Aa

Phía sau hai cuộc chia tay!

Thứ Hai, 23/10/2017 - 19:12

Có những cuộc chia tay, không phô trương, ầm ĩ, nhưng đầy ý nghĩa và để lại những ấn tượng tốt đẹp, khiến dư luận trào dâng một sự tiếc nuối, biết ơn với người vừa nghỉ. Ngược lại, có những cuộc chia tay "đẳng cấp", tốn kém bạc tỉ, nhưng lại khiến dư luận cảm thấy hoảng hốt, bức xúc bật lại: Không hiểu họ lấy tiền ở đâu để tổ chức, và mục đích tổ chức là để làm gì?

Cách đây vài chục ngày, sự kiện Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chia tay cán bộ, nhân viên, bệnh nhân để nghỉ hưu đã gây ra một cơn "chấn động" trên báo chí và mạng xã hội. Mấy ngày liền, cứ mở báo chí và các trang mạng xã hội ra, là thấy ngập tràn những hình ảnh đầy xúc động về buổi lễ chia tay trang nghiêm, giản dị nhưng chứa đầy tình người ấy. Người về nghỉ rưng rưng nước mắt khi nói những lời tâm huyết, nhắn gửi thế hệ kế tục sự nghiệp. Người ở lại bịn rịn, quyến luyến như không muốn rời xa.

Tất cả diễn ra ngoài trời, trước quốc kỳ, trước sự chứng kiến của hàng trăm con người cả thân thiết và chưa từng được dịp trò chuyện, gặp gỡ. Không cần những khẩu hiệu hoành tráng, tấm băng rôn rực rỡ sắc màu. Cũng chẳng cần những lời hoa mỹ, những bài diễn văn giọng đều đều, đầy câu nệ và đôi lúc rườm rà, rối rắm. Mọi thứ cứ tự nhiên diễn ra, nhẹ nhàng, tình cảm nhưng không kém phần cảm động. Sự cảm động khi cảm xúc thăng hoa khiến người chứng kiến qua ảnh cũng bùi ngùi, nhưng rồi lòng bỗng chợt thư thái, nhẹ nhõm, thênh thênh.

Bệnh nhân, nhân viên Viện Huyết học - truyền máu trung ương chia tay bác sĩ Trí trong nước mắt - Ảnh: Viện Huyết học - truyền máu trung ương

Bệnh nhân, nhân viên Viện Huyết học - truyền máu trung ương chia tay bác sĩ Trí trong nước mắt - Ảnh: Viện Huyết học - truyền máu trung ương

Chưa đầy tháng sau, báo chí lại đưa tin về một cuộc chia tay khác. Lần này là của ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa nhận quyết định nghỉ hưu từ ngày 1/10/2017. Nếu nói về phẩm hàm, ông Nguyễn Phước Thanh hơn Giáo sư Nguyễn Anh Trí một vài "bậc". Còn về những giá trị "ngầm", thứ lấp ló phía sau biển chức danh và phụ cấp công vụ, có lẽ, ông Thanh hơn Giáo sư Trí nhiều. Có lẽ vì thế, mà cách tổ chức cuộc chia tay cũng khác biệt hoàn toàn về "đẳng cấp".

Trong cuộc chia tay này, ông Thanh là khách mời. Đơn vị đứng ra tổ chức là Ngân hàng Vietcombank. So với buổi chia tay của Giáo sư Nguyễn Anh Trí, số người tham dự buổi tiệc này ít hơn, nhưng, lại theo đúng tiêu chí "ít nhưng chất". Họ toàn là những người có chức sắc, có "máu mặt" trong ngành. Và, các đại biểu khách mời đến đây là để dự tiệc tại một khách sạn 5 sao, chứ không phải ở một khán đài ngoài trời hay phòng họp của hội trường nào đó. Nên, con số 200 đại biểu kia dù là số ít, nhưng lại là con số "khủng", đối với một bữa tiệc chia tay tại một khách sạn xa hoa vào loại bậc nhất Thủ đô.

Biển hướng dẫn khách đến dự tiệc

Biển hướng dẫn khách đến dự tiệc "gặp mặt chia tay" ông Nguyễn Phước Thanh tại Khách sạn Melia Hà Nội

Tôi không muốn liệt kê ra những món sơn hào hải vị trong bữa tiệc ấy. Tôi cũng không muốn ngồi nhẩm tính, cộng cộng nhân nhân để xem tiền thuê phòng là bao nhiêu, giá dịch vụ tốn chừng nào, và tổng cộng bữa tiệc ấy hết bao nhiêu. Nhưng, con số ước tính tiền tỉ chi cho một bữa tiệc chia tay lãnh đạo ngành về hưu, dù thế nào, nghe vẫn thật lấn cấn, ám ảnh.

Nó càng ám ảnh, khiến nhiều người thở dài khi người dân nhiều nơi trên cả nước vừa trải qua một cơn thiên tai, bão lũ, làm hàng trăm người dân vô tội bị thiệt mạng, số tài sản thiệt hại ước tính lên tới hàng trăm tỉ đồng. Khi bữa tiệc đang tưng bừng diễn ra, thì, ở nhiều vùng, không ít hộ gia đình vẫn đang trong cảnh màn trời chiếu đất, bữa ăn của họ chỉ là tạm bợ, nhờ vào nguồn giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền và các tổ chức thiện nguyện. Không hiểu lúc nâng những chiếc ly được rót đầy thứ rượu Tây hảo hạng chúc tụng, có khi nào, các vị khách một chút thôi chạnh lòng nghĩ về những người đồng bào của mình đang chịu thiệt thòi kia?

Càng ám ảnh hơn, khi bữa tiệc do một ngân hàng quốc doanh tổ chức, để chia tay một vị lãnh đạo ngân hàng, trong đúng thời điểm, ngành Ngân hàng đang trong tâm bão của sự tai tiếng. Trước đó chưa lâu, một nguyên Phó Thống đất ngân hàng Nhà nước vừa bị bắt vì hàng loạt sai phạm. Rồi, những vụ "đại án" liên quan đến ngân hàng với những sai phạm, thất thoát lên tới hàng chục ngàn tỉ, có liên quan đến nhiều cán bộ, quan chức trong ngành còn đang gây phẫn uất trong dư luận. Thử hỏi, trong bối cảnh ấy, tâm trạng cả chủ và khách có thể vui được sao? Tâm trạng của ông Thanh thế nào khi nghe những lời chúc tụng, đầy hoa mỹ và tung hô kia?

Không ai bắt ông phải buồn, phải từ chối những cuộc vui. Nhưng quả thật, là lãnh đạo một ngành, mà lĩnh vực mình phụ trách để xảy ra hàng loạt các vụ tai tiếng như thế, lúc nghỉ hưu vẫn vui vẻ tiệc tùng, như thể đi dự lễ mừng công, tôi thấy có vẻ chẳng hợp cảnh chút nào.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Đem so hai buổi chia tay từ giã nhiệm sở của hai vị lãnh đạo chủ chốt nhưng khác nhau ở vị thế, tầm vóc lại càng khập khiễng. Nhưng, đôi khi cũng cần phải so sánh, để tìm ra những điểm chung. Bởi, xét đến cùng, chia tay là việc riêng của cá nhân, nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến tập thể và dư luận xã hội. Có những cuộc chia tay, không phô trương, ầm ĩ, nhưng đầy ý nghĩa và để lại những ấn tượng tốt đẹp, khiến dư luận trào dâng một sự tiếc nuối, biết ơn với người vừa nghỉ. Ngược lại, có những cuộc chia tay "đẳng cấp", tốn kém bạc tỉ, nhưng lại khiến dư luận cảm thấy hoảng hốt, bức xúc bật lại: Không hiểu họ lấy tiền ở đâu để tổ chức, và mục đích tổ chức là để làm gì?

Chỉ là lời chào từ biệt, chào nhau sao cho đủ lễ nghĩa và chan chứa ân tình là được, đâu nhất thiết phải tốn kém và rộn rã, linh đình?!?

Và một câu hỏi nữa, cái cách mà Vietcombank “yêu” sếp cũ của mình như thế, liệu có… bằng mười hại nhau?.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top