Aa

Nhớ thời tã chéo, tã vuông

Thứ Hai, 19/07/2021 - 14:00

Hồi còn dùng tã chéo, tã vuông, nhà nào có trẻ con mới đẻ là biết ngay. Cứ nhìn vào cái dây phơi trên hàng hiên, tã phơi như một hàng cờ đuôi nheo, hàng cờ vuông, bay phấp phới trong nắng sớm, vui mắt lắm…

Chăm sóc và nuôi dưỡng bọn trẻ sơ sinh bây giờ, sướng. Đầy đủ các loại tiện nghi chi tiết, cách thức thì hiện đại. Mình bế cháu nội, lúc nào từ nó cũng tỏa mùi thơm phưng phức vì được bao bọc chặt kín trong bỉm, vô cùng thuận lợi, tiện dụng cả cho bé lẫn bà, mẹ của bé hay người hỗ trợ. Nhưng cũng tiếc. Thỉnh thoảng mới được ngắm con cu của nó, khi bà nội thay tã hay khi bà ngoại tắm cho nó. Chả bù cho hồi nuôi bố nó, thích ngắm lúc nào cũng được. Có lúc hứng lên, còn thơm vào con cu của bố nó. Thơm vào làm kích thích cơn buồn tè, nên thơm xong, đang à ừ nói chuyện, thì nó vọt lên cho một dòng nóng hôi hổi vào cằm, vào cổ và ngực mình. Thằng này đúng là “dòng dõi con nhà”, đái cũng hùng dũng, hoành tráng…

Ngày xưa, cứ canh chừng con cu của bố nó, nếu thấy hơi ngong ngỏng lên thì phải xi đái. Thường là trúng phóc! Xi ị thì canh theo giờ, nhìn dái nó hơi săn lại, thì xi. Cũng chuẩn! Nếu có gửi con cho ai bế, thì bảo, vừa xi cháu đái rồi, cứ yên tâm mà bế, hay là dặn, tí nữa nhìn cu cháu như thế, như thế, thì xi, là chắc ăn.

Bé quấn tã thời nay. (Ảnh sưu tầm)

Thời này, chả ông bố bà mẹ trẻ nào còn biết chuyện xi con đái, xi con ị nữa. Ngày xưa thường dùng tã chéo, tã vuông, tã xô bọc con. Giờ biệt tăm các loại tã ấy. Tã chéo thì thường có độ hơn chục cái. Cái cũ thì đi xin lấy khước con nhà ai đó đã lớn hoặc cắt gạn ra từ cái quần cái áo cũ nào đó. Cái mới, có ít thôi, cắt từ tấm vải màu mới mua. Tã chéo như hình cái khăn quàng đỏ thiếu niên nhưng to dài, đủ quấn được hai, ba vòng quanh thân bé. Tã vuông thì hình vuông, diện tích hơn gấp đôi tã chéo. Tã xô thì cắt từ cái màn xô cũ, dùng để quấn trong cùng cho bé, vì mềm mại nhất. Ngoài tã xô mới quấn tã chéo. Nếu mùa đông rét, thì ngoài cùng quấn thêm tã vuông. Bé tè, bé ị thì “anh” tã xô hứng trọn phần lớn, rồi mới thấm ra tã chéo, tã vuông. Có khi chỉ cần thay tã xô là bé đã khô ráo thoải mái rồi.

Ngày nuôi con, mình chuyên làm nhiệm vụ giặt tã. Mình là loại nhạy cảm với mùi, cứ uẹ oặc suốt. Mình phân loại riêng ra để giặt. Tã chéo, tã vuông thì không thành vấn đề. Tã xô thì cho vào cái chậu nhôm Liên Xô, xả nước vào, ngồi xổm, tay cầm cái que, xoay mặt đi, tay bụm miệng, tay ngoáy, rồi đứng lên, lấy chân nghiêng chậu cho nước chảy đi. Làm vài lần như thế thì mới cho xà phòng bột vào, dùng tay vò giặt. Nhưng cũng có mấy lần thằng cu ị bãi to quá, mình lẳng lặng vơ cái tã xô vứt biến đi. Một thời gian sau, vợ cứ cằn nhằn: “Cái đám tã xô của con, cứ đi đằng nào hết cả ấy anh ạ”. Mình bảo: “Phơi ngoài dây, nó bay lên trời đấy!”.

Các loại tã chéo, tã vuông của thời hiện tại. (Ảnh sưu tầm)

Hồi còn dùng tã chéo, tã vuông, nhà nào có trẻ con mới đẻ là biết ngay. Cứ nhìn vào cái dây phơi trên hàng hiên, tã phơi như một hàng cờ đuôi nheo, hàng cờ vuông, bay phấp phới trong nắng sớm, vui mắt lắm…

Đêm, con đái làm ướt chiếu, ướt giường. Mẹ dậy thay tã xong, lại chọn chỗ khô mà đặt con. Một đêm nó đái vài lần thì giường ướt gần hết, thành ra, mẹ đành nằm chỗ ướt, để chỗ khô cho con nằm. Thế mới sinh ra thành ngữ: “Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”. Thế mới sinh ra câu ca dao thật hay: “Mẹ nằm chỗ ướt phơi sương/ Chỗ khô lót tiếng ru nhường cho con”. Thời dùng bỉm này, thì chả thấy sinh ra được thành ngữ, ca dao, dân ca gì mới nữa cả!

Còn chuyện này nữa. Ngày xưa, thằng bé quấn tã, nằm phơi cả con cu ra, ngủ thì tay chân dạng thoải mái, cu cũng bày ra thoải mái. Các bà, các bác ở quê lên thăm, ngắm nghía, bình phẩm, bô lô ba la: “Thằng này buồi to không lo chết đói”, “Thằng này buồi dài dái trễ, là dễ làm ăn lắm đây”. Có người hay chữ, còn nói dài hơn: “Dáng vóc thì giống cha, làn da thì giống mẹ, buồi dài dái trễ, là hiếu đễ đủ đường!”. Đấy cũng là những câu mà bà đỡ ngày xưa nhận xét khi đỡ đẻ đứa trẻ trai. Sau khi lau rửa tắm táp cho đứa trẻ xong, bà thong thả nhai trầu bỏm bẻm, rồi thư thái nhìn ngắm con cu của cậu bé, mà nhận xét bằng những câu như vậy. Nó tao nhã, trong sáng và văn hóa lắm. Ngày xưa nói những nhận xét ấy là ý nói thằng bé này khỏe mạnh, có sức vóc, lớn lên sẽ sống dễ, sống tốt, tự làm lấy mà ăn, không lo gì đời hèn kém cả. Chứ có đâu như thời nay, nói buồi to, buồi dài là liên tưởng tới chuyện chim gái nuôi mồm. Thật là tha hóa, thiếu văn hóa và có phần tục tĩu quá đi!/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top