Ngày 18/1 vừa qua, nút giao thông 4 tầng tại khu vực Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển - Vành đai 3 (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã được tổ chức lại các hướng di chuyển, đồng thời lắp đặt 16 camera phạt nguội.
Đây là nút giao thông 4 tầng đầu tiên tại Việt Nam, mang tính biểu tượng cho hạ tầng giao thông hiện đại.
Trên cùng là tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, khởi công năm 2011 và vận hành thương mại từ năm 2021. Tầng thứ hai là đường Vành đai 3 trên cao, thông xe vào năm 2012. Tầng giữa là đường bộ mặt đất, nơi giao cắt giữa đường Nguyễn Trãi và Khuất Duy Tiến. Cuối cùng, tầng dưới cùng là hầm chui Thanh Xuân, đi vào hoạt động từ năm 2016.
Về từng tuyến, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt từ năm 2008 với tổng chiều dài 13km trên cao, bao gồm 12 ga và tốc độ thiết kế tối đa 80km/h. Theo kế hoạch ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2013.
Ban đầu, mức đầu tư được phê duyệt là 8.769 tỷ đồng (552 triệu USD) nhưng sau đó đã tăng lên 18.000 tỷ đồng (868 triệu USD). Trải qua 13 năm với 12 lần trễ hẹn, dự án chính thức đi vào vận hành ngày 6/11/2021.
Tuyến đường sắt này được thiết kế và lắp đặt thiết bị theo tiêu chuẩn Trung Quốc, sử dụng công nghệ động cơ phân tán với 8 động cơ đặt ở khoang giữa. Hệ thống tự động hóa đạt mức 2,5/5 theo tiêu chuẩn quốc tế, vẫn cần sự điều khiển của người lái.
Các công nghệ hiện đại như hệ thống thông tin qua cáp quang, mạng vô tuyến phủ sóng mạnh, cùng hệ thống giám sát bằng camera giúp đảm bảo an toàn và hiệu quả vận hành.
Song hành với tuyến đường sắt, đường Vành đai 3 (giai đoạn II) trên cao, khởi công từ tháng 6/2010 có tổng chiều dài 8.912m, bao gồm 385m đường dẫn và 8.527m cầu cạn với mặt cầu rộng 24m, 4 làn xe và tốc độ thiết kế 100km/h. Dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản với tổng mức đầu tư khoảng 5.547 tỷ đồng.
Đây là tuyến cao tốc đô thị đầu tiên của Việt Nam và được hoàn thành trước thời hạn nhờ không cần giải phóng mặt bằng, nguồn vốn linh hoạt và sự chuyên nghiệp của đội ngũ thi công trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, hầm chui Thanh Xuân với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng từ vốn ODA Nhật Bản, dài 980m, bao gồm phần hầm kín 109m, hầm hở chữ U 280m và tường chắn chữ L 325m. Được khởi công tháng 6/2014 và hoàn thành ngày 8/1/2016, hầm có 2 làn xe cơ giới và tốc độ thiết kế 60 km/h.
Nằm tại điểm giao cắt phức tạp giữa Quốc lộ 6, đường Vành đai 3 và tuyến đường sắt đô thị, hầm chui Thanh Xuân đã góp phần giảm thiểu ùn tắc, cải thiện lưu thông và nâng cao hiệu quả vận tải khu vực.
Lãnh đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông TP. Hà Nội cho biết, sau vài ngày thí điểm phương án tổ chức lại giao thông tại nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, kết quả sơ bộ cho thấy người dân đã dần thích nghi, đồng thời năng lực thông hành tại nút giao này đã được cải thiện đáng kể.
Cụ thể, trong giờ cao điểm buổi sáng, năng lực thông hành tại khu vực đã tăng 18,3%, trong khi khung giờ bình thường ghi nhận mức tăng khoảng 8% so với trước. Chu kỳ đèn tín hiệu giao thông trong giờ cao điểm giảm 11% so với hiện trạng trước đây, còn trong khung giờ bình thường, chu kỳ này giảm 12,5%. Nhờ đó, nút giao trở nên trật tự hơn, giảm thiểu xung đột giao thông tiềm ẩn và giảm thời gian chờ đợi cho các phương tiện lưu thông qua khu vực.
Vị đại diện cũng chia sẻ thêm rằng phương án thí điểm bao gồm chế độ điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông linh hoạt, áp dụng cho bốn khung giờ: cao điểm buổi sáng, ngoài giờ cao điểm, cao điểm buổi chiều, và buổi tối. Sự điều chỉnh này nhằm tối ưu hóa luồng giao thông, đảm bảo hiệu quả vận hành tại nút giao phức tạp này.