Aa

Nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng đột biến khiến nợ quốc gia tăng nhanh

Thứ Hai, 05/11/2018 - 03:00

Đây là nhận định của ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) liên quan đến công tác quản lý nợ công.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính.

Theo đó, trao đổi với báo chí, ông Trương Hùng Long cho biết, mặc dù công tác quản lý nợ công đã đạt được một số kết quả tích cực trong thời gian qua, song cần tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong thời gian tới do cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn; áp lực huy động vốn cho đầu tư phát triển là rất lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững.

Bên cạnh đó chi phí vay vốn nước ngoài có xu hướng tăng do Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình.

"Mặc dù các chỉ tiêu nợ vẫn trong giới hạn cho phép, tỷ trọng và tốc độ gia tăng nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ bảo lãnh Chính phủ đã giảm, song theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong các năm 2017 và 2018, nợ nước ngoài của các doanh nghiệp theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh, tiệm cận ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép", ông Long nhận định.

Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, tuy các khoản nợ tự vay, tự trả nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng không thuộc phạm vi nợ công, song đây là một cấu phần trong nợ nước ngoài của quốc gia và có ảnh hưởng quan trọng đến ổn định vĩ mô, an ninh tài chính quốc gia.

"Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát các khoản vay nước ngoài tự vay, tự trả để bảo đảm chỉ tiêu này trong giới hạn cho phép", ông Long nói.

Đại diện Bộ Tài chính cũng thông tin, trong giai đoạn 2016-2018, cơ cấu vay của Chính phủ đã thực hiện theo hướng tăng dần tỷ trọng huy động vốn vay trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình.

Huy động vốn vay trong nước trung bình giai đoạn 2016-2018 đáp ứng khoảng 76% nhu cầu huy động vốn của Chính phủ. Dự kiến đến cuối năm 2018, tỷ trọng dư nợ trong nước của Chính phủ chiếm khoảng 60% và nợ nước ngoài khoảng 40% (so với tỷ lệ 45% nợ trong nước và 55% nợ nước ngoài vào năm 2015).

Đối với vốn vay trong nước, ông Long cho biết đã tập trung huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, đóng vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách nhà nước.

Đối với huy động vốn vay nước ngoài, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ tận dụng vốn vay ODA còn lại trong giai đoạn này, tập trung cho các công trình, dự án trọng điểm. Hạn chế huy động các khoản vay không đủ điều kiện ODA, có lãi suất cao cho cân đối đầu tư công, chỉ huy động cho các chương trình dự án có khả năng hoàn vốn theo cơ chế vay về cho vay lại.

Bên cạnh đó, Luật Quản lý nợ công năm 2017 quy định giao Bộ Tài chính chủ trì xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động nợ công, xác định cơ chế tài chính đối với các đề xuất khoản vay.

"Ngay từ năm 2016, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ thực hiện công khai điều kiện vay của 6 nhà tài trợ chính để các bộ ngành, địa phương, chủ dự án chủ động đánh giá trong quá trình xây dựng báo cáo tiền khả thi, bảo đảm hiệu quả kinh tế, tài chính của đề xuất trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định triển khai dự án", ông Trương Hùng Long nói.

Về kế hoạch trong thời gian tới, đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ, nâng cao quản lý việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển; thực hiện vay nợ trong phạm vi kế hoạch hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm soát chặt chẽ việc vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ.

Theo quy định, vốn vay nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Do đó, ông Long cho rằng việc tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay phụ thuộc chủ yếu vào hiệu quả xây dựng, lập kế hoạch và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công.

Việc đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, phù hợp với kế hoạch vay nợ công trung hạn và hàng năm, và tiến độ thực hiện thực tế của dự án.

Bên cạnh đó, đại cho Bộ Tài chính khẳng định cần tiếp tục cơ cấu lại danh mục nợ công thông qua các nghiệp vụ quản lý nợ chủ động, giãn đỉnh nghĩa vụ nợ tập trung trong một số năm; tăng cường huy động nguồn lực trong nước để đáp ứng nhu cầu vay của Chính phủ, phát triển thị trường vốn trong nước.

"Song song với các giải pháp nói trên, chúng ta cũng phải kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và hoạt động vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay, tự trả", ông Long nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top