Aa

Niềm tin đã dần quay trở lại nhưng phần lớn doanh nghiệp đang “kiệt sức”

Thứ Năm, 18/01/2024 - 06:00

Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, bức tranh kinh tế đã bớt “xám màu” và niềm tin của doanh nghiệp đã dần trở lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh năm 2024 còn nhiều biến số, niềm tin doanh nghiệp cần phải được “nuôi dưỡng”.

Niềm tin đã quay trở lại

Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa công bố báo cáo chuyên đề khảo sát tình hình doanh nghiệp cuối năm 2023 và nhận định bối cảnh kinh doanh năm 2024 với chủ đề "Niềm tin đã trở lại nhưng cần vun đắp".

Theo báo cáo, niềm tin của doanh nghiệp đã tăng trở lại so với cuộc khảo sát tương tự hồi tháng 4/2023, thể hiện ở tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực/rất tích cực tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay gấp 2,7 lần so với khảo sát trước; tỷ lệ đánh giá tích cực/rất tích cực về kinh tế ngành hiện tại gấp 2,5 lần.

Tỷ lệ đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới gấp gần 3 lần; tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô lớn tăng gấp 2 lần; tỷ lệ mở rộng quy mô vừa phải tăng gấp 2,5 lần.

Các chỉ số khác về triển vọng tiếp cận vốn, triển vọng thị trường, đánh giá hiệu quả hỗ trợ của chính quyền địa phương đều có tỷ lệ, điểm đánh giá cao hơn khảo sát hồi tháng 4, từ đó phản ánh rõ nét niềm tin của doanh nghiệp đã dần quay trở lại.

Niềm tin đã dần quay trở lại nhưng phần lớn doanh nghiệp đang “kiệt sức”- Ảnh 1.

Nguồn: Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV)

Nếu không được vun đắp kịp thời, sức lực của doanh nghiệp sẽ cạn kiệt

Tuy nhiên, qua góc nhìn của doanh nghiệp, tình hình và triển vọng kinh tế năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong tổng số 2.734 doanh nghiệp tham gia khảo sát, vẫn có 82,4% doanh nghiệp đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2023; 69,1% đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2024.

Về sức mạnh nội tại và dự kiến kinh doanh, có 72,8% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong năm 2024. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 11,8%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh là 12,2%; giảm mạnh quy mô 28,2% và giảm nhẹ quy mô là 20,6%. Trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2024, có 58,9% có thể giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 16,6% giảm trên 50%. Có 60,2% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 17,3%.

Đặc biệt, so với khảo sát tháng 4, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể và tạm ngừng kinh doanh trong khảo sát tháng 12 không có xu hướng giảm như hầu hết các chỉ báo khác. Thực trạng này cũng cùng xu hướng so với số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê công bố tháng 4 và tháng 12/2023.

Số liệu khảo sát và thống kê từ báo cáo cho thấy rằng, doanh nghiệp kiệt sức là sự thật, đặc biệt sau hai năm Covid-19 và hai năm phải đối mặt với những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu. Nếu không được vun đắp kịp thời, sức lực của doanh nghiệp sẽ cạn kiệt.

"Năm 2024 là thời điểm cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của doanh nghiệp cũng như tổng thể nền kinh tế", Ban IV nhận định.

Cụ thể, hiện có 05 khó khăn chính mà doanh nghiệp đang gặp phải và cần được Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương nỗ lực đồng hành tháo gỡ trong thời gian tới, bao gồm: Khó khăn về đơn hàng, khó khăn về dòng tiền, khó khăn về tiếp cận vốn vay, khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật, nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế.

"Đây là những khó khăn không mới, đã được doanh nghiệp phản ánh và nêu ra trong khảo sát tháng 4/2023, giờ tiếp tục được doanh nghiệp đề cập lại ở thời điểm khảo sát tháng 12/2023", Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nhấn mạnh.

Niềm tin đã dần quay trở lại nhưng phần lớn doanh nghiệp đang “kiệt sức”- Ảnh 2.

Nguồn: Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV)

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính vẫn có nhiều thách thức trong việc tuân thủ cho doanh nghiệp, đặc biệt là thủ tục hoàn thuế hoặc phòng cháy chữa cháy. 

Ngoài ra, với nhiều vụ việc trong thực tế, nhiều doanh nghiệp tỏ rõ sự lo ngại về nguy cơ hình sự hóa các quan hệ kinh tế, mặc dù Nghị quyết 86/NQ-CP/2022 về phát triển thị trường vốn đã nhấn mạnh: "Các chủ thể tham gia thị trường tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế".

"Thời điểm vàng" để cải cách

Trong bối cảnh thế giới nhiều biến số nhưng vai trò của Việt Nam không ngừng được củng cố trên trường quốc tế, Ban IV cho rằng, hiện đây là "thời điểm vàng" để cải cách, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như của mô hình phát triển để tạo ra các động lực phát triển mới. Mô hình phát triển kinh tế dựa trên thâm dụng tài nguyên, nguồn lực đã đến lúc chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên hiệu quả, sáng tạo với các xu hướng xanh và số. Việt Nam đang có thế và lực để tận dụng cơ hội, phát triển kinh tế dựa trên sáng tạo và công nghệ. 

Do đó, để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của doanh nghiệp, tạo đà phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, Ban IV đề xuất:

Thứ nhất, sự quyết liệt, kịp thời phải liên tục được duy trì, lan tỏa từ Thủ tướng, Chính phủ đến các bộ, ngành, cấp cơ sở nhằm tiếp tục đồng hành hiệu quả, trợ lực, vun đắp niềm tin để người dân và doanh nghiệp vượt khó.

Niềm tin đã dần quay trở lại nhưng phần lớn doanh nghiệp đang “kiệt sức”- Ảnh 3.

Việt Nam đang có thế và lực để tận dụng cơ hội, phát triển kinh tế dựa trên sáng tạo và công nghệ. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng; phát triển nhân lực công nghệ cao đặc biệt trong ngành bán dẫn, công nghệ xanh và chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và tuần hoàn.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng nền hành chính, quản trị công kỷ cương, phục vụ, hiệu quả trong đó nhấn mạnh đến các cơ chế chọn lựa và sử dụng nhân tài; xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất; hình thành và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp dân tộc dẫn dắt vì đây là động lực quan trọng để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top