Aa

“Phải xem khó khăn của doanh nghiệp là vất vả của mình”

Trung Hiếu
Trung Hiếu trunghieu.ntdtv@gmail.com
Thứ Bảy, 22/02/2020 - 09:42

“Các sở, ngành phải cùng chia sẻ với doanh nghiệp, đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp thì sẽ thấy vất vả của doanh nghiệp chính là vất vả của mình", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Sáng 22/2, UBND TP.HCM phối hợp với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tổ chức Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền thành phố với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định từ năm 2000 đến nay, Thành phố đã xác định bất động sản là 1 trong 9 ngành được quan tâm của Thành phố, tuy có thăng trầm nhưng bất động sản vẫn là lĩnh vực thu hút dòng tiền.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp.

Đến nay, trên toàn địa bàn Thành phố có 415.000 doanh nghiệp đăng ký mới, trong đó 15.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, 9.000 doanh nghiệp lớn. Có khoảng 8% doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp có vốn từ 100 tỷ đồng trở lên chiếm 22%. Doanh nghiệp có vốn hơn 1.000 tỷ đồng có 700 doanh nghiệp. Tuy chỉ chiếm 2% số doanh nghiệp nhưng số doanh nghiệp lớn chiếm hơn 70% số vốn đăng ký và đóng góp hơn 80% đối với kinh tế tư nhân. Điều này đòi hỏi Thành phố phải có chính sách đặc biệt đối với doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản lớn trên địa bàn thành phố.

Do đó, sức cạnh tranh về kinh tế của Thành phố còn nhiều vấn đề để bàn đến. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ muốn nâng tầm thì rất khó do thời gian qua Thành phố tập trung phát triển các doanh nghiệp đầu ngành.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy bất động sản ngày càng khó khăn, càng ngày càng khắc nghiệt. Từ năm 2015 - 2019 mức tăng trưởng chỉ đạt 4,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Trong 10 tháng đầu năm 2019, riêng ngành xây dựng tăng trưởng âm. Cuối năm 2019, ngành xây dựng tăng 1% trong khi năm 2018 tăng 25%.

Tỷ trọng đóng góp GDP cũng thuộc hàng thấp nhất trong 9 ngành dịch vụ. Điều này làm tăng nguy cơ khiến thị trường có nhiều doanh nghiệp giảm doanh thu, không đạt chỉ tiêu, nguồn cung hạn chế.

Năm 2019, cả thành phố chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24% số dự án so với năm 2018. Ví dụ như dự án Lê Thành "ngâm" cả năm không giải quyết được. Có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 67 dự án; có 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới. 

Quang cảnh cuộc họp

Theo ông Phong, nguyên nhân là do quy hoạch đô thị có sự chuyển tuyến, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan Nhà nước, chưa đảm bảo sự liên thông đồng bộ. Nếu không giải quyết được những vấn đề này sẽ càng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở, ngành phải quyết liệt hơn, được thì trả lời là được, còn không thì phải cho dự án dừng lại chứ không thể kéo dài mãi. Đối với những doanh nghiệp chống lãi suất ngân hàng, nếu các sở, ngành đặt vào vị trí của doanh nghiệp sẽ hiểu.

Chủ tịch Thành phố nhấn mạnh, các sở, ngành phải cùng chia sẻ với doanh nghiệp, phải thấy vất vả của doanh nghiệp bất động sản chính là vất vả của mình. Doanh nghiệp phát triển thì đó là thành công của Thành phố. Còn khi doanh nghiệp khó khăn thì phải chia sẻ khó khăn, chứ không nên thấy khó khăn lại càng tạo thêm khó khăn. Với tư cách là người phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân thì lãnh đạo các sở, ngành phải cùng dân lắng nghe, có giải pháp quyết liệt hơn, làm đúng theo pháp luật.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, hiện nay TP.HCM đang nỗ lực để giải quyết các vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong quý I/2020, UBND Thành phố sẽ ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp có số vốn trên 100 tỷ đồng. UBND cam kết làm hết mình để đảm bảo môi trường chính trị ổn định, đem lại quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top