Aa

Những dự án "bom tấn" chờ kích hoạt ở Hà Nội và TP. HCM

Thứ Ba, 11/04/2017 - 21:10

Tuy không gian ngầm đô thị được đưa vào quy hoạch từ năm 2007 nhưng phải đến vài năm gần đây, điều này mới trở nên tương đối cấp bách với các đô thị lớn của Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM. Tuy nhiên, bức tranh quy hoạch không gian ngầm ở Việt Nam vẫn còn khá ảm đạm, những dự án đắp chiếu cả thế kỷ đang chờ được kích hoạt

Hiện nay, hầu hết các đô thị của Việt Nam đã xây dựng công trình ngầm nhưng chủ yếu là các công trình ngầm kỹ thuật bao gồm các tuyến đường dây điện, cáp quang, đường dây thông tin liên lạc, ống xăng dầu, các đường ống cấp nước và cống thoát nước... Bên cạnh đó, các loại hình không gian ngầm được sử dụng cho mục đích giao thông như hầm đi bộ, hầm chui ô tô cũng đều phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn quy mô xây dựng. Tuy nhiên, không phải công trình nào cũng phát huy hết được tính ưu việt của mình do nhiều nguyên nhân.

Trước sức ép về mặt dân số, đô thị đang bị nén trong vùng nội đô chật chội, bài toán quy hoạch ngầm trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Các dự án bãi đỗ xe ngầm với mục đích giải quyết vấn đề thiếu không gian trông giữ xe tại nhiều thành phố lớn vốn "im hơi lặng tiếng", nằm đắp chiếu gần chục năm trời đến nay cũng đã bắt đầu chuyển mình, khởi động. 

Hà Nội chuyển mình?

Từ năm 2007 - 2008, 23 hầm đi bộ tại Thủ đô Hà Nội đã được đưa vào sử dụng, trong đó số lượng hầm đi bộ nhiều nhất là trên dọc đường Vành đai 3 với 17 hầm, 4 hầm ở ngã tư đường 32 với đường 70 và 2 hầm còn lại ở Ngã tư sở và đường Đại Cồ Việt. Hầm đi bộ Ngã tư sở là hầm có quy mô lớn nhất Hà Nội có chiều dài lên đến 500m thông 12 cửa tại 4 góc đường. Các hầm này đều được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng tiện nghi, đầy đủ, cơ sở vật chất khang trang sạch sẽ.

Tuy nhiên, đến nay, đa phần các hầm đi bộ tại Hà Nội đều đi vào quên lãng. Chúng lại trở thành “phòng tập thể dục cộng đồng”, không gian hàng quán, “nhà vệ sinh công cộng”, nơi tiêm chích ma túy... hoặc thậm chí là được khóa cửa để đó. Nguyên nhân của thực trạng này một phần là do thói quen qua đường của người Việt, nhưng lý do chính là vì các không gian này dường như không có sự quản lý, việc vệ sinh lại càng hiếm hoi vì vậy dù "người ta có muốn cũng không dám đi". 

Hầm đi bộ trở thành

Hầm đi bộ trở thành "phòng tập thể dục cộng đồng"

Trong khi đó, người "anh em song sinh" của hầm đi bộ là hầm đường ô tô, xe máy và phương tiện cơ giới khác cũng không tránh khỏi tình cảnh nhếch nhắc, xuống cấp. Được đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng hầm chui Đại lộ Thăng Long, hầm chui Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội)... đã xuất hiện các vết nứt; chậu cây bên đường, chậu vỡ khiến đất rơi xuống đường.

Trung tâm thương mại, vui chơi giải trí ngầm lớn nhất Đông Nam Á ở Royal City

Trung tâm thương mại, vui chơi giải trí ngầm lớn nhất Đông Nam Á ở Royal City

Duy chỉ có dự án Royal City được coi là dự án khai thác triệt để không gian dưới lòng đất. Dự án này khai thác một quần thể trung tâm thương mại và vui chơi giải trí ngầm lớn nhất Đông Nam Á với 600 gian hàng thương mại; khu vui chơi giải trí Công viên nước trong nhà Vinpearl Water Park có diện tích 24.000 m2, hoạt động 4 mùa với nhiều trò chơi hấp dẫn; quần thể sân băng tự nhiên trong nhà Vinpearl Ice Rink rộng 3.000m2 với công suất phục vụ 150 khách/phiên; phố ẩm thực gồm hơn 200 nhà hàng; rạp chiếu phim Platinum Cineplex… Đến nay, nơi đây đã trở thành một khu mua sắm, vui chơi bên dưới lòng đất đắt khách ở Thủ đô.

Hiện tại, thành phố Hà Nội đang thống nhất triển khai nhanh một loạt dự án bãi đỗ xe ngầm như: bãi đỗ xe ngầm tại Nhà thi đấu Quần Ngựa (Ba Đình), bãi xe ngầm tại Công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng), bãi xe ngầm trước Quảng trường Cách mạng 19-8 và vườn hoa Cổ Tân (Hoàn Kiếm) do Công ty TNHH Dịch vụ và phát triển thương mại Phúc Lợi thực hiện; bãi đỗ xe ngầm tại 295 Lê Duẩn (Hai Bà Trưng) do Công ty TNHH MVT khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thực hiện.

Các dự án bãi đỗ xe ngầm ở Hà Nội liệu có thể đúng hẹn? (Ảnh minh họa)

Các dự án bãi đỗ xe ngầm ở Hà Nội liệu có thể đúng hẹn? (Ảnh minh họa)

Trong một diễn biến mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc khẩn trương thẩm định phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc.Trong đó, các bãi xe ngầm tại Nhà thi đấu Quần Ngựa, Công viên Nhân Chính cố gắng khởi công trong tháng 6/2017 và sẽ là hai dự án bãi đỗ xe ngầm đầu tiên được đi vào thi công của Hà Nội. Hai dự án còn lại vẫn đang được nghiên cứu, xem xét để chuẩn bị thi công.

Với những dự án bãi đỗ xe ngầm trên, các chủ đầu tư dự kiến sẽ xây dựng loại hình trung tâm thương mại kết hợp với bãi đỗ xe để có khả năng thu hồi vốn nhanh. Nếu đi vào hoạt động, các bãi đỗ xe này sẽ giải quyết được một phần áp lực của đô thị Hà Nội. 

TP. HCM gỡ bỏ các rào cản

Tại TP. HCM, công trình ngầm nổi bật hơn cả là đường hầm Thủ Thiêm - hầm vượt sông được coi lớn nhất Đông Nam Á - nối liền trung tâm Sài Gòn với khu vực bán đảo Thủ Thiêm. Sau khi hoàn thành, dự án đã góp phần giảm bớt mật độ giao thông ngày càng tăng của khu vực nội thành TP. HCM, góp phần phát triển một khu thành phố mới hiện đại bên bờ phía Đông của sông Sài Gòn, đồng thời  tô đẹp cho sự phát triển và phồn vinh của hiện tại và tương lai.

Một dự án không gian ngầm thành công nữa của TP. HCM là trung tâm thương mại dưới lòng đất được đầu tư xây dựng quy mô, hiện đại đầu tiên, trung tâm Thương mại Vincom (Vincom Center). Đây là một tòa tháp cao 26 tầng với 6 tầng hầm trên diện tích mặt bằng 7.371m2.

Trong đó, khu trung tâm thương mại của tòa nhà được bố trí ở tầng hầm B3 đến tầng L2 có tổng diện tích 57.704m2 - trung tâm thương mại có quy mô lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hoàn thành với các dịch vụ tiện ích trọn gói: các cửa hàng, cửa hiệu thời trang, siêu thị, ẩm thực, các dịch vụ vui chơi giải trí... Dự án thi công khá nhanh và đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật.

Trung tâm thương mại ngầm ở Vincom Center

Trung tâm thương mại ngầm ở Vincom Center

Tuy nhiên, không phải dự án công trình ngầm nào cũng được thành công như hai dự án kể trên. Điển hình là dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám có tổng mức đầu tư trên 100 triệu USD, trong đó phần dành cho bãi đậu xe gồm 5 tầng ngầm với tổng diện tích 70.300m², đủ chứa 2.000 xe máy, 1.250 ô tô và gần 30 xe buýt. Dự án do CTCP Đầu tư phát triển không gian ngầm làm chủ đầu tư theo hình thức BOT.

Đến nay, tổng mức đầu tư dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám lên đến 204 triệu USD (khoảng 4.200 tỷ đồng), tăng gần 2.600 tỷ đồng so với vốn ban đầu dự tính là 1.714 tỷ đồng và “nằm đắp chiếu” tới 7 năm.

Cũng tại quận 1, 3 dự án bãi đỗ xe ngầm đã bước vào giai đoạn thiết kế thiết kế và chuẩn bị khởi công nhưng đến nay kế hoạch vẫn chỉ nằm trên giấy.

Dự án bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng (740 tỷ đồng) do Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương làm chủ đầu tư với quy mô 7 tầng ngầm và 3 tầng nổi có sức chứa 890 xe ô tô, 400 xe máy dự kiến khởi công xây dựng từ đầu năm 2016; Hai dự án bãi đậu ngầm còn lại là dự án bãi đỗ xe ngầm sân vận động Hoa Lư (3.212 tỷ đồng) và bãi đậu xe tại công viên văn hóa Tao Đàn (964 tỷ đồng), đều do Tập đoàn Vingroup đầu tư, hiện hồ sơ dự án đang được lập dự kiến khởi công vào đầu năm 2017.

Mới đây, để giải quyết vấn đề "ì ạch" thi công của dự án bãi đỗ xe ngầm, UBND TP. HCM đưa ra mục tiêu sẽ cố gắng giúp đỡ, tháo gỡ và giải quyết những vấn đề vướng mắc, khó khăn liên quan đến năng lực tài chính của nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư không có đủ khả năng sẽ tiến hành việc thu hồi và bàn giao dự án cho chủ đầu tư mới có khả năng thi công.

Theo đó, dự án bãi đậu xe sân khấu Trống Đồng sẽ được khởi công trong tháng 5/2017. Các dự án còn lại sẽ đẩy nhanh tiến độ để thi công trong thời gian sớm nhất, đẩy nhanh và mạnh việc thi công của dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top