Aa

Phát triển vật liệu xây dựng bền vững: Khoa học công nghệ phải đi trước

Thứ Sáu, 11/12/2020 - 16:00

Một trong những nhiệm vụ then chốt đặt ra đến năm 2025 là phát triển ngành công nghiệp vật liệu nói chung, trong đó có vật liệu xây dựng (VLXD) nhằm khai thác lợi thế để phát triển nhanh, bền vững.

Nhiều điểm sáng nhưng chưa bền vững

Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, thời gian gần đây, ngành công nghiệp VLXD đạt nhiều kết quả tích cực. Sau hơn 30 năm đổi mới, sản lượng sản xuất sản phẩm VLXD có sự gia tăng mạnh mẽ. Cụ thể, xi măng tăng 30 lần về công suất, 50 lần về sản lượng; gạch gốm ốp lát tăng 700 lần về công suất, 500 lần về sản lượng; kính xây dựng tăng lần lượt 72 - 74 lần… 

Những sản phẩm như gạch ốp lát, sứ vệ sinh đã xuất đi gần 40 nước trên thế giới. Giá trị xuất khẩu sản phẩm VLXD năm 2019 ước đạt khoảng 2 tỷ USD. Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, nhưng tính đến đầu tháng 11/2020, tình hình tiêu thụ xi măng đạt 74 triệu tấn, kính xây dựng đạt 171 triệu mét vuông, sứ vệ sinh đạt 12,8 triệu sản phẩm, đá ốp lát đạt 12 triệu mét vuông, gạch ốp lát đạt 452 triệu mét vuông, vôi công nghiệp đạt 1,5 triệu tấn, tấm lợp fibro xi măng đạt trên 33 triệu mét vuông...

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng theo đánh giá, ngành công nghiệp VLXD của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn như nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, không đủ năng lực tài chính để đầu tư công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại. Một số địa phương vẫn duy trì các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công. 

Lĩnh vực xi măng, số dây chuyền quy mô nhỏ, trình độ tự động hóa chưa cao chiếm đến 33% trong tổng số dây chuyền. Lĩnh vực vật liệu xây không nung chiếm 17% tổng công suất thiết kế quy mô nhỏ công nghệ lạc hậu. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường còn bất cập, như sử dụng than chiếm tỷ lệ cao trong sản xuất VLXD, đầu tư thiết bị bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu. 

“Nhu cầu sản xuất, sử dụng sản phẩm VLXD xanh đang là xu thế thời đại, góp phần tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, vấn đề này lại chưa trở thành tiêu chí phấn đấu ở các cơ sở sản xuất, sử dụng VLXD nên kết quả đạt được rất hạn chế”, Tổng Thư ký Hội VLXD Việt Nam TS. Thái Duy Sâm nhìn nhận.

Nhiều dây chuyền sản xuất VLXD công nghệ còn lạc hậu. Ảnh: Mai Vân

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ

Số liệu báo cáo của Bộ Công Thương, năng lực sản xuất ngành công nghiệp VLXD Việt Nam vẫn còn nhỏ, năng suất, chất lượng hạn chế. Đơn cử, vật liệu gang chế tạo mới đáp ứng được dưới 30%; vật liệu nhôm, vật liệu đồng khoảng 5%; hóa chất cho ngành nhựa, cao su vẫn phải nhập khẩu đến 70%...

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư Cao Đức Phát cho biết, hiện nay, do thiếu công nghệ khai thác, chế biến nên nhiều sản phẩm buộc phải xuất thô hoặc chỉ mới qua sơ chế, làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất. Vì vậy, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ về công nghiệp vật liệu trên cơ sở phát huy nguồn tài nguyên sẵn có. 

“Để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả, tự chủ, phải tự chủ tối đa nguyên vật liệu nhưng phải là nguyên vật liệu bằng hoặc tốt hơn về chất lượng, rẻ hơn so với nhập khẩu. Muốn đạt được điều đó, trước hết cần quyết tâm chính trị cao và rõ ràng khoa học công nghệ phải đi trước mở đường, phải có tổ chức, cách làm phù hợp”, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam GS.VS Châu Văn Minh cũng nhận định, để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cần phải có những bước phát triển đột phá về công nghiệp. 

Một trong những nhiệm vụ then chốt là phải phát triển được ngành công nghiệp vật liệu. Vì ngành này là một lợi thế phát triển của nước ta, có vai trò rất quan trọng cho phát triển công nghiệp quốc gia, góp phần bảo đảm xây dựng được một nền công nghiệp độc lập, tự chủ, phát triển nhanh, bền vững.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top