Còn nhớ, trong một Hội nghị nhà văn trẻ cách đây đúng mười năm, nhà thơ Hữu Thỉnh, người không có "năng khiếu" lắm trong công nghệ số, đã có bài đề dẫn khá hay, trong đó ông gọi thế hệ những người viết trẻ năm ấy là "thế hệ mười ngón tay".
Bây giờ thì hầu như toàn dân đã sử dụng mười ngón tay rồi. Smartphone lên ngôi khiến cả xã hội như bước vào một trật tự mới, trật tự của... "bấm".
Sáng nay, tôi ngồi cà phê với một bạn nhà báo trẻ, bạn ấy mang theo cậu con trai 6 tuổi, năm nay vào lớp Một. Đấy là một cậu bé rất hiếu động và thông minh. Sau khi tự cầm menu chọn và gọi thức uống cho mình, cậu tham gia vào cuộc chuyện của bố cậu với các ông trong bàn. Bố cậu, muốn cậu trật tự, đã... đưa điện thoại cho cậu. Thế là đeo kính vào và... trật tự ngồi bấm. Đeo kính vào là bởi, cậu mới đi khám mắt, bác sĩ kết luận cậu bị loạn thị do xài điện thoại. Mà đây là cậu bé ngoan, biết sợ, hay chính xác là bố mẹ nói là cậu nghe. Đúng 15 phút như lời hẹn của bố "Cho con chơi 15 phút nhé", cậu trả điện thoại cho bố. Bố cậu bảo từ 4 tuổi đã mua đồng hồ và hướng dẫn cách xem đồng hồ. Nhất cử nhất động là đưa vào kế hoạch thời gian: 7h ăn sáng tới 7h30, 11h ăn trưa tới 11h30, 18h ăn chiều, v.v... Có hôm quá giờ ăn là cậu nhắc.
Cháu ngoại tôi, hồi mới 2 tuổi, tôi đã ru cháu bằng iPad, 3 tuổi là đã bắt đầu biết bấm. Chả thế mà cái hồi có chiến dịch quảng cáo cho Hạ Long thành kỳ quan (vụ này rồi chả biết thế nào, vì bản thân nó đã là kỳ quan rồi, song có cái hãng nào đấy ở nước ngoài lại bảo "bấm" để xếp hạng, thế là ngành văn hóa rùng rùng phát động... "bấm" xếp hạng).
Giờ, cứ 10 đứa trẻ khi ăn thì cũng phải 8 đứa vừa ăn vừa cắm mặt vào điện thoại. Hai đứa còn lại không loại trừ là vì nhà nó xài điện thoại cục gạch. Nên chưa gì mắt mũi đã cận lòi ra cũng phải.
Nhờ smarphone mà ngay quản lý xã hội giờ cũng tiện. Điện thoại của tôi liên tục tin nhắn, từ chính quyền điện tử tới Bộ Y tế, từ nhà điện tới nhà mạng... tất tật trên ấy. Nhiều lúc cứ giật mình thon thót vì các tin nhắn bất thình lình.
Rồi trích xuất nguồn gốc hàng hóa, rồi check-in online, khai báo y tế... hết sức tiện lợi. Nhưng lại cũng liên tục các vụ bị lừa. Trình độ ất ơ, thế là bảo gì nghe nấy. Nó chuyển cho cái link bảo theo đấy mà làm, có tiền tỷ đấy, có chồng giàu đấy, có hàng nước ngoài chuyển về đấy. Cun cút làm theo. Rồi là, tất tật có gì nó lấy sạch. Ít thì là ảnh hoặc tư liệu bí mật, nhiều thì là hàng tỷ, nhiều tỷ cứ thun thút chuyển cho nó. Xong!
Báo giấy giờ cũng phải chạy theo báo mạng. Nghe nói truyền hình cũng sụt giảm lượng quảng cáo vì người ta xem quảng cáo... mạng. Giờ cứ mở mạng ra lại thấy hết "chữa yếu sinh lý" lại "nhà tôi ba đời làm thuốc trĩ...", giọng cứ léo nhéo với hình ảnh rất chân chất. Và chắc là bán được, nên tình trạng này mới kéo dài, dù truyền thông và ngành chức năng liên tục cảnh báo.
Thanh tra thông tin truyền thông và an ninh cũng có nhiều việc làm với "bấm". Khá nhiều anh chị "bấm" đưa tin cho sướng, xong rồi tèo, nộp phạt vì tin giả, tin chưa kiểm chứng. Vụ dịch Covid này, khá nhiều người "được" đóng góp vào ngân sách từ những cú "bấm".
Mới nhất nữa, liên quan tới "bấm" là cái anh công an tên Lâm trong vụ tài xế tắc xi bị tên cướp trước đấy bị truy nã vì mới giết người ấy, đâm sát tim nhưng vẫn vật nhau với tên này. Cuộc vật nhau thót tim được quay clip và phát lên, thì người ta mới thấy anh đại úy Lâm, thay vì vất điện thoại xông vào tóm tên cướp, lúc này khá dễ vì đã bị anh tài xế tắc-xi, dẫu máu me đầm đìa vì bị đâm vào ngực, khống chế rồi, thì anh lại nhẩn nha đứng... "bấm".
Mới thấy ranh giới giữa địa ngục và thiên đường chả cách nhau bao nhiêu. Nếu anh hành động như lẽ thường, như cái anh công nhân ấy thôi, là xông vào, chỉ cần túm chân thằng cướp ấy chẳng hạn, thì hôm nay anh đã là anh hùng rồi. Gì chứ việc khen thưởng và thăng quân hàm là trong tầm một nốt nhạc. Nhưng anh đã chọn "bấm" và thế là, anh thành anh hôm nay.
Ôi chao ơi "bấm"! Tưởng chỉ là bấm nhưng nó lại không chỉ thế, nó là toàn bộ một hệ ứng xử mới, một cách sống mới, thích nghi để hòa nhập, để sống và tự do.../.