Theo đó, 6 tháng đầu năm, cả nước có 5.296 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 1.409 doanh nghiệp, tăng 69,6% (số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Trong 6 tháng đầu năm, bất động sản tiếp tục là lĩnh vực thu hút vốn FDI tốt với 3,15 tỷ USD, đứng thứ 2/18 ngành được các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn.
Theo Viện Kinh tế Xây dựng, nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản ở tất cả các phân khúc trong nửa đầu năm đều hạn chế do việc siết chặt các thủ tục, ngoài ra dòng vốn bị thu hẹp cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Với thị trường nhà ở, nguồn cung 6 tháng đầu năm vẫn hạn chế và có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021. Theo số liệu của Viện Kinh tế Xây dựng, hết quý I/2022, cả nước chỉ có 56 dự án bất động sản, với khoảng 10.357 căn nhà đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Trong đó, Hà Nội chỉ có 2 dự án với tổng 331 căn, TP.HCM có 5 dự án với 1.172 căn.
Tại Đà Nẵng, số lượng nhà ở đủ điều kiện đưa vào kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 chỉ là 157 căn, chỉ bằng 25% so với cùng kỳ năm 2021.
Tỷ lệ hấp thụ nguồn cung căn hộ trên thị trường thứ cấp nửa đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021, đạt mức 61,5% tại Hà Nội (tăng 8,4%) và 59,8% tại TP.HCM (tăng 3,9%), 65,9% tại Đà Nẵng (tăng 18,8%) và 65,2% tại Bình Dương (tăng 2,87%).
Đối với sản phẩm biệt thự, liền kề, tỷ lệ hấp thụ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021: tại Hà Nội đạt 59,5% (giảm 4,2%); TP.HCM đạt 53,3% (giảm 1,9%)…
Về giá bán, giá giao dịch thứ cấp căn hộ chung cư phân khúc bình dân tăng khoảng 5,6% tại Hà Nội và 5,3% tại TP.HCM.