Aa

Ở đâu ra lắm "đất vàng"?

Thứ Năm, 14/09/2017 - 06:01

Hà Nội vừa chính thức lên tiếng xin đổi 6.000 ha đất xây 10 tuyến đường với tổng chiều dài là 417,8 km. Thông tin chưa kịp lắng xuống thì Hà Nội tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế đặc thù xây 6 cây cầu vượt sông Hồng.

Các cây cầu dự kiến được xây dựng gồm: Cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy 2, công trình Trần Hưng Đạo và 2 cầu vượt sông Đuống gồm Giang Biên và cầu Đuống 2.

Cần thiết nhưng phải xem xét

Việc Hà Nội xin cơ chế đặc thù để xây dựng khép kín hệ thống vành đai, giảm ùn tắc giao thông, phát triển kinh tế - xã hội là điều cần thiết, tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại việc xin cơ chế đặc thù của Hà Nội nên được xem xét.

Xem xét ở chỗ cơ chế đặc thù song vẫn phải trong khuôn khổ quy định của pháp luật, vẫn phải đảm bảo được tính công khai, minh bạch trong việc đấu thầu, hạn chế tối đa trình trạng thất thoát hay một cơ chế kiểu xin - cho trong đấu thầu.

Một chuyên gia cho rằng, rút kinh nghiệm từ các dự án BOT hạ tầng giao thông thời gian qua tồn tại quá nhiều bất cập, hầu hết nảy sinh từ việc chỉ định thầu không có sự công khai, minh bạch. Ngoài ra, các quỹ đất mà Hà Nội xin để “đổi” lấy hạ tầng nên có sự quy hoạch và phê duyệt quy hoạch trước để nâng cao giá trị của BĐS.

Hà Nội xin cơ chế đặc thù xây dựng khép kín đường vành đai, giảm ùn tắc giao thông là điều cần thiết.

Hà Nội xin cơ chế đặc thù xây dựng khép kín đường vành đai, giảm ùn tắc giao thông là điều cần thiết.

“Có cạnh tranh mới có kết quả tốt. Liệu việc giao thầu, chỉ định thầu có đảm bảo chất lượng công trình không hay chỉ chạy theo tiến độ mà để hình thành một công trình không đảm bảo an toàn hay việc nhận thầu rồi bỏ đó không thi công hoặc thi công rồi bỏ dở giữa chừng do nhà thầu thiếu vốn" - chuyên gia này cho biết.

Tình trạng này đã từng diễn ra ở nhiều nơi khiến công trình hư hỏng còn người dân thì cứ mòn mỏi chờ đợi, thậm chí nhiều người dân khốn khổ vì sống trong những dự án “treo”. 

Chuyên gia này cũng đưa ra dẫn chứng tuyến đường dài 3,5km thuộc Dự án đường Lê Đức Thọ kéo dài chính thức thông xe ngày 28/4/2017 - sau 8 năm khởi công. Tuyến đường được xây dựng trong phạm vi quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) với điểm đầu dự án là nút giao thông với đường Lê Đức Thọ và điểm cuối là nút giao với đường 70 do Công ty cổ phần Tasco làm chủ đầu tư theo hình thức BT với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.

Dự án này khởi công năm 2009, sau đó bị thanh tra và theo công bố trên báo giới vào đầu năm 2012, chủ đầu tư Tasco đã vi phạm nghiêm trọng trong tính toán áp dụng định mức, đơn giá, tỷ lệ chi phí, khối lượng của nhiều hạng mục, tính vào giá trị công trình các khoản chi phí vô lý… khiến tổng mức đầu tư của dự án bị đội lên 437 tỷ đồng.

Từ tháng 4/2015, dự án thi công trở lại và ngày 28/4/2017 chính thức được thông xe. Để có được tuyến đường này Hà Nội phải ký với Tasco hợp đồng BT. Theo đó, Tasco sở hữu quỹ đất lên tới gần 70 héc-ta ở Hà Nội. Xung quanh tuyến đường này là hàng chục dự án BĐS hiện hữu.

Tài sản nhà nước nên kiểm soát chặt chẽ

Không ủng hộ cách làm đổi đất lấy hạ tầng, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, huy động nguồn vốn tài chính từ đất là đúng, có thể bán đấu giá đất nhưng chỉ phần nào, còn chủ yếu là phải do phát triển, nâng cao giá trị đất trước khi bán chứ bán đất thô thì không được bao nhiêu.

Ông Liêm cũng tỏ ra băn khoăn không biết Hà Nội lấy đâu ra 6.000 ha đất bởi không phải đất nào người ta cũng đổi, mà phải là đất vàng trong đô thị ở vị trí đẹp.

GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thì lo ngại, các dự án làm theo hình thức BT sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS bởi phần lớn các nhà đầu tư hiện nay đều đòi đất ở. “Đòi đất ở sẽ dẫn đến tăng dự án nhà ở lên quá nhiều, thậm chí nhiều dự án không thuộc quy hoạch là đất ở cũng được làm chung cư cao tầng, điều này dẫn đến cạn kiệt đất đai, thiếu đất cho công viên, hồ nước… khiến quy hoạch mất cân bằng” – GS Võ cho biết.

Với giá trị đất đai hiện có, các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM có nhiều tiềm năng thực hiện thành công các dự án BT thông qua đổi đất lấy hạ tầng. Nhưng BT là một hình thức đầu tư phức tạp, không có tiêu chuẩn chung cho các hợp đồng BT được ký kết giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư tư nhân. Vì vậy quá trình lựa chọn, đàm phán ký kết hợp đồng với nhà đầu tư cần đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch để tránh nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước.

“Chủ trương xã hội hóa đầu tư theo hình thức BT là hoàn toàn đúng đắn, nhưng để đầu tư BT phát huy tối đa hiệu quả, các quy định về lựa chọn nhà đầu tư, định giá đất đai và thẩm định tổng mức đầu tư dự án cần được tiến hành kỹ lưỡng. Bởi suy cho cùng đầu tư bằng đất đai cũng là đầu tư bằng tài sản nhà nước nên cần kiểm soát chặt chẽ" - ông Liêm nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top