Thực ra trong lịch sử loài người, đã có nhiều đại dịch khiến loài người lao đao, thậm chí đứng bên bờ diệt vong. Có những đại dịch trong truyền thuyết, đại dịch thực tế,và loài người đã vẫn chấp nhận rồi trải qua, rồi tồn tại đến ngày nay.
Thế nên đại dịch Covid-19 đang diễn ra đây, khiến cả thế giới lao đao, nhưng rồi chắc chắn loài người cũng sẽ vượt qua, sẽ sống ôn hòa với nó, như đã từng với những là phong lao cổ lại, những là sởi, ho gà, uốn ván tới đậu mùa, HIV, v.v... Nhưng cũng rõ ràng, nó đã khiến loài người phải nhìn lại lối sống, phải điều chỉnh cách sống và hành vi sống của mình.
Chúng ta đã và đang "ngạo nghễ" với tự nhiên quá, tự đề cao mình quá... nên hành xử với nhau, với tự nhiên nhiều khi như kiểu "chỉ mình tao". Nhưng cũng ở mùa dịch này, bên cạnh những nhố nhăng, lố bịch, những côn đồ hung hãn, những a dua a tòng xấu xí, thì vẫn bật lên những hành động, nghĩa cử đẹp, tới mức khiến ta rưng rưng, nhiều lần nước mắt chảy dài khi đọc, khi xem...
Rất nhiều người đã lặng đi rồi nước mắt giàn dụa khi xem cái clip cháu bé thấy mẹ trên ti vi rồi khóc đòi mẹ bế. Hay ảnh nữ sĩ quan công an cầm lái xe ca chở đồng nghiệp vào tâm dịch. Ảnh chụp bằng điện thoại, không căn chỉnh, nhưng nó đẹp. Đẹp từ tư thế, thần thái, dáng ngồi và dáng người, tới ý nghĩa của nó.
Tôi giờ có thói quen là sáng sớm phải xem chương trình Chào buổi sáng, sau mục Bộ Y tế thông báo ca mắc từ 18 giờ hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau rồi mới đi thể dục. Những con số nhảy múa hàng ngày. Phía sau những con số vô hồn ấy là những số phận từng con người. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi điều kiện khác nhau, giờ ập một phát, chung nhau cách ly, chung nhau cách sống, chung nhau sự chịu đựng, chung nhau hy vọng... Những câu chuyện, hình ảnh về những cháu bé 3, 4 tuổi, 7 tuổi đi cách ly, đi nằm viện một mình đã lay động lòng người.
Những chuyện như các y bác sĩ mệt nhoài, đẫm mồ hôi, những giấc ngủ vội, nhịn ăn nhịn uống vì hạn chế bài tiết, vân vân, nhiều đến mức nếu giờ mà kể thì phải cả tháng, nhưng với hai câu chuyện nhỏ này cũng đủ chúng ta rưng rưng:
Một là một anh Grab bike chở một nữ bác sĩ và cương quyết không nhận tiền. Nhưng câu này mới khiến lòng người bị lay động: "Em lấy tiền chị là em có tội với Tổ quốc à? Nhận tiền lúc này của bác sĩ là có tội với Tổ quốc, chị đừng bắt em có tội với Tổ quốc!". Trời ơi từ bé tới giờ chúng ta được học, được dạy, được tiếp xúc hàng ngày với Tổ quốc, nhưng đa phần thấy Tổ quốc là xa vời, là to lớn, mênh mông, là cái gì đấy trừu tượng lắm.
Anh xe Grab bike, tức xe ôm, cái nghề có thể nói là bình dân nhất, vất vả nhất xã hội, thời dịch càng ế khách, quần quật giữa những ngày nắng để kiếm vài chục bạc nuôi thân và nuôi gia đình, đã cho chúng ta hiểu thêm về một khía cạnh của Tổ quốc và hóa ra, nó gần gũi thân thương, đầm ấm nghĩa tình, cao thượng và bình dị. Đấy là sự hy sinh nhường nhịn, là sự thông cảm và chia sẻ, là bù đắp biết ơn tự đáy lòng, không toan tính thiệt hơn, không rổn rảng phô bày, mà là tự nguyện tự giác, là biết ơn và trả nghĩa thầm lặng. Tổ quốc ở đây hiện thân chính là chị bác sĩ khách hàng của anh xe ôm. Tổ quốc vẫn rất thiêng liêng!
Trường hợp nữa là chị bán bánh mỳ. Khi cái xe cấp cứu tới, cánh tay cầm tiền đưa ra, một khuôn mặt đẫm mồ hôi trong bộ đồ bảo hiểm kín mít giữa trưa nắng, chị đã đưa ổ bánh mỳ và vẫy tay ra hiệu không lấy tiền. Một hành động rất nhỏ, rất tự giác nhưng ý nghĩa lại rất lớn! Lâu nay nói dân tộc ta có truyền thống đoàn kết thì vẫn cứ mông lung thế nào ấy nhưng phải khi đất nước có việc thì cái sự yêu thương và đoàn kết ấy mới hiển lộ, mới khiến chúng ta nhận ra và xúc động, từ những việc rất nhỏ, rất lặng thầm như thế.
Một thời chúng ta học "Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết", nhưng bây giờ, chúng ta phải sống và sống đẹp, dẫu đại dịch càng căng thẳng, để Tổ quốc mãi còn./.