Aa

"Nhờn" luật trong xây dựng, Kỳ 4: Vì đâu mất "bảo bối"?

Thứ Năm, 20/10/2016 - 16:21

Lợi dụng việc các công trình sai phạm vẫn được cấp sổ đỏ, nhiều chủ đầu tư cố tình chây ỳ, khi bị thanh tra xây dựng "hỏi thăm" thì tỏ thái độ không hợp tác.

Cấp sổ đỏ là thỏa hiệp?

Dù nhiều dự án thuộc diện xây dựng sai phép, sai thiết kế tuy nhiên vẫn được Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cấp sổ đỏ cho các căn hộ. Việc làm này để đảm bảo quyền lợi cho khách mua nhà, tuy nhiên, chủ đầu tư sẽ lợi dụng vấn đề này để xây trái phép.

Dự án KĐT Đại Thanh chỉ được cấp phép cao 29 tầng nhưng chủ đầu tư tự ý xây lên 31 tầng (1 tầng hầm), trong quá trình triển khai, chủ đầu tư chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa thực hiện các thủ tục đầu tư cũng như chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước, thế nhưng Sở TNMT Hà Nội vẫn tiến hành cấp sổ đỏ cho khách mua căn hộ tại dự án này.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho rằng, sai phạm tại dự án Đại Thanh đã được nhiều cơ quan tiến hành thanh tra, trước khi cấp sổ đỏ tại dự án Đại Thanh, Thành phố Hà Nội đã phải xin ý kiến các Bộ, ngành, thảo luận dai dẳng trong một thời gian dài, đến tháng 8/2013, Văn phòng Chính phủ mới ra thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà sai phạm.

“Sai phạm của chủ đầu tư được để sang một bên để xử lý một cách triệt để, nghiêm minh theo quy định của pháp luật, còn quyền lợi của người dân được đặt sang một bên. Trách nhiệm của cơ quan chuyên môn và cơ quan nhà nước cùng với chủ đầu tư phải đảm bảo quyền lợi của người dân”, ông Nghĩa cho biết.

Chỉ thị số 11 của UBND TP cũng nêu rõ rằng, đối với các dự án phát triển nhà ở, trường hợp chủ đầu tư vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng, vi phạm quy hoạch tại dự án dẫn đến vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND TP thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra, kết luận, xử lý khắc phục vi phạm của chủ đầu tư. Đồng thời thực hiện xét cấp sổ đỏ cho người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ với chủ đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Đội thanh tra xây dựng huyện Thanh Trì cho rằng, việc cấp sổ đỏ cho các dự án đang dính sai phạm khiến việc thanh tra gặp rất nhiều khó khăn. Theo vị này, khi đến kiểm tra tại dự án sai phạm, chủ đầu tư đưa ra lý do, dự án có sai nhưng được đã được cấp sổ đỏ, đã được thừa nhận. Vậy nên, chủ đầu tư thường có thái độ không hợp tác.

“Liệu rằng, bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà, các cơ quản quản lý có biện pháp gì không để ngăn chặn tình trạng nhà thầu bất chấp để vi phạm trật tự xây dựng, hay là chỉ chạy theo sai phạm của chủ đầu tư. Vô hình chung, việc Sở TNMT cấp sổ đỏ cho dự án sai phạm đã tạo cơ hội cho chủ đầu tư lợi dụng việc này để tiếp tục sai phạm”, ông Trần Văn Duy (trú Thanh Xuân) – một khách tìm hiểu mua nhà tại một dự an trên đường Lê Văn Lương lo ngại.

Lãnh đạo cũng vi phạm

Theo điều tra của phóng viên, không chỉ các công trình, dự án xây dựng quy mô lớn bất chấp pháp luật, “nhờn luật” để vi phạm, hàng loạt các công trình xây dựng của người dân tại Hà Nội cũng vi phạm trật tự xây dựng. Lỗi vi phạm nhiều nhất là xây vượt tầng. Điều đáng nói, tại một số quận huyện, khá nhiều nhà dân xây sai phép, vượt tầng nhưng chưa được xử lý, hoặc xử lý nhưng chưa đủ sức răn đe.

Anh Nguyễn Văn K. (trú thị trấn Đông Anh, Đông Anh) cho biết, theo giấy phép xây dựng được cấp, khu vực anh đang xây dựng nhà ở chỉ được cao 3 tầng, 1 tum.

“Nhiều hộ xây đến 5 tầng, 6 tầng, có hộ còn xây đến 7 tầng và 1 tum nhưng vẫn được cho tồn tại nên tôi cũng xây vượt giấy phép 2 tầng”, anh K cho biết.

Sai phạm nghiêm trọng tại dự án 8B Lê Trực khiến dư luận bức xúc

Sai phạm nghiêm trọng tại dự án 8B Lê Trực khiến dư luận bức xúc

Một công trình thuộc loại “khủng” đang được dư luận hết sức quan tâm thời gian gần đây là Làng văn hóa và ẩm thực Nắng sông Hồng. Công trình này được xây dựng trên diện tích 5,3ha ở số 306A, Phố Phú Viên, (Bồ Đề, Long Biên), do Công ty Cổ phần Nắng sông Hồng làm chủ đầu tư. Dự án ngang nhiên lấn chiếm hành lang thoát lũ sông Hồng.

Để xử lý sai phạm, ngày 10/5, UBND quận Long Biên ra công văn về việc xử lý sai phạm của Nắng sông Hồng, yêu cầu chủ đầu tư dừng các hoạt động kinh doanh, tháo dỡ phần vi phạm, trả lại mặt bằng. Thế nhưng, sau một thời gian dài chủ đầu tư vẫn “phớt lờ” mọi chỉ đạo, thách thức dư luận.

Đến thời điểm hiện tại Làng văn hóa và ẩm thực Nắng sông Hồng vẫn tồn tại,thách thức dư luận

Đến thời điểm hiện tại, Làng văn hóa và ẩm thực Nắng sông Hồng vẫn tồn tại, thách thức dư luận. Ảnh: Thành Thái

Không chỉ người dân, doanh nghiệp mà ngay cả cán bộ lãnh đạo cũng vi phạm. Điển hình mới đây là công trình của gia đình ông Nguyễn Hoàng Linh – nguyên Phó giám đốc sở GTVT Hà Nội (Khu tập thể số 8 Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm) vi phạm trật tự xây dựng. Ngôi nhà chỉ được cấp phép xây 7 tầng nhưng chủ đầu tư đã xây lên 10 tầng. 

Sau nhiều lần lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm và yêu cầu ngừng thi công nhưng không có kết quả, tháng 10/2015, UBND quận Hoàn Kiếm đã ra văn bản xử lý. 

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, chỉ tính riêng trong quý I/2016 đã tiến hành kiểm tra 4.561 công trình, phát hiện và lập hồ sơ vi phạm 946 trường hợp. Trong đó, không phép là 288 công trình, sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế là 224 công trình... Riêng tại quận Cầu Giấy, trong 8 tháng đầu năm 2016, UBND quận đã ban hành 51 quyết định xử phạt về vi phạm trật tự xây dựng với số tiền 990 triệu đồng.

Trước thực trạng này, tại Hội nghị giao ban quý I/2016 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội với các sở, ngành, quận, huyện về năm văn minh đô thị 2016, Bí thư thành ủy Hoàng Trung Hải nhận định, công tác quản lý đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Hải chỉ đạo, Sở Xây dựng phải xử lý thật nghiêm những trường hợp thanh tra xây dựng cố tình “bật đèn xanh” cho các các hộ dân làm sai rồi sau đó mới đi lập biên bản. “

Thấy sai phạm nhưng không thể xử lý

Để khắc phục những hạn chế trong việc áp dụng Nghị định 26/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành xây dựng, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp Đội Thanh tra xây dựng địa bàn để thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng.

Nhiều biệt thự, nhà liền kề tại dự án Đại Thanh xây dựng sai phép

Nhiều biệt thự, nhà liền kề tại dự án Đại Thanh xây dựng sai phép

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, việc bàn giao lực lượng Thanh tra xây dựng cho các quận huyện quản lý là một tín hiệu đáng mừng. “Việc bàn giao lực lượng này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, công tác quản lý trật tự xây dựng và hạn chế các sai phạm”, vị đại diện này cho biết.

Dù vậy, thời gian gần đây, việc Bộ Công Thương có Công văn yêu cầu các đơn vị điện lực không được thực hiện ngừng cung cấp điện đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng đang khiến dư luận lo lắng, lực lượng quản lý gặp nhiều khó khăn.

Đại diện Đội thanh tra xây dựng một quận tại Hà Nội cho rằng, điện và nước là hai yếu tố rất quan trọng để phục vụ việc thi công, xây dựng, và cũng chính là “bảo bối” để cơ quan quản lý kiểm soát, xử lý bước đầu của sai phạm.

“Ngừng cung cấp điện, nước đối với các công trình sai phạm sẽ buộc đơn vị vi phạm phải ngừng việc thi công, khắc phục sai phạm. Còn nếu không cắt điện, nước thì chủ đầu tư sẽ lén lút thi công, vậy khác nào chúng ta thấy sai phạm không những không xử lý được mà còn tạo cơ hội cho chủ đầu tư tiếp tục vi phạm và nhờn luật”, vị đại diện này nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top