Aa

Những ngày tháng tư…

Nhà thơ Trang Thanh
Nhà thơ Trang Thanh trangthanh196@gmail.com
Thứ Năm, 13/04/2023 - 06:20

Những ngày tháng tư, sẽ thật nhiều cảm xúc và nhiều điều muốn nói. Nắng chớm, mưa trong, gió mây biến ảo, tiết trời ấm áp, rạo rực, lòng người có lẽ cũng thơ thới hơn lên trước những gam màu sáng tươi chào mùa mới.

Phố chợt thơm, chợt lóng lánh, ngọc ngà. Khó ai có thể đi bên hương sắc mà thờ ơ với trắng ngời kiêu hãnh, của những đóa hoa kèn, xa đâu mà đã bừng tươi tha thiết, tháng tư… 

Có truyền thuyết kể rằng, khi bước chân rời khỏi vườn địa đàng, nàng Eva khóc. Từ nơi những giọt nước mắt của nàng thấm vào đất đai, mọc lên một loài cây mảnh khảnh đơn nhành, có lá xanh mỏng mảnh xếp đối như những búp tay vươn. Vào cuối mùa xuân, nụ hoa xanh non bắt đầu hé mở, những cánh hoa trong ngần, ngời vươn kiêu hãnh, đón nắng gió, thu hút bướm ong và mời gọi con người. Loài hoa có xuất xứ từ phương Tây, có lẽ đã theo chân người Pháp vào Việt Nam, nên vốn có tên là huệ tây. Song có lẽ, bởi trông hình dáng hoa giống cái loa kèn, nên không biết từ khi nào, huệ tây đã được gọi cái tên dân dã là hoa kèn hay hoa loa kèn.

hoa loa kèn tháng tư
Khó ai có thể đi bên hương sắc mà thờ ơ với trắng ngời kiêu hãnh, của những đóa hoa kèn. (Ảnh: Giadinhnet)

Hoa kèn cánh trắng, nhụy vàng, cây bông đơn và bông kép, đều thơm ngát một mùi hương dịu dàng, quyến luyến. Giờ thì khó ai có thể cưỡng lại được sức quyến rũ của loài hoa này trong mỗi độ tháng tư, nắng chớm, mưa trong, khí trời ấm mà còn dịu, chiều lòng người mơ mộng, thư thái, điệu đàng. Cho dù là luôn có không biết bao nhiêu loài hoa rực rỡ sắc hương từ khắp mọi miền, từ bên ngoài biên giới được đưa về Hà Nội, thì người Hà Nội dường như mặc định loài hoa huệ tây có nguồn gốc từ xứ lạnh xa xôi, qua nhiều năm tháng được nuôi dưỡng trên mảnh đất đồng bằng lắng phù sa màu mỡ, được Việt hóa bằng một cái tên dân dã: Hoa kèn, giờ đã trở thành loài hoa của Hà Nội. 

Những ngày tháng tư, khắp phố phường Hà Nội, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những người phụ nữ chậm rãi chở hoa kèn dọc phố. Nắng đầu mùa tươi mới, rạo rực, khí xuân ẩm mát còn dùng dằng, vấn vít, thật như đủ đầy cho loài hoa đến từ xứ lạnh này khoe sắc, tỏa hương. 

Hoa kèn đẹp, trong ngần, quý phái, được coi là biểu tượng của sự trong trắng. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà dường như loa kèn “khó tính”, đã chỉ chọn thời điểm giao mùa cuối xuân - chớm hạ để hiện diện giữa đất trời. 

hoa loa kèn tháng tư
Cứ dừng tay bán một lúc, người phụ nữ lại phun nước đều khắp xe hoa. (Ảnh: Tùng Dương)

Những ngày tháng tư, tôi đã nhiều lần mua hoa kèn. Những nhành hoa nõn xanh màu ngọc lục còn phong kín nụ ngồng, từ tay người phụ nữ bán hàng giấu gương mặt mộc mạc dưới khẩu trang và vành nón lá, họ đơn sơ, giản dị nhưng nhanh nhẹn và đon đả hiếm thấy. Cứ dừng tay bán một lúc, người phụ nữ lại phun nước đều khắp xe hoa. Như thể sợ chậm một chút là những ngồng hoa tươi rói kia sẽ rũ cánh. Chị không quên dặn: “Về nhà rồi, đem hoa ngâm vào xô nước một chút cho tươi lại rồi hãy cắm bình. Những búp ngồng này vì quá dài, vươn cao thành ra trông có vẻ ủ rũ, nhưng không sao đâu, nó sẽ tươi lại. Ngày nào tôi cũng bán ở đây. Chỉ ngày mai chắc chắn là hoa sẽ nở…”.

Trước khi nhan sắc của nàng huệ tây kiêu hãnh trắng ngời trên phố, như mọi nàng hoa từ khắp nơi hội sắc về Hà Nội, điểm gặp gỡ hoa kèn vẫn chính là chợ hoa đêm Quảng Bá. Sớm chưa tỏ mặt người, những người phụ nữ nhẫn nại dồn sức đẩy từng xe hoa kèn lên mặt đê cao. Tôi đã từng đến chợ hoa Quảng Bá từ rất sớm. Tinh sương lành lạnh, hơi co mình trong khăn áo mỏng, cảm giác đi vào “một vùng nhan sắc của thiên nhiên” thật sự lạ lẫm, quyến rũ. Cứ hân hoan, ngỡ ngàng mà ấm dần phấn khích, và rồi tươi trong, lãng đãng, lắng đọng, nhẹ nhõm lạ lùng, trước hoa, trước cái đẹp, niềm yêu không gì so sánh mà đất mẹ bao la hào phóng đã ban tặng cho thiên nhiên và con người.

Mùa hoa kèn nơi chợ hoa Quảng Bá thật sự làm người ta ngẩn ngơ, nhung nhớ. Từng bó lớn hoa kèn còn nguyên nụ, chỉ dải tạm lên sườn đê cho người mua hoa đến nhận thôi, đã đẹp đến thôi thúc, nao lòng. Trước khi việc giao nhận hoa diễn ra xong xuôi và hoa được gói bọc cẩn thận để còn đi những chặng tiếp theo, hoặc được xếp lên đẹp đẽ, hấp dẫn trên những chiếc xe đạp chầm chậm rời đê vào phố, loài hoa này đã ung dung đậu cánh trên vóc lụa tâm hồn của những kẻ lãng đãng yêu say cái đẹp, chẳng quản lặn lội tối đêm.

Còn ở trong từng ngõ phố, hoa kèn lặng lẽ khiến ta chậm bước. Mua gì thì mua, bán gì thì bán, người chạy hàng hoa rong phố tháng tư không thể thiếu loài hoa loa kèn trên chiếc xe đạp cần mẫn của mình. “Chỉ còn ít ngày nữa thôi, hoa nở có mùa. Người Hà Nội, có mấy ai không mua loa kèn đâu…”. Suy nghĩ, sự mời mọc theo thói thường của người buôn bán, vốn đơn giản là nhằm để đắt hàng, trong trường hợp này, hóa ra lại hàm chứa cả nếp quen, nét đẹp cuộc sống, và một niềm yêu không bao giờ vơi cạn của người Hà Nội đối với loài hoa kèn. Niềm yêu ấy, đã thực sự đi vào nếp sống, nếp nghĩ và nếp nhớ: Đã là người Hà Nội, tháng tư về, lòng không thể thiếu một loài hoa…

Họa sĩ Tô Ngọc Vân đã vẽ bức họa nổi tiếng Thiếu nữ bên hoa huệ. Nhà thơ Ngô Quân Miện cũng đã viết rất hay về hoa kèn và về những ngày tháng không dài này: “Mùa hoa đi vụt qua nhanh/ Mùi hoa chưa kịp cho anh được cầm”…  

Hoa kèn mang cái đẹp đương độ giao mùa - tháng tư - làm đẹp phố, say người...
Hoa kèn mang cái đẹp đương độ giao mùa - tháng tư - làm đẹp phố, say người... (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Thì ra, tháng tư là vậy. Hoa kèn mang cái đẹp đương độ giao mùa - tháng tư - làm đẹp phố, say người, làm duyên những góc nhà xinh xắn và đầm ấm, cũng mang niềm vui buôn may bán đắt cho biết bao người phụ nữ lao động nhọc nhằn. Mỗi mùa hoa mới, người chơi hoa nôn nóng chờ đợi, thì người bán hoa cũng mong ngóng, khấp khởi, mừng vui…

Tôi cũng muốn một lần nữa đến chợ hoa Quảng Bá từ thật sớm. Không phải để mua hoa kèn tận gốc, cho thật rẻ. Tôi muốn cảm nhận thật sâu, thật ấm, thật dịu ngọt, nồng nàn, về tháng tư. Tôi muốn đến thật gần hơn những người phụ nữ nhẫn nại đẩy từng xe hoa kèn lên mặt đê cao Quảng Bá. Bóng dáng họ còn nhập nhọa trong đêm, sương chưa tan, đèn đường khuya còn thao thức. Dưới mái những ngôi nhà ấm êm của một thành phố trong sông cổ kính và thơ mộng, nhiều giấc ngủ còn nồng say, nhiều giấc mơ còn dang dở. Tôi đã gặp họ ở phố hoa Phan Đình Phùng, phố hoa Giảng Võ, hay ngã tư Bà Triệu - Nguyễn Du, dọc đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi... Cũng đã gặp họ đâu đó nơi những rẻo làng bên sông, mảnh vườn nơi bờ bãi, dưới bóng những mái hiên bi bô tiếng trẻ, từng cơn nhớ dài cứ len lỏi len lỏi mãi trong bữa ăn, giấc ngủ, của mẹ - con, của vợ, của chồng. Họ thân gần, như bóng quê xưa, như dáng chị, dáng mẹ, như bờ tre, gốc lúa. Lại xa xôi như thấp thoáng mong manh, một loài hoa nở dại bên trời.

Hai câu thơ hốt nhiên chợt đến trong tôi, về những hình dáng ấy, từ năm nảo năm nào, khi tôi chùng bước ngẩn ngơ bên đường hoa sắp dài một vệt chân đê Quảng Bá, trong tinh sương, mà dường như rất nhạt: “Sương sớm đậu trên nhành hoa huệ trắng/ Như là nước mắt em trong…”.

Tháng tư về, nhớ một loài hoa, một mùi hương, là tôi nhớ họ: “Những người đàn bà còng lưng/ chở hoa kèn vào phố/ bán hay dâng/ một mùa xuân nhung lụa/ cay mắt người trong nắng mưa”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top