Phân bổ vốn chặt chẽ, tập trung vào các dự án hạ tầng trọng điểm
Chiều 7/2, tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030. Đây là nội dung quan trọng nhằm định hướng chiến lược đầu tư trong 5 năm tới, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước.
Trình bày nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, giai đoạn 2026 - 2030 sẽ ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị. Các dự án kết nối liên vùng cũng sẽ được chú trọng để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
![Phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030: Tập trung vào các dự án trọng điểm, tránh dàn trải- Ảnh 1. Phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030: Tập trung vào các dự án trọng điểm, tránh dàn trải- Ảnh 1.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/7/070220250437-z62962495354648352c5de79d5aa9a9577e0708e20c6aa-1738924483938202039587.jpg)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Với ngân sách trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, giảm dần tình trạng phân bổ vốn dàn trải, không hiệu quả. Đồng thời, sẽ có sự điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí để đảm bảo việc phân bổ vốn đầu tư công minh bạch, đúng trọng tâm, có trọng điểm.
Riêng công tác bố trí vốn nước ngoài sẽ đổi mới theo hướng đảm bảo bố trí vốn cho dự án chuyển tiếp, cho dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức vốn nước ngoài còn lại (nếu có) được quản lý thống nhất tại trung ương, để bố trí cho chương trình, nhiệm vụ, dự án phát sinh trong kỳ trung hạn sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Tại phiên họp, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã thẩm tra dự thảo nghị quyết và bày tỏ sự đồng thuận với các nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công. Tuy nhiên, Ủy ban cũng nhấn mạnh cần rà soát kỹ tiêu chí phân bổ vốn đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với quy định mới của Luật Đầu tư công.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị ưu tiên nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, các công trình hạ tầng chiến lược, đặc biệt là những dự án có gắn với chuyển giao công nghệ nhằm giúp Việt Nam tiếp cận và làm chủ các lĩnh vực công nghệ cao.
Nghiên cứu xử lý vấn đề tồn đọng kéo dài trong sử dụng vốn đầu tư
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp với các cơ quan nghiên cứu xử lý một số vấn đề tồn đọng kéo dài trong sử dụng vốn đầu tư công.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc phân bổ vốn đầu tư công cần tránh dàn trải, đảm bảo hiệu quả cao nhất, đồng thời phải có sự cân đối hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực để phát triển bền vững.
![Phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030: Tập trung vào các dự án trọng điểm, tránh dàn trải- Ảnh 2. Phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030: Tập trung vào các dự án trọng điểm, tránh dàn trải- Ảnh 2.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/7/070220250206-dsc2380-173892442653228259248.jpg)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14, khi chưa có cơ chế quản lý rõ ràng về lập kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công từ ngân sách địa phương, cũng như chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của địa phương trong việc dành vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, cập nhật Luật Đầu tư công năm 2024 đảm bảo đồng bộ, nhất là các vấn đề liên quan đến thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A, B, C, tiêu chí phân bổ vốn đối với các dự án ODA, nguồn vay ưu đãi từ nước ngoài...
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí vốn, tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xem đây là những lĩnh vực mang tính đột phá cho sự phát triển dài hạn của đất nước, như Tổng Bí thư Tô Lâm đang yêu cầu có ngay một nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này thay vì chờ đến kỳ họp tháng 5 của Quốc hội.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong những năm qua, Chính phủ đã thực hiện chính sách giảm số lượng dự án đầu tư công để tập trung nguồn lực cho các dự án quan trọng. Cụ thể, từ 20.000 dự án trong giai đoạn trước, số lượng dự án đầu tư công đã giảm xuống còn 10.000 trong giai đoạn 2016 - 2020, và tiếp tục giảm xuống dưới 5.000 dự án trong nhiệm kỳ vừa qua. Trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu giảm xuống dưới 3.000 dự án, để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả nhất.
Với những lưu ý từ Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết sẽ ưu tiên đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội.
Sau phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết với sự đồng thuận cao. Dự thảo này sẽ chính thức có hiệu lực trong thời gian tới, trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ phân bổ vốn đầu tư công trong giai đoạn 2026 - 2030./.