Aa

Phát triển nhà ở xã hội: Cần cơ chế, nguồn lực

Thứ Bảy, 22/06/2024 - 06:09

Tính đến tháng 6/2024, cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) đã được triển khai, quy mô 418.200 căn. Tín hiệu tích cực từ các hành lang chính sách và pháp lý đang được đẩy mạnh trong thời gian tới, dự báo sẽ giúp nguồn cung NƠXH hồi phục, người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở giá rẻ hơn.

Phát triển nhà ở xã hội: Cần cơ chế, nguồn lực
- Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm cư dân khu nhà ở xã hội TP Hoà Bình.

Tín hiệu tích cực cho thị trường

Theo Bộ Xây dựng, khi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực sẽ có nhiều điểm mới khuyến khích phát triển NƠXH. Đặc biệt là quy định liên quan đến việc dành đất cho quỹ NƠXH. Cụ thể, Luật Nhà ở 2023 đã bổ sung quy định giao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất phát triển NƠXH theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt (bao gồm quỹ đất để phát triển NƠXH độc lập; quỹ đất để xây dựng NƠXH trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại)...

Bộ Xây dựng đánh giá, những quy định này thể hiện chủ trương phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm của địa phương, tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo tính khả thi khi áp dụng trên thực tế.

Mới đây, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị 34/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới. Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát triển NƠXH, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Theo Chỉ thị 34/CT-TW, cả nước phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị. Bên cạnh đó là phát triển đa dạng loại hình NƠXH và cơ chế, chính sách mua, thuê, thuê mua NƠXH, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân, người thu nhập thấp khu vực đô thị, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang với giá phù hợp với khả năng chi trả của từng đối tượng thụ hưởng; tăng tỷ lệ NƠXH cho thuê…

Ngoài ra, nhiều DN lớn trong ngành bất động sản như: Vinhomes, Becamex IDC, Tổng công ty Viglacera - CTCP, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD)… cũng gia nhập cuộc đua xây NƠXH giá rẻ với quy mô lên đến hàng chục nghìn căn. Bên cạnh sự nỗ lực của các DN, chính quyền địa phương cũng vào cuộc để phát triển NƠXH.

Đa dạng hóa các nguồn lực phát triển NƠXH

Tại cuộc họp với các Bộ, ngành bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển NƠXH, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc phát triển NƠXH là chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng, góp phần cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng về an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh đó, phát triển NƠXH cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ người khó khăn, nhất là gia đình trẻ, người mới xây dựng gia đình, công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, thành phố lớn, góp phần giải tỏa bức xúc xã hội.

Thời gian qua, các Bộ ngành vào cuộc tích cực, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa qua phải giải quyết, xây dựng, hoàn thiện một loạt cơ sở pháp lý liên quan vấn đề này. Đến nay, các nút thắt vướng về đất đai, thủ tục, vấn đề liên quan BĐS, nhà ở…, đã được tháo gỡ cơ bản. Các cơ quan đã trình Quốc hội ban hành các Luật (Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS, Các tổ chức tín dụng), các Luật đã cơ bản tháo gỡ nút thắt, vướng mắc về thủ tục, đất đai… cho NƠXH, vấn đề là sớm đưa các quy định vào cuộc sống.

Tuy nhiên, cần đa dạng hóa nguồn lực phát triển NƠXH, gồm nguồn lực từ Nhà nước, Nhân dân, xã hội, các tổ chức tín dụng (gồm ngân hàng thương mại Nhà nước và ngoài Nhà nước) để hỗ trợ cả người bán và người mua. Các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tích cực với các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể. Các thủ tục, điều kiện cho người vay vốn để đầu tư NƠXH và người mua, thuê, thuê mua phải đơn giản hơn…

Gắn chi tiêu phát triển NƠXH với chi tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Dù đón nhận tín hiệu tích cực, nhưng để phân khúc này phát triển mạnh mẽ cần hỗ trợ thêm nhiều cơ chế. Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chính. Trong đó, xây dựng các chính sách hỗ trợ nhà ở với người có công, đồng bào các dân tộc thiểu số, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập thấp và công nhân, học sinh. Gắn chi tiêu về phát triển NƠXH và chi tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương.

Trong tháng 6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định về NƠXH theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện, cơ chế, ưu đãi đầu tư, tiêu chí tiếp cận NƠXH; Nghiên cứu thành lập các quỹ về phát triển nhà xã hội với sự tham gia của Nhà nước, DN, người dân và toàn xã hội…

Bên cạnh đó, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép để có hiệu lực sớm các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Các tổ chức tín dụng để khơi thông các nguồn lực đất đai. Chính phủ tập trung giải quyết các dự án vướng mắc về pháp lý, đã báo cáo và được Bộ Chính trị cho phép giải phóng các dự án từ nguồn lực của Nhà nước cũng như nguồn lực của xã hội về đất đai.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho NƠXH. Trong đó, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho NƠXH.

Đồng thời, khẩn trương có giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân, trong đó tập trung vào các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay, việc hoàn thiện pháp lý dự án của chủ đầu tư với chính quyền địa phương...

Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến nay, tổng hợp số liệu từ các địa phương cho thấy, trên địa bàn cả nước có 503 dự án NƠXH đang triển khai, tăng 4 dự án so với cách đây hai tháng; trong đó, 75 dự án hoàn thành với gần 40.000 căn, tăng 3 dự án với hơn 1.700 căn so với hai tháng trước.

Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, việc phát triển NƠXH tại nhiều địa phương còn hạn chế. Nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ triển khai thấp so với mục tiêu đề án, dù tập trung nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An...

Do đó, Bộ Xây dựng vừa ban hành Văn bản số 3254/BXD-QLN về việc báo cáo, cập nhật số liệu triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần báo cáo về tình hình triển khai thực hiện diện tích quỹ đất hiện có và diện tích quỹ đất theo quy hoạch để đầu tư xây dựng NƠXH; các dự án đang triển khai đầu tư xây dựng; dự án đã hoàn thành trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay; dự kiến các dự án hoàn thành trong năm 2025. Các địa phương tiến hành rà soát, cập nhật số liệu phát triển NƠXH; báo cáo khó khăn, vướng mắc cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện; các giải pháp và kiến nghị…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top