Aa

Niềm tin

Thứ Bảy, 20/04/2019 - 06:01

Niềm tin là thứ mà ngày nay đã bị con người làm cho méo mó đi nhiều.

Sự lệch lạc đó đến từ hai phía, phía các nhà truyền đạo và cả từ phía người đi tìm hiểu đạo.

Lần rồi tôi ghé thăm một gia đình Phật tử. Trong câu chuyện trao đổi, chị thắc mắc với tôi là nên tin như thế nào? Vì bây giờ nhiều người muốn tu theo pháp môn niệm Bụt, cầu sớm được vãng sinh. Chị cũng hỏi về việc vừa rồi chị được tham dự một buổi giảng pháp của các sư ở Nepal. Chị chia sẻ, các thầy đó dạy không được cúng cơm và thức ăn như người Việt. Họ bảo, vì hương linh chỉ ăn bằng hương, nên thức ăn phải được đốt lên để hương linh mới hưởng được.

Điều đầu tiên chúng ta cần nói là thầy tu nào đi truyền đạo bây giờ cũng đề cao pháp môn của mình là đúng và nhất. Đây là một thái độ rất ấu trĩ.

Chúng ta biết, dưới thời của Bụt đã từng diễn ra điều này, đó là nhà truyền giáo nào cũng cho đạo mình là chân lý và bài xích đạo khác, giáo phái khác. Một hôm Bụt đi tới trong thành có dân chúng Kalama sinh sống và họ đã thưa với Bụt những thắc mắc của họ. Họ hỏi Bụt, chúng con nên tin vào ai? Các nhà truyền đạo đến đây, vị nào cũng cho đạo của mình là chân lý. Dân chúng thành Kalama trình với Bụt là họ rất hoang mang và phân phân không biết tin và chọn con đường nào?

Đó là trường hợp mà kinh Kalama được ghi lại. Sau khi giảng giải cho họ hiểu, Bụt đã nói lên có 10 điều chớ vội tin.

"Một là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.

Hai là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.

Ba là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.

Bốn là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.

Năm là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.

Sáu là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.

Bảy là, chớ vội tin một điều gì, khi mà điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.

Tám là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.

Chín là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.

Mười là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết".

Và Bụt giới thiệu, trong giáo pháp của ta có 8 con đường chân chính. Giới thiệu về 8 con đường chân chính xong Bụt kết luận: các con chỉ nên tin những gì hợp với lý trí của các con sau khi đã suy xét kỷ càng và đem ra thực hành thấy lợi mình và lợi người, và được các bậc trí ngợi khen.

Chính Bụt cũng không bảo dân chúng thành Kalama tin vào Bụt. Bụt chỉ giới thiệu con đường của Bụt cho dân chúng nghe. Còn theo hay không? phán xét đúng sai là QUYỀN của dân chúng thành Kalama.

Chỉ chừng đấy ta thấy sự vĩ đại của Bụt.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Tôi nói, trách nhiệm của các nhà truyền giáo, những người nhân danh đi rao giảng chân lý (sự hiểu biết), nếu có hiểu biết thực sự, thì cái hiểu biết đó phải giúp ta thấy được TÌNH TRẠNG của mình. Chứ không phải ta đi nhận những "CÁI GƯƠNG SOI" (là lời các thầy đi giảng đạo) để đi soi vào người khác. Mà tình trạng của TA không tách khỏi tình trạng của gia đình và cộng đồng dân tộc. Rộng ra, đó là tình trạng thế giới mà ta đang sống trong đó.

Nếu những rao giảng kia không giúp ta nhìn vào bên trong tình trạng của mình, những khó khăn và trăn trở hàng ngày của tâm và thân, liên đới với gia đình và xã hội ta đang sinh sống, thì tất cả là lý thuyết, sẽ là vô bổ, nếu không nói là có hại. Hiểu biết, dù là hiểu biết về bất cứ lĩnh vực nào, thì hiểu biết đó phải liên hệ đến tình trạng mà ta đang sống để giúp giải quyết các khó khăn đó.

Điều chúng ta hiểu biết có thể là kiến thức chứa đầy vũ trụ đi nữa, nhưng khi chúng ta đem chia sẽ với mọi người phải liên hệ đến cuộc sống hiện tại, nghĩa là giúp tháo gở các khó khăn. Tôi nhớ một giải thích về thông minh mà tôi rất tâm đắc. Thông minh là khả năng giải quyết các khó khăn. Thông minh không phải là người chứa nhiều kiến thức.

Những khó khăn mà mình đang gặp phải. Khó khăn của gia đình mình. Khó khăn của cộng đồng dân cư dân tộc mình đang gặp phải. Ta đi tìm sự tôn kính từ các bậc thầy, nếu là thầy giỏi, họ có khả năng làm cho chúng ta phát sinh niềm tin - tin được vào chính mình. Niềm tin không phải là nơi ẩn náu để giúp ta tránh những khó khăn của ta, gia đình và dân tộc ta. Tôi nghĩ xã hội không cần một niềm tin mà chỉ là sự che lấp tình trạng cá nhân và cộng đồng.

Niềm tin vào Bụt, nếu có, cũng phải giúp giải quyết những khó khăn và đau khổ mà con người và xã hôi này đang gặp phải. Niềm tin vào Chúa Kito cũng thế. Niềm tin vào Đảng mà đảng viên đang tin, nếu nó không giúp đi qua những khó khăn dân tộc và gia đình đang gánh chịu, thì liệu niềm tin đó ta phải đặt lại.

Không có một thứ niềm tin mà chỉ tin vào sau khi chết để bớt khổ. Nếu có một pháp môn như vậy, thì đó không phải là thứ cuộc đời này cần. Niệm Bụt, thì Bụt là đối tượng của sự ghi nhớ của ta. Niệm hơi thở, thì hơi thở là đối tượng trong ghi nhớ của ta. Niệm Pháp hay niệm giới trong đạo Bụt, có nghĩa là pháp và giới là đối tượng trong sự ghi nhớ của ta. Thắp sáng ý thức của ta trên các đối tượng đó khi ta đang ghi nhớ, ta đi tới khả năng chú tâm cao để làm phát sinh cái thấy rất sáng về thực tại.

Niềm tin không phải là nơi ẩn náu. Niềm tin là sức mạnh để đi tới trên sứ mệnh phụng sự cộng đồng.

Ta chỉ có sức mạnh đó khi ta có niềm tin vào khả năng của mình. Tất cả những hiểu biết ta có được, tất cả những người thầy ta gặp, tất cả chỉ là để tham khảo, hỗ trợ vào vốn sống của ta, giúp ta sống đẹp hơn để biết yêu thương thêm rộng lớn hơn.

Có một vị Phật tử thưa với thiền sư: “Phước báu thay cho con được gặp thầy”

Thiền sư trả lời: “Phước báu thay cho con được thấy Pháp, nhớ là y Pháp bất y nhân, thường sống thuận Pháp là công đức vô lượng”

Niềm tin, Pháp để giúp chúng ta thấy ra mình, hiểu được mình, từ đó sống hạnh phúc và làm đẹp hơn cho cuộc đời. Ta không chấp nơi từng tập quán, thói quen hay những biểu hiện của bất cứ cá nhân hay cộng đồng nào. Họ có một gốc rễ khác, nền tảng khác. Họ có những điều kiện xã hội và tác động khác trên hành trình của họ.

Tin vào chánh pháp, tức là sống thuận theo chánh pháp, cũng là Vô ngã, vị tha.

Đích chúng ta phải đến là MẶT TRĂNG chứ không phải bám vào NGÓN TAY để rồi chấp vào đó như là chân lý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top