thị xã An Khê, đã rất hào hứng với ý tưởng tre dọc sông Ba, nhưng từ hào hứng, từ ý tưởng... đến hiện thực là một khoảng thời gian gọi là... chờ. Chờ cũng là một đặc sản Việt Nam, thương hiệu Việt Nam. Nó không chỉ là nói cho vui, mà thành tên hẳn hoi, đi trên đường ta vẫn hay gặp những cái bảng rất to ngành giao thông đặt bên đường: "Đường chờ lún" đấy thôi.
Mà sự biến đổi khí hậu, sự ô nhiễm môi trường, vân vân... thì lại không chờ chúng ta.