Aa

Nồi lá xông hơi giải cảm của mẹ

Chủ Nhật, 13/06/2021 - 07:00

Tác dụng của nồi nước xông giải cảm ở đây là do tinh dầu các loại. Các tinh dầu bay hơi, trộn lẫn vào nhau hòa trong hơi nước nóng vào cơ thể theo đường hô hấp thở.

Ngày bé, thể chất tôi không được khỏe lắm nên hay bị ốm, đặc biệt là cảm cúm, hầu như năm nào cũng bị vài lần. Nhất là vào dịp Đông Xuân. Tôi nhớ mình hay bị những đợt cảm cúm ho sốt li bì. Mà ngày ấy nhà tôi nghèo, hầu như chẳng có thuốc tân dược để uống. Nên bị ốm, nhẹ thì vài hôm dần tự khỏi, nặng thì mẹ tôi hay dùng mấy thứ lá lẩu quanh vườn nhà trị cho. Tôi cũng không hiểu bà học ở đâu, cơ mà thấy khá hiệu quả.

Mỗi lần tôi bị cảm do nhiễm lạnh, toàn thân nhức mỏi, sợ gió, sợ lạnh, hắt hơi, sốt nóng rực mà mồ hôi không toát ra được là mẹ tôi hay đánh gió cho bằng đồng bạc trắng hoa xòe. Hoặc là làm một nồi nước xông. Tôi đặc biệt nhớ cái nồi nước xông của mẹ. Mỗi lần bị mẹ bắt xông, tôi sợ kinh khủng, nóng như ở trong nồi hầm vậy. Thế nhưng xông xong thì khoan khoái dễ chịu hẳn…

Mẹ bắc một cái nồi khá to lên bếp, vặt ít lá tre, lá duối cho vào trước cùng với nước, đun sôi sùng sục lên mới cho cây bạc hà, hương nhu, sả, lá bưởi, chanh, bạch đàn… mỗi thứ một nắm vào dìm nước, đậy kín, đun sôi lại, bắc lên nhà. Bà bắt tôi ngồi vào cái ghế đẩu, trùm chăn chiên hoặc cái vỏ chăn kín cả đầu và nồi nước xông, rồi bà hé vung nồi cho hơi nước quyện mùi tinh dầu từ các loại lá cây kia bốc lên. Nóng rực.

Cả người tôi chìm ngập trong làn hơi nóng ngào ngạt tinh dầu. Và mồ hôi từ trong thân thể túa ra chan hòa như tắm. Mỗi lần xông thế khoảng mươi phút. Xong bà lau người cho tôi bằng một cái khăn khô, rồi múc cho bát cháo trắng nóng, cho một cái lòng đỏ trứng gà, chút hành hoa, tía tô thái nhỏ đánh đều, bắt tôi ăn thật nhanh, ăn hết ngay. Đó chính là món cháo giải cảm trứ danh của bà, mà tôi dù ốm miệng lưỡi đắng ngắt vẫn bị bắt phải ăn kỳ hết mới thôi. Nhưng ăn xong, nằm nghỉ một lúc, bỗng thấy muốn vùng dậy chạy ra ngoài đường chơi như chưa hề cảm cúm bề bệt mấy ngày rồi.

nồi xông hơi
Xông hơi để giải cảm (Ảnh sưu tầm)

Mẹ tôi có kinh nghiệm, nếu thấy tôi cảm cúm hai ngày mà sốt li bì, mồ hôi không toát ra được thì bà sẽ cho xông ngay. Bà nói, xông để cho tà khí lạnh nhiễm trong người, nó toát ra theo mồ hôi thì mới nhanh khỏi được. Lúc đó tôi chả hiểu “tà khí” là gì. Sau này lớn lên, tình cờ tôi lại theo học ngành Dược, có học đại cương về Đông y nên hiểu cái khái niệm “tà khí” mà y học dân gian chỉ kia cũng như là chúng ta ra đường, đi đâu đó hít phải virus cảm cúm mà nhiễm bệnh vậy.

Sau này có nhiều lúc ngẫm nghĩ lại cái bài thuốc dân gian phổ biến của người Việt “xông hơi giải cảm” mà mẹ tôi chắc được kế thừa truyền miệng của các thế hệ trước thật sự có những cơ sở khoa học. Cả Đông y và Tây y. Để làm rõ hơn, trước hết ta thử khảo sát nhanh các vị thuốc Nam thường có trong nồi nước “xông hơi giải cảm” và bát “cháo giải cảm”:

1. Cây bạc hà: Loài thân thảo, trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Nó có tên khoa học Mentha Arvensis, họ hoa môi Lamiaceae. Thành phần hóa học quan trọng nhất là tinh dầu, có tính chất sát khuẩn mạnh, tăng bài tiết mồ hôi. Theo Đông y chủ trị tặc phong, phát hãn, khí uế… dùng để chữa sốt, cảm cúm, cảm phong hàn.

2. Cây hương nhu: Loài cây mọc dại ở nước ta, có hai loại hương nhu trắng và hương nhu tía. Tên khoa học của nó là Ocimum Gratissimum, họ hoa môi Lamiaceae. Thành phần có tác dụng chữa bệnh của cây này cũng là tinh dầu tương tự như bạc hà. Theo Đông y nó có tác dụng tán hàn, phát hãn, lợi thấp…dùng để trị cảm mạo, cảm lạnh, đau đầu.

3. Cây sả: Loài thân cỏ, họ lúa Poaceae, tên khoa học là Cymbopogon. Trong cây sả có tinh dầu có tác dụng sát khuẩn chống viêm mạnh. Theo y học cổ truyền nó dùng để trị cảm lạnh, cảm cúm, tiêu chảy.

4. Cây tía tô: Loại cây thảo sống lâu năm có rất nhiều ở mọi miền nước ta. Đây cũng là cây thuộc họ hoa môi, tên khoa học của nó là Perilla Fruitescens Var. Cispa. Thành phần chữa bệnh là tinh dầu, cũng để trị cảm cúm.

5. Cây hành lá: Một loài thân thảo vốn được dân ta sử dụng làm gia vị từ lâu, nó có tên khoa học Allium Fistulosum, họ Hành Alliaceae. Thành phần chữa bệnh là tinh dầu có nhiều trong lá, thân, củ có tác dụng sát khuẩn mạnh, dùng trị nhức đầu, cảm cúm, ho…

Ngoài các loại dược liệu có tinh dầu kể trên, tùy theo vùng miền có thể thêm bớt, thay đổi các loại lá như bạch đàn hay khuynh diệp, cây tràm… cũng vẫn cho một nồi nước xông hơi giải cảm tốt.

lá xông hơi
Các loại thảo dược dùng để xông hơi (Ảnh sưu tầm)

Như vậy tác dụng của nồi nước xông giải cảm ở đây là do tinh dầu các loại. Các tinh dầu bay hơi, trộn lẫn vào nhau hòa trong hơi nước nóng vào cơ thể theo đường hô hấp thở. Khoang mũi miệng họng, các phế nang đều được “xông” hỗn hợp tinh dầu nóng ẩm đó. Cơ thể bị làm nóng từ bên trong và dĩ nhiên nó sát trùng, diệt virus gây cảm cúm rồi các virus đó bị đẩy ra ngoài theo đường mồ hôi tuôn ra như tắm. Còn Đông y thì nói rằng, đó là “tà khí lạnh” đã được trục ra khỏi cơ thể.

Vả lại, về nguyên tắc chúng ta cũng biết là virus gây cảm cúm, cảm lạnh hầu như bị tiêu diệt hoặc bất hoạt ở nhiệt độ cao. Nên việc sử dụng nồi nước xông giải cảm trong việc chữa bệnh cảm cúm của các cụ ngày xưa quả là có cơ sở. Tuy nhiên cần ghi nhớ một điều, xông hơi giải cảm chỉ có tác dụng tốt nhất trong khoảng 2 ngày đầu khi bị bệnh. Còn khi đã bị dài ngày, rất có thể đường hô hấp của chúng ta đã bị viêm nặng, thậm chí là bội nhiễm lúc ấy xông hơi giải cảm hầu như không còn mấy tác dụng. 

Xông hơi giải cảm xưa là một phương thuốc quý, phổ biến, rẻ tiền dễ kiếm, dễ làm. Thế nhưng trong điều kiện kinh tế xã hội và môi trường hiện nay ở ngay cả nông thôn miền Bắc, tìm được tương đối đủ thứ lá cho nồi nước xông cũng là một vấn đề. Nhiều người có sáng kiến sử dụng hỗn hợp vài ba loại tinh dầu nhỏ vào bình nước nóng để xông mũi họng. Cũng có tác dụng ít nhiều. Nhưng rõ ràng nó không thể thay thế được nồi lá xông ngày xưa. Bởi khi xông, gần như tinh dầu theo hơi nước nóng sẽ ngấm vào cả các huyệt đạo, các lỗ chân lông trên toàn thân chứ không đơn thuần chỉ là đường hô hấp. Nên tác dụng rõ ràng là tốt hơn rất nhiều, khiến cho người được xông sau đó cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thoát đúng như vừa thải được chất độc, “tà khí” ra khỏi cơ thể.

Nay đang là mùa cảm cúm dịch bệnh nhiều, tôi lại nhớ đến nồi nước xông giải cảm của mẹ ngày xưa. Và bỗng nảy ra ước mong sao mỗi thôn xóm, mỗi khu phố có một cái vườn nhỏ, trồng đủ các loại cây thuốc Nam thường dùng, mỗi khi người dân cần một nồi xông giải cảm cho mình hay người thân có thể ra lấy dễ dàng. Mà có cần nhiều đất lắm đâu, chỉ vài chục mét vuông thôi, là đã đủ các thứ cây thuốc rồi…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top