Aa

Nhớ rét

Thứ Ba, 12/01/2021 - 07:00

Nhưng mà ở đời luôn có sự bù trừ, để còn có cái mà nhớ, dù là nhớ thứ chỉ muốn quên! Ấy là tuy rét cắt thị da, tuy cực nhọc đến độ nhiều phen nghĩ chán cả sống.. nhưng mà đúng là trời chả lấy hết của ai bao giờ...

Chưa về già đã lẩn thẩn. Nhớ gì chả nhớ, lại đi nhớ rét! Mà rét thời nghèo khổ, cách đây vài chục năm quần áo mong manh, cảm giác cơ cực hơn bây giờ chăn ấm nệm êm cả chục lần. Mặc, ai nó gì cứ nói, trách cứ trách, giễu cứ giễu, nhưng cảm giác nhớ rét một thời là có thật. Đơn giản vì nó đã ăn quá sâu vào kí ức, muốn rũ đi cũng đâu có dễ.

Hồi đó, mỗi khi rét về, việc đầu tiên mẹ dặn là phải che chắn cửa cho trâu. Để gió hun hút lùa vào người nó, khiến nó không ngủ cứ mài sừng vào gióng chuồng suốt đêm, thì không chỉ mình có tội, mà còn thiệt hại nhãn tiền! Mình làm sao chưa biết, nhưng trâu mà ngã, thì tan nghiệp.

Sau trâu rồi mới đến lo cho mình. Quần mê áo đụp, bao tải, giấy báo…bất cứ thứ gì cũng có thể đắp vào thân để chống rét. Nghèo mà còn sỹ thì chết cóng có ngày cũng đừng mong ai thương. Nhưng cho dù đã làm hết cách, thì mỗi khi ra ngoài, vẫn phải nhớ cầm theo cái nùn rơm. Rét quá, châm lửa cho cái nùn rơm cháy, có thể hơ lên tay, làm tan giá chân khi lội ruộng, cũng được hàng giờ đồng hồ.

Nhưng nhớ đời nhất là những đận theo chị gái đi dập bèo hoa dâu. Từ lờ mờ sáng chị đã đốc dậy. Chỉ được phép dụi mắt vài phút, là đến đoạn chuẩn bị để đi dập bèo! Dụng cụ chỉ đơn giản là một cái sào bằng nứa, cho nhẹ. Bèo hoa dâu có đặc tính khi phát triển thì bám chặt lấy nhau. Phải dùng sào dập để tách chúng ra, chúng mới nhanh phủ kín ruộng. Dập bèo là cả một công đoạn mang tính kĩ thuật. Phải có lớp có lang, có hàng có lối, người nọ nhìn người kia để không bỏ sót. Mạnh tay quá có thể khiến bèo bị nát. Nhưng nhẹ quá thì chúng không rời nhau hoặc tan không đều. Chao ôi là cả một sự cơ cực. Trời lạnh dưới mười độ, thì mặt nước luôn thấp hơn vài độ. Chân cắm xuống chỉ một thời gian là mất cảm giác. Là tê bì như chân bằng gỗ bằng gang, chứ không còn là da thịt nữa. Nhưng mà cấm có được kêu ca. Kêu ca là bị ăn mắng. 

Nhưng mà ở đời luôn có sự bù trừ, để còn có cái mà nhớ, dù là nhớ thứ chỉ muốn quên! Ấy là tuy rét cắt thị da, tuy cực nhọc đến độ nhiều phen nghĩ chán cả sống… nhưng mà đúng là trời chả lấy hết của ai bao giờ. Thỉnh thoảng đang dập ùm ũm, với cảm nhận nước bị xé ra, thì bỗng cái sào dập như đập vào vật gì cưng cứng. Lộc trời đấy! Bởi cái vật cưng cứng ấy phần nhiều là một con cá quả. Loài cá quả kém chịu rét. Ruộng lại nông, nên chúng chẳng biết chui vào đâu.

Khi bị cóng, toàn thân chúng tê dại, gọi là cá chết giá, nổi lềnh bềnh trên mặt ruộng, lẫn vào với bèo. Nói là chết giá nhưng chúng vẫn sống, chỉ hoàn toàn bất động. Cầm chúng lên tay, chả khác nào cầm một khúc củi. Cứ thế cho vào giỏ, hãng tạm để lên bờ. Nhiều phen về đến nhà chúng vẫn chưa tỉnh. Nhưng khi thả vào nước âm ấm, chỉ nửa tiếng sau chúng lại sống nhăn, quẫy ùm ùm, có tài thánh cũng không bắt được nếu không biết cách.

Có hôm “dập” phải cả chục con cá quả như vậy, khiến đời chả khác gì lên tiên! Nhiều phen tay cóng quá, cứ cầm cá lên lại tuột xuống ruộng. Chị gái nhìn thấy mắng là đồ hậu đậu. Nhưng mà vui lắm. Bởi bữa tối hôm đó có món chả cá của mẹ, thơm đến điếc mũi. Để khi nằm khoanh tròn trong ổ rơm, cạnh một cái bếp lửa ủ trấu, đánh một giấc không còn biết trời đất là gì, thây mặc rét cắt vào cây tím bầm ngay bên ngoài cửa.

Không nhớ mới là lạ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top