Aa

Nỗi nhớ đất ở

Thứ Năm, 13/05/2021 - 07:00

Ý nghĩ ấy cứ lớn dần lên, để rồi cuối cùng làm nên cái đích là khu vườn quê hiện nay, nơi mình đang viết về nó, cũng là một cách bồi bổ ký ức về một nơi đất ở…

Con người có ký ức. Trong ký ức ấy có ký ức và nỗi nhớ về những nơi mình đã từng ở qua, đã từng gắn bó với biết bao những tâm trạng vui buồn, sướng khổ, đầy gian khó và trải nghiệm…

Nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”. Có biết bao nhiêu trang văn, dòng thơ day trở nhớ nhung về những nơi con người ta từng ở qua, khi được kể lại bằng lời văn hay ngân lên bằng thơ ca, dù là của những tác giả chưa là những người viết chuyên nghiệp hay nổi tiếng, cũng lấp lánh những tia sáng văn nhân.

Tôi đã từng lần mò trở lại, đứng yên rất lâu trên những khoảnh đất cũ trên vùng đất huyện Mường La cũ của Sơn La ngày xưa, nơi mình từng sống qua.

Một khoảnh đất nhỏ, giờ bỏ hoang bên con suối nhỏ dưới chân cái đồi đất đỏ, nhìn vắt qua cánh đồng, qua một dòng suối lớn, qua khu rừng ma, là bản Nà Mường. Ở đây là nơi tôi bắt đầu đi học chữ ê a dưới gốc một cây muỗm già bên mó nước. Cô giáo Hằng cụt một tay, có cái máy may chạy lè xè thành cô giáo bất đắc dĩ của đám trẻ sơ tán chúng tôi. Thế mà cứ hiện lên rõ mồn một. Ngày nhỏ, tôi nói ngọng, lại hay nói. Bà nội có lúc sốt ruột, cốc vào đầu tôi, bảo: “Đúng là câm hay ngóng, ngọng hay nói”.

Thế mà học xong lớp cô Hằng cụt tay, tôi chả còn ngọng nghịu gì nữa. Rồi ở đây, tôi bắt đầu ôm cây chuối tập bơi và đã bơi thành thạo dọc con suối. Trên chính con suối ấy, em gái Hà của tôi suýt chết đuối, nếu không có chú Khang vớt được kịp thời.

Miền núi việt nam

Một khoảng đất nhỏ khác bên chân núi đá cao vút, cạnh cái hồ đôi, quanh năm khô cạn, nhưng đến mùa nước suối Nậm La xa xa dâng cao thì nước hồ ở đây duềnh lên. Là bởi hồ ấy có một lối thông xuống sâu hút như hang đá hẹp ăn ra tận con suối. Tôi có bận cùng đám bạn chui xuống lối này, chui mãi, tối om, ban đầu nghe tiếng nước róc rách, thanh nhàn. Càng chui sâu xuống, càng nghe ầm ào lên, rồi rầm rập như những đoàn người âm đang xô đến hò hét ngăn đuổi chúng tôi dám xâm phạm trái phép vào đây. Tôi bỗng ngợp thở, chới với, hối hả lần ngược trở lên và nằm thẳng cẳng trên bãi cỏ, người rũ mềm ra, mặt mũi tái dại.

Một nơi khác, bên bìa rừng, mà lại là rừng ma, có hai cây sổ. Buổi trưa, buồn tay chân, leo lên cây hái quả sổ chua chát gặm ăn. Bỗng nghe tiếng gà tao tác nơi đầu hồi nhà. Vội tụt xuống, đến chỗ ổ gà mái ấp ấy xem. Trên ổ gà, một con rắn đại đang xoay tròn mình. Tôi lùi vội ra, lấy que chọc vào, con rắn ngỏng cổ lên cao, phun phì phì. Tôi quyết đánh con rắn, nên kiếm một cây gỗ to và dài, chọc cho con rắn chạy đi. Nó lao xuống đi ngang qua trước mặt tôi. Tôi quật cây gỗ xuống. Cây gỗ không bén vào con rắn vì nó quá to và dài, một đầu chạm đất rồi bung khỏi tay tôi còn nhỏ yếu. Con rắn không hề hấn gì, thong dong lao vào rừng sâu. Thế mà trong đời, biết bao lần tôi nhớ lại và nghĩ, tại sao mình không lấy một đoạn tre nhỏ, dài và chắc chắn, cầm vừa tay, thì vụt xuống, đã giết được con rắn ấy rồi… Mà cũng lạ, từ đó, chả bao giờ mình gặp một con rắn hoang nào nữa…

miền núi việt nam

Còn nhiều chuyện kiểu ấy, là ở những nơi khác quê hương mình mà mình đã ở. Còn ở tại quê mình, tôi chỉ có ký ức về ngôi nhà mái rạ ven sông bên cái chợ, của ông bà nội. Tôi ở với ông bà nội từ bé tí đến khi chừng gần năm tuổi, mới rời đi. Ký ức ghi lại được, là buổi sáng sớm thức dậy, đã thấy một, hai con lợn làm thịt xong, cạo sạch lông, trắng lạnh, đặt trên chõng bên hè nhà đợi ông nội mang ra chợ bán. Ngẩng lên, trên khoảng sân là hai cây táo cao cao, đầy quả nhỏ thơm ngon. Chắc cây táo to cao là bởi ngày ấy tôi còn nhỏ thì thấy thế mà thôi…

Đến tuổi thanh niên, tôi mới có dịp trở lại làng. Nhờ người dẫn ra xem đất cũ. Có câu “Thương hải biến vi tang điền”, biển xanh đã thành ruộng dâu. Đất cũ nhà ông bà nội thì gần như ngược lại. Làng đã bỏ chợ cũ chuyển sang nơi mới. Đất quanh khu chợ cũ lại biến thành ruộng lúa. Chả biết đất ông bà nội xưa, nay nằm ở khoảnh ruộng nào? Nhà thơ Hữu Thỉnh có câu thơ tài hoa: “Vạc mảnh bờ con cua mất quê/Rau đay làm lẽ buổi tôi về”. Ruộng biến thành nhà thì cua cá mất quê. Đây thì nhà lại biến thành ruộng, giờ cua cá chẳng sống nổi ở ruộng đầy thuốc trừ sâu, chỉ có tôi mất miếng đất cũ của thời thơ bé mà thôi…

Cũng từ đấy, mà tôi nảy ra ý nghĩ là phải kiếm lại mảnh đất khác ở quê mình, để xây nên ký ức mới của mình và cho con cháu của mình.

Ý nghĩ ấy cứ lớn dần lên, để rồi cuối cùng làm nên cái đích là khu vườn quê hiện nay, nơi mình đang viết về nó, cũng là một cách bồi bổ ký ức về một nơi đất ở…

Đất mình đang ở lại trở thành đất ký ức của người đã nhượng quyền ở cho mình. Mình sẽ ứng xử với ký ức ấy của họ ra sao nhỉ?/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top