Những cơn sốt đầu tư ở ba đặc khu tương lai
Tại Vân Đồn (Quảng Ninh), cơn sốt bắt đầu khoảng tháng 3/2017 sau khi một số nhà đầu tư tại Hà Nội, TP HCM đổ bộ và lập các sàn giao dịch ở đây. Trong vài tháng, bất động sản sản Vân Đồn không chỉ tăng chóng mặt về giá bán mà còn cả về lượng giao dịch.
Những nơi giá biến động mạnh nhất như khu vực sân bay quốc tế Vân Đồn, hiện dao động khoảng 35-40 triệu đồng mỗi m2, cá biệt một số nơi 60 triệu đồng. Khu vực Ao Tiên, giá cũng tăng 2-3 lần, lên 20-30 triệu đồng… Theo Hội Môi giới bất động sản, con số này tăng khoảng 5-6 lần so với năm 2016-2017. Tình trạng tăng nóng thậm chí diễn ra cả ở những khu vực khu vực đất chưa có sổ, không rõ pháp lý, hoặc đất nông lâm nghiệp chưa chuyển đổi...
"Cơn sốt" chạy tới Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) – nơi cách thành phố Nha Trang khoảng 50 km thuộc Vạn Ninh (Khánh Hòa) sau Vân Đồn. Nhưng nơi đây cũng được đánh giá là sốt ảo bởi hệ thống cơ sở hạ tầng nhiều khu vực còn rất hoang sơ, người dân chủ yếu làm nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.
Theo đề án, nơi đây sẽ phát huy các điều kiện thuận lợi về hàng hải trong khu vực và thế giới để phát triển cảng biển, quốc phòng. Giá đất ở Vân Phong bị đẩy cao gấp 2-3 lần so với trước Tết Nguyên đán.
Tại thị trấn Vạn Giã, một số vị trí chạm ngưỡng 60-70 triệu đồng mỗi m2. Ở nhiều xã thuộc huyện Vạn Ninh như Vạn Thắng, Vạn Thọ, Vạn Khánh…, vốn cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn nhưng giá đất trong những tháng đầu năm 2018 cũng từ một vài triệu lên từ 13 triệu đồng mỗi m2 - mức tăng mà theo nhiều người dân gấp khoảng chục lần so với trước đó.
Ngay cả nhiều khu đất khai hoang nằm sát biển cũng được đem ra mua bán, có hiện tượng sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm, thậm chí phá rừng…
Xem chi tiết tại đây.
Hà Nội chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn "nhồi" chung cư vào nội thành?
Từ trước năm 2008, khi Hà Nội chưa được mở rộng, nhiều chuyên gia quy hoạch đã dự báo rằng, chỉ trong vòng 10 năm tới, đô thị Hà Nội sẽ phải đối mặt với tình trạng tắc đường và quá tải cục bộ tại nhiều khu vực. Đặc biệt, với việc quy hoạch dồn nén các khu đô thị “chỉ để ở” phía Tây và Nam Hà Nội, sẽ khiến nhiều tuyến đường xuyên tâm của Thủ đô trở thành những “điểm đen” vào mỗi sáng sớm hay lúc chiều xuống.
Và đến nay, khi nhìn lại 10 năm phát triển đô thị hóa mạnh mẽ, Hà Nội đang phải đối mặt với vấn đề ùn tắc giao thông mà còn hàng loạt vấn đề "nóng" khác như: gia tăng dân số, ô nhiễm nguồn nước, ngập úng, quá tải hạ tầng kỹ thuật, thiếu trường học, thiếu không gian công cộng…
Đơn cử như, tình trạng ùn tắc giao thông liên tục xảy ra ở các tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Xuân Thủy – Cầu Giấy, đường vành đai 3 đoạn Phạm Hùng – Nguyễn Xiển...
Bên cạnh đó, nhiều khu chung cư trên địa bàn phường Hoàng Liệt, Linh Đàm (Hoàng Mai), Vạn Phúc (Hà Đông), xã An Khánh (Hoài Đức)… đang thiếu trường học, dẫn tới học sinh phải học nhờ, học tạm... Hay, tình trạng ngập úng cũng xảy ra tại các khu đô thị mới ở Hà Nội đang là nỗi lo lớn của các cư dân hiện đại.
Xem chi tiết tại đây.
Quảng Ninh: "Nóng" chuyện quản lý đất đai tại Vân Đồn
Theo báo cáo của huyện Vân Đồn, trong quý I năm 2018, tình hình quản lý đất đai trên địa bàn huyện có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là từ cuối tháng 3 năm 2018 đến nay. Tại một số địa phương trên địa bàn huyện, đặc biệt là tại xã Minh Châu và xã Đài Xuyên đã xảy ra tình trạng người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng trái phép, tự ý san gạt lấn chiếm đất đai.
Câu hỏi đặt ra là, người dân có thể “tự ý” chuyển đổi mục đích sử dụng đất không, nếu không có sự “lót tay” cho các quan địa chính xã và huyện?
Về vấn đề này, tại buổi làm việc với huyện Vân Đồn vào chiều 18/4, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chính quyền huyện Vân Đồn phải xử lý nghiêm minh, làm điểm, truy cứu trách nhiệm đến cùng những cá nhân, tổ chức vi phạm liên quan đến việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng trái phép, tự ý san gạt lấn chiếm đất đai trên địa bàn xã Minh Châu và Đài Xuyên. Đối với đội ngũ cán bộ làm địa chính, đất đai ở xã, ở cơ sở phải coi trọng chất lượng, thấy không đủ điều kiện thì phải tăng cường hoặc thay thế.
Xem chi tiết tại đây.
Cư dân Helios Tam Trinh nhiều lần… kêu cứu khẩn cấp
Theo chị Đặng T. H – cư dân sinh sống tại tòa nhà cho biết, đỉnh điểm của sự việc này là chiều ngày 23/4 đã có gần 20 người lạ mặt xăm trổ khắp người tự do đi xe vào khu nội bộ của chung cư và có hành vi gây hấn, với lời lẽ thiếu văn hoá đối với cư dân. Mặc dù cư dân đã gọi 113 và công an phường Mai Động tới hiện trường nhưng chính những người bảo vệ pháp luật cũng bất lực nhìn nhóm thanh niên kia quậy phá.
“Chưa dừng lại, tối cùng ngày nhóm thanh niên lạ mặt tiếp tục đi vào khu vực nội bộ của chung cư ngang nhiên dựng xe, đi ngược chiều trên đường nội bộ, thậm chí họ còn kê giường ở sảnh của chung cư để ngủ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và sự an toàn của cư dân”, chị T. H bức xúc.
Theo các cư dân ở đây, đây là vụ việc thứ 2 xảy ra trong vòng 2 ngày (22-23/4) sau khi người dân sống tại chung cư Helios Tower nhận được tin nhắn “cảnh báo” với lời lẽ đe doạ từ tin nhắn của ông Ngô Công Cường – Chủ đầu tư dự án xây dựng trường mầm non Happy world - tại khu đất kế bên dự án Helios Tower 75 Tam Trinh.
Xem chi tiết tại đây.
Khuyến khích phát triển vật liệu xây dựng xanh
Theo TS Nguyễn Quang Cung – Phó Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, các sản phẩm vật liệu xanh, thân thiện môi trường như bê tông chống ngập, gạch lát xuyên nước, được cung cấp trên thị trường có thể đáp ứng yêu cầu chịu tải trọng trong khi cho phép nước mưa xuyên qua, thẩm thấu xuống lòng đất tự nhiên, một mặt giúp giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, giảm thiểu tình trạng ngập úng, duy trì nguồn nước ngầm, bảo vệ sự sống của sinh vật trong lòng đất…
Tuy nhiên, ở Việt Nam sản phẩm này chưa thực sự được quan tâm và nghiên cứu một cách thấu đáo mặc dù thường xuyên diễn ra ngập úng tại các thành phố và đô thị lớn.
“Hầu hết hệ thống thoát nước của các thành phố và đô thị lớn đều sử dụng vật liệu truyền thống như bê tông cho cống thoát nước, gạch block cho vỉa hè, bãi đỗ xe, là những loại vật liệu không giải quyết được vấn đề ngập úng trong mùa mưa do cấu trúc đặc chắc nên nước không thoát qua”, TS Nguyễn Quang Cung cho biết.
Xem chi tiết tại đây.
NƠXH Bright City "vỡ" tiến độ, chủ đầu tư đề xuất dồn tòa để hoàn thiện
Theo kế hoạch dự án Bright City sẽ được bàn giao vào cuối năm 2017, nhưng đến nay, dự án này đã dừng thi công nhiều tháng nay. Điều này khiến khách hàng vô cùng bức xúc.
Lo lắng của khách hàng càng bị đẩy lên cao khi chủ đầu tư thông báo muốn hủy toàn bộ hợp đồng vì không có khả năng hoàn thành dự án. Trước những bức xúc, lo lắng của khách hàng, ngày 26/4, đã diễn ra cuộc họp 4 bên gồm: chủ đầu tư Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Tây Hà Nội, đại diện UBND huyện Hoài Đức và hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án Bright City để bàn về phương án và các giải pháp để tiếp tục triển khai dự án.
Tại cuộc đối thoại, khách hàng đã nêu ra hàng loạt các vấn đề trong đó chất vấn chủ đầu tư về nguồn tiền cư dân nộp chủ đầu tư đã sử dụng ra sao. Một trong những vấn đề cư dân quan tâm hiện nay là phương án để hoàn thiện các căn hộ cho khách hàng.
Trả lời các câu hỏi của cư dân, ông Bùi Viết Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long lý giải, dự án bị dừng triển khai nhiều tháng nay do sự thay đổi về chính sách, dẫn đến những khó khăn về nguồn vốn. Theo ông, dự án được chủ đầu tư bỏ tiền ra để mua đất trước khi được chuyển đổi thành nhà ở xã hội vào năm 2015. Do đó, dự án vốn không được hưởng ưu đãi về thuế đất khi tham gia xây dựng.
Xem chi tiết tại đây.
Khi nhà nhà mua đất, người người mua đất: Kịch bản có lặp lại 8 năm trước?
Năm 2007, 2010 chứng kiến thị trường bất động sản rơi vào tình trạng bong bóng. Phân tích nguyên nhân của thị trường bất động sản rơi vào tình trạng bong bóng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã đưa ra các nhận định: Thứ nhất xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp và người dân dễ kiếm tiền đặc biệt bất động sản là kênh đầu tư về tài sản được lựa chọn để cất trữ, kinh doanh và kể cả đầu cơ. Thứ hai, nguyên nhân từ việc tất cả nguồn vốn xã hội đều đổ vào đầu tư kinh doanh bất động sản. Thứ ba, xuất hiện nhiều nhà đầu tư kinh doanh bất động sản thứ cấp, môi giới, cò đất, cò nhà đi đôi với các đợt sóng tăng giá bất động sản với tần số chóng mặt và có dấu hiệu giới đầu tư cầm trịch các đợt sốt giá.
Ở thời điểm hiện tại, giới chuyên gia đã nhận định thị trường bất động sản đang hội tụ rất nhiều những đặc điểm, dấu hiệu của giai đoạn rơi vào tình trạng bong bóng cách đây 8 năm. Rất nhiều ý kiến lo ngại trước dấu hiệu bất ổn, thiếu khỏe mạnh, minh bạch của một thị trường bất động sản.
Thế nhưng, phớt lờ những lời cảnh báo, khuyến nghị thì giới đầu tư vẫn tiếp tục lăn mình vào thương trường để tìm kiếm cơ hội làm giàu và chưa hề có ý định dừng lại.
Việt Dũng (Hoài Đức, Hà Nội, một nhà đầu tư bất động sản, đã chia sẻ: “Không quan trọng ảo hay không, quan trọng là nhà đầu tư tìm thấy cơ hội kiếm lời ở đó. Bỏ qua giai đoạn này là sự lãng phí đáng tiếc của những nhà đầu tư”. Đó cũng là quan điểm của không ít các nhà đầu tư bởi họ như đang tìm thấy “vàng mười” từ thị trường bất động sản đang nóng. Mà tiền trước mắt thì khó ai đủ tỉnh táo để bước qua.
Xem chi tiết tại đây.