Có lần, một cô bạn người Ấn Độ sang Việt Nam gặp tôi, trò chuyện một hồi, tự nhiên cô nói: "Cái dễ nhận nhất ở Việt Nam là các trụ sở công quyền rất to".
Là lúc ấy chúng tôi nhắc tới lần tôi và một số nhà văn Việt Nam vào thăm Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam bang Tây Bengal do ông ông Geetesh Sharma làm chủ tịch. Gớm cái phòng làm việc bé tí hin, đi loằng ngoằng mãi, leo ba bốn cầu thang bé tí, mới tới. Ông chủ tịch ngồi ở cái ghế như ghế bà chè chén bên ta, chúng tôi ai kiếm được gì ngồi nấy, xung quanh. Nhưng mà hết sức tình cảm và ấm cúng. Ông Sharma cứ lần mần lục trong nhà, được cái gì lại tặng từng thành viên trong đoàn chúng tôi. Người cái tượng, người cái huy hiệu, người cái khay, người khúc rễ cây, tôi được hộp... xà phòng cạo râu.
Mà thôi, đấy là cái hội quần chúng nhân dân, không mang tính công quyền. Hội ở nước ngoài là... tự nuôi nhau. Cái hội của ông Sharma cũng thế, toàn là người tình nguyện làm không công, tiếp khách là phải... đi nhờ.
Ngay tư cách chính phủ của các nước lớn, lạ thay, trụ sở của họ cũng rất bình thường, nơi làm việc hết sức giản dị. Chưa được tới đấy, nhưng cứ xem trên truyền hình và ảnh báo chí, thấy các nguyên thủ của họ tiếp khách thì cũng... thường thôi. Mới nhất là cái ảnh bảy tám ông bà nguyên thủ các nước cực lớn trên thế giới, ngồi túm tụm họp và thảo luận toàn những vấn đề sinh mạng toàn cầu, sống chết của nhân loại, toàn các nước ho ra bạc khạc ra tiền, thế mà hết sức giản dị ở một bộ bàn ghế hết sức đơn giản, trong một căn phòng không thể giản dị hơn, mà ai cũng hớn hở, ai cũng vui tươi, còn ngoảnh ra để chụp ảnh chứ không có vẻ khó chịu thường thấy khi người ta có cảm giác không được tươm tất, không được tôn trọng.
Các nguyên thủ của ta ra nước ngoài, nguyên thủ của họ tiếp, cũng hết sức giản dị, một cái phòng con con, bộ salon như của... hiệu trưởng cấp 2 trường làng, và làm việc. Mà toàn các cường quốc nhé. Cái ảnh thú vị nhất thời ông Obama là "bố này" nằm nghỉ trong phòng làm việc và... gác chân nguyên giày lên bàn.
Trong hai tôn giáo thịnh hành ở nước ta là Thiên chúa giáo và Phật giáo, cái triết lý của riêng của từng tôn giáo cũng thể hiện ở nơi hành lễ của họ.
Chúa luôn ở trên cao, Chúa sinh ra mọi vật... còn thần dân là con chiên, nên cái nhà thờ nó cứ là phải cao vời vợi thế, ngạo nghễ thế... để con chiên vào là phải ngước lên, cứ hun hút cao, là thấy mình nhỏ bé trước Chúa, để phải thành khẩn khai tội trước Chúa, và càng tin tưởng Chúa hơn, thấy mình đúng là con chiên hơn...
Phật thì lại khác. Phật trong tâm, nên các chùa thường là nhỏ bé, mềm mại, lẩn khuất trong vườn, trong rừng, xanh um cây, véo von chim hót, thanh cảnh, nhẹ nhõm, ấm áp, lương thiện và thân thiện...
Nhưng giờ, xu hướng bề thế hoành tráng chùa ở Việt Nam có vẻ đang lấn lướt. Chùa Bái Đính, chùa Ba Vàng, rồi mới nhất là chùa Tam Chúc... cứ đua nhau kỷ lục. Hình như giáo lý nhà Phật thời nay có chút... cơi nới chăng. Những ngôi chùa nổi tiếng xứ Huế, luôn trầm mặc lẫn vào cây vào núi, tiếng chuông vọng giữa thinh không, lẩn vào sương vào gió, và nếu có ở giữa phố, như chùa Từ Đàm chẳng hạn, thì nó cũng rất khiêm nhường, cây nhiều, cổng nhỏ, chùa khiêm, dẫu nó chiếm đến hai mặt đường.
Các công sở của ta ngày càng có thiên hướng vời vợi lên. Báo Tuổi trẻ một thời từng có cái tít rất hay: “Đừng để người dân thấy mình nhỏ bé” khi nói về các công sở hiện nay, nhất là vụ nhà... trái bắp ở Đà Nẵng, sau khi đạt đỉnh về sự hoành tráng thì sau đấy lại phát hiện là, ở đấy không đủ không khí để... thở.
Trụ sở cơ quan ở các địa phương, từ tỉnh tới huyện, thậm chí xã, đều rất to, rất bề thế, chiếm đất rất nhiều. Các cơ quan trung ương thì ngoài trụ sở chính rất to ở Hà Nội, đa phần có cơ sở 2 ở TP Hồ Chí Minh, thậm chí còn cơ sở ở Đà Nẵng, Cần Thơ. Tất nhiên là giảm bớt phiền hà để dân khỏi phải tập trung ra Hà Nội, nhưng vấn đề là, những trụ sở này nó cũng bề thế khủng khiếp.
Nước mình có vẻ như cái gì cũng thích to và hoành, càng to càng hoành càng chứng tỏ mình cũng to và hoành theo. Và không to không hoành thì... không làm việc được, bứt rứt, không an tâm.
Bản thân tôi, cũng thuộc diện đi nhiều, tiếp xúc không ít, thế mà thi thoảng có việc vào một số cơ quan công quyền, cũng cứ khúm na khúm núm, rón ra rón rén... dù có giấy mời đến họp nhé, là nhà báo nhà văn nhé, thì dân làm sao dám vào mà... tâm tư với cán bộ.
Và ngay hệ thống tượng đài cũng vậy. Hình như để khỏi phí công “xin” nên tượng nào cũng rất to, rất hoành tráng, phần lớn chỉ có một tư thế đứng, rất cao và rất to, rất xa cách dân. Có tượng, như ở Pleiku còn bị cấm đường, công an gác suốt ngày. Lãnh tụ mà còn sống chắc cũng chả hài lòng với việc xa dân và làm phiền dân như thế... Lại nhớ mấy cái tượng cũng lãnh tụ ở nước ngoài, đứng lẩn thẩn giữa đường, giữa hẻm... ai đi qua cũng sờ đầu, vỗ vai, bá cổ được.
Tất nhiên, nếu sự to, sự hoành tráng là cần thiết cho công việc, cho dân thì chả ai phản đối, nhưng có vẻ như, nó không phải thế. Có phải căn bệnh không thì chưa dám nói, nhưng quả là, đang có một hội chứng to, đông, nhiều... mà người ta đương khuyến khích, ấy là kỷ lục. Có những kỷ lục tốt, nhưng cũng có những kỷ lục để lại điều tiếng xì xào như chai rượu to nhất, bánh chưng bánh tét to nhất, chùa to nhất, tượng Phật to nhất, tô hủ tiếu to nhất, bánh xèo to nhất, trụ sở to nhất, ly cà phê to nhất, đĩa cơm tấm to nhất, múa đông người nhất,...
Trong khi, có nhiều thứ cần vươn tới để tiệm cận với nhất, thì mãi cứ lẹt đẹt...