Aa

Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long cần những giải pháp đồng loạt

Thứ Ba, 18/06/2024 - 14:59

Trước những thách thức do biến đổi khí hậu đe dọa đến sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thời gian qua, Chính phủ đã tập trung triển khai nhiều giải pháp ứng phó, huy động trí lực, nguồn lực, phương tiện... nhằm duy trì và phát triển vùng kinh tế nông nghiệp có vai trò cực kỳ quan trọng này.

Sự chung tay của những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trở thành điểm sáng cho những nỗ lực và hành động thiết thực để ứng phó với biến đổi khí hậu vì mục tiêu phát triển bền vững cho khu vực ĐBSCL nói riêng và quốc gia nói chung.

Giúp ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu là trách nhiệm không của riêng ai

Mới đây, tại hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong" do Trường Đại học Luật TP. HCM chủ trì với sự đồng hành, phối hợp của Phuc Khang Corporation và một số đơn vị khác tổ chức, nhiều kiến nghị của các chuyên gia cho rằng, cần sự nỗ lực và chung tay có trách nhiệm cho mục tiêu chung giúp ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ThS. Lưu Thị Thanh Mẫu – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Tổng Giám đốc Phuc Khang Corporation, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, có 6 khó khăn chính trong chuyển đổi sinh kế của người dân ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Một là chịu tác động của thị trường và còn thiếu định hướng; hai là chịu tác động của điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu; ba là thiếu lao động, nhận thức, năng lực của nông dân còn hạn chế; bốn là vấn đề chi phí cao, thiếu vốn cho sản xuất nông nghiệp khi chuyển đổi mô hình sinh kế; năm là một số chính sách của chính quyền địa phương chưa thực sự phát huy hiệu quả; sáu là tác động từ việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mekong…

Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long cần những giải pháp đồng loạt- Ảnh 1.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu – một trong các diễn giả tham gia hiến kế tại Hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong"

Hiện nay, nguồn nước sông Mekong ngày càng ít dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn ngày càng vào sâu nội địa, đặc biệt là vào mùa nắng hạn kéo dài. Tình trạng này đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nông dân nói riêng và người dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long rất nặng nề. Tình trạng thiếu nước ngọt của người dân tại tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua là một ví dụ điển hình.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu cho rằng, thực tế các giải pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp thường bị cản trở bởi những thay đổi của thời tiết, thiên tai, quỹ đất cho phát triển nông nghiệp bị thu hẹp nghiêm trọng do quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp diễn ra tràn lan. Quá trình xâm nhập mặn và nhiễm phèn cũng làm cho nhiều khu vực không thể trồng lúa và hoa màu, nhiệt độ nước thay đổi, nước dâng hoặc khô hạn kéo dài ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản.

Nhìn nhận một cách khách quan, CEO của Phuc Khang Corporation nói rằng: "Mặc dù quy hoạch cũng như các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu của ĐBSCL đã nêu trên được xây dựng cho đến năm 2030 và có tầm nhìn đến năm 2050, nhưng có thể việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mekong càng khó khăn trong thời gian tới. Vì vậy, để thực hiện chính sách chuyển đổi sinh kế cho nông dân tại ĐBSCL có hiệu quả, trong trường hợp cần thiết, các cơ quan hữu quan cần có đánh giá tác động mới để thay đổi quy hoạch cho phù hợp".

Phuc Khang Corporation cũng là một trong số doanh nghiệp nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sinh kế ĐBSCL khi tài trợ kinh phí cho Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn và hỗ trợ đội ngũ tham gia khảo sát của đề tài khoa học và công nghệ: "Chuyển đổi sinh kế và sử dụng đất nông nghiệp của nông dân để thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hậu Giang" do GS. Võ Tòng Xuân làm cố vấn khoa học.

Như thế, có thể thấy rằng biến đổi khí hậu là một thách thức lớn, nhưng từ trong thách thức ấy, chúng ta đã tìm thấy được những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm. Họ sẵn sàng nhập cuộc, đóng góp công sức và hiến kế vì đời sống và sự phát triển bền vững chung.

Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long cần những giải pháp đồng loạt- Ảnh 2.

PGS.TS Lê Thị Hồng Na (áo vest đen) - Đại diện Phuc Khang Corporation chụp ảnh cùng GS. Võ Tòng Xuân và các đại diện trong nhóm khảo sát đề tài khoa học và công nghệ: "Chuyển đổi sinh kế và sử dụng đất nông nghiệp của nông dân để thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hậu Giang"

Để phát triển bền vững ĐBSCL cần những giải pháp đồng loạt

ĐBSCL với vai trò là vựa lúa lớn nhất cả nước, nên sự phát triển bền vững khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng trong lộ trình thực hiện chiến lược chung của quốc gia về tăng trưởng xanh. Với kinh nghiệm nhiều năm theo đuổi đề tài công trình xanh, lối sống xanh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, cũng như trên cơ sở nghiên cứu thực trạng chuyển đổi sinh kế cho nông dân tại tỉnh Hậu Giang, nghiên cứu chính sách của Trung ương và địa phương, cũng như các quy định mới của Luật Đất đai 2024 về sử dụng đất nông nghiệp.

Nhằm bảo đảm hiệu quả của việc chuyển sinh kế cho nông dân tại ĐBSCL, bà Lưu Thị Thanh Mẫu cho rằng, cần triển khai đồng loạt để phát triển bền vững ĐBSCL theo 4 giải pháp.

Thứ nhất, cần nhanh chóng vận dụng các quy định mới của Luật Đất đai 2024 về sử dụng đất nông nghiệp để chuyển đổi sinh kế nông dân tại ĐBSCL.

Thứ hai, Chính phủ cần sẵn sàng cho việc đánh giá tác động, thay đổi quy hoạch, chính sách cho ĐBSCL trong điều kiện khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mekong ngày càng khó khăn.

Thứ ba, chính quyền địa phương các tỉnh ĐBSCL cần chủ động xây dựng các chính sách phù hợp, thiết thực và đồng bộ để chuyển đổi sinh kế cho nông dân trong thời gian tới.

Thứ tư, cần nâng cao nhận thức, năng lực cho nông dân.

"Luật Đất đai 2024 được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong định hướng phát triển bền vững tại ĐBSCL. Bởi vì thông qua các chính sách của Chính phủ, các Bộ ngành cũng như quy định tại Luật Đất đai 2024, có thể khái quát một số biện pháp chuyển đổi sinh kế (nghề) cho nông dân và phát triển kinh tế - xã hội tại ĐBSCL.

Cụ thể, chuyển đổi hình thức trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản từ các hộ riêng lẻ, quy mô nhỏ sang hình thức trang trại, quy mô lớn kết hợp công nghệ, kỹ thuật cao, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, có hiệu quả kinh tế lớn nhằm hướng đến mục tiêu "nông nghiệp sạch". Chúng ta cần sử dụng đất nông nghiệp để trồng trọt, chăn nuôi kết hợp với du lịch sinh thái.

Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long cần những giải pháp đồng loạt- Ảnh 3.

Kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái cũng là một trong những điểm sáng của Luật Đất Đai 2024 – Hình ảnh minh họa hoạt động tham quan cảnh vật ĐBSCL tại Khu đô thị Văn hóa – Thương mại – Du lịch Làng Sen Việt Nam (Long An)

Bên cạnh vận dụng các quy định mới của Luật Đất đai 2024 thì những giải pháp về ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực, nhận thức của nông dân cũng như vận động những sáng kiến của cộng động cũng cần được triển khai đồng loạt. Tin chắc rằng những nỗ lực và sự chung tay từ những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm sẽ là những cú hích mạnh hơn cho hành trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL", bà Mẫu nói thêm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top