Cứ bao giờ cuối đông là đã thấy phập phồng tết về. Tây nguyên không rõ rệt lắm sự phân biệt các mùa, nếu không giàu trí tưởng tượng, không nhạy cảm, nếu bàng quan, vô tư quá thì sẽ không nhận ra những điều kỳ diệu đang diễn ra bên cuộc chuyển giao mơ hồ giữa mùa đông và mùa xuân. Những bông lau bạc run trong gió, những thảm dã quỳ mỡ màng, những cơn gió hào hển, những tia nắng cuối chiều vừa mong manh vừa vội vã... đều là chứng tích của thời gian, đều gợi lên trong hồn người nỗi day dứt khó tả khi thời gian cứ chuội đi trong dằng dặc đời người...
Đã có nhiều người sống ở Tây Nguyên bâng khuâng trước một đợt lạnh cuối năm dương lịch vừa rồi. Cũng đã lâu lâu rồi mới có đợt lạnh sâu như thế. Về cơ bản thì chả ai thích lạnh làm gì. Nhưng quả thật xét về khía cạnh nào đấy thì nó lại vô cùng gợi, rất làm cho người ta hoài cảm, gợi nhớ về một điều gì đấy vừa mơ hồ vừa mênh mang, như sương như khói bảng lảng trong chiều. Những người đã từng sống ở xứ Bắc thì nao nao nhớ về những ngày cuối năm quê nhà.
Thì ra lạnh nó đi gần với không khí tết. Thì bây giờ ra ngoài đường chẳng đã thấy lác đác người bán hoa tết là gì. Mùa đông ẩn hiện trên từng gương mặt người, trong cái dáng co ro buổi tối, cái xuýt xoa buổi sáng và ở những cái áo khoác, áo len đủ màu đủ kiểu được các thiếu nữ xinh đẹp chọn rất kỹ trước khi khoác lên người.
Con người ta lạ thế, quanh năm đầu tắt mặt tối, buông tay ra ngẩng mặt lên, đã thấy cái lạnh hun hút luồn qua nỗi nhớ, nỗi hoài vọng, nỗi nhớ quê, đã thấy ký ức tuổi thơ dâng đầy trong mắt. Thường trực trong mỗi con người là nỗi nhớ, cứ ẩn hiện thấp thoáng, chờ có dịp là quặn thắt bùng lên. Mùa đông là mùa nỗi nhớ có dịp bùng ra mãnh liệt nhất...
Những ngày đầu mới lên Tây Nguyên, cũng gần nửa thế kỷ rồi, những ngày đông cuối năm là những ngày buồn nhất của lũ độc thân chúng tôi. Những con đường hun hút gió, những đêm dài trắng xoá sương mù..., một quán cà phê nghèo đã níu chân chúng tôi trong những ngày đầu khó khăn ấy, để bây giờ, ngoái đầu nhìn lại, vẫn nao nao như thể mới hôm qua...
Mùa đông, hoa xoan bắt đầu chúm chím, phập phồng tím trong nỗi nhớ ngẩn ngơ của những chàng trai mới lớn, mà chả cứ mới lớn. Tôi thích đi ngược gió trên những cánh đồng bất tận vàng của nỗi nhớ, vàng như khát vọng của mùa xuân đang lẩn khuất đâu đó ở đường chân trời, như chỉ chờ một hiệu lệnh nào đó là bùng ra, ùa về, miên man toả hương, thứ hương rạo rực tinh khiết của mùa xuân ban phát cho con người tình yêu, hạnh phúc, niềm vui và cả những nỗi buồn, nỗi buồn trong veo như pha lê chiều cuối năm khiến con người phải tự vấn, tự soi lại mình. Và đi đến tận cùng nỗi buồn, ta sẽ gặp niềm vui, đi qua nước mắt sẽ đến nụ cười.
Nhớ đông là bởi, những ngày này, Sài Gòn tự nhiên trở lạnh như xứ Bắc. Sáng sớm các cô gái hân hoan trước tủ quần áo nhưng rất ít sự lựa chọn bởi người phương Nam hầu như không có khái niệm lạnh, chứ đừng nói rét, vì thế tủ quần áo rất ít đồ ấm để lựa chọn. Ấy, tôi lại cứ muốn tách bạch cái sự lạnh và rét nó ra như thế. Lạnh nó cơ học, nó lạnh lùng, rét nó cảm xúc, nó người hơn. Thế nên các cô chẳng sắm sanh gì nhiều đồ rét như gái xứ Bắc, nhưng vẫn tần ngần, cứ vân vi để tận hưởng sự rét nó lan tỏa. Tối tôi chạy xe máy ngoài đường với mấy trai thanh nữ tú. Họ đều áo khoác mũ che tai, mỗi tôi áo thun. Họ đón nhận hiện tại, tôi phong phanh quá vãng...
Chiều này, lạnh. Nỗi nhớ giăng ngang bàn viết của tôi như một ảo ảnh xanh. Mờ mờ một vệt chân trời ký ức. Mà chân trời thì đầy gió...
Tết về rồi.