Aa

Phiếm đàm: “Tiên sư cái nền đất yếu!”

Chủ Nhật, 26/11/2017 - 06:00

Thế mới biết “cái nền đất yếu” đã làm cái bình phong cứu được không biết bao nhiêu người thoát khỏi tội lỗi. Nào là cầu mới khánh thành đã bị sụt lún ư? Nào là tòa nhà mới vào ở đã bị nứt vỡ móng ư? Nào là vỉa hè mới đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp ư?... Thoát hết!

Bạn đọc đừng vội nghĩ đây là một câu chửi rủa tục tằn cái nền đất yếu, mà đôi khi đây là sự khâm phục, thậm chí có khi còn thể hiện sự biết ơn đến tận đáy lòng đấy! Bởi trong tác phẩm “Đôi mắt” của nhà văn tài hoa Nam Cao, khi nhân vật Hoàng ca ngợi, khâm phục nhân vật Tào Tháo trong truyện Tam quốc diễn nghĩa, mỗi khi đọc đến đoạn hay, anh lại vỗ đùi kêu: “Tài thật! Tài thật! Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo”.

Tám tôi liên tưởng đến chuyện này vì dư luận vừa rồi ồn ã việc lát đá vỉa hè của Hà Nội, tuổi thọ nghe đồn 50-70 năm, nhưng rồi chỉ ít tháng sau, nhiều nơi đã sụt lún, vỡ nát. Thế là báo chí cứ ầm cả lên.

Việc Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 có 936 tuyến đường thuộc 12 quận nội thành, vỉa hè sẽ được thay thế toàn bộ từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với thời gian sử dụng từ 50-70 năm là một chủ trương được nhiều người ủng hộ. Cũng vì lẽ thường tình thôi, ai chẳng muốn Thủ đô nước nhà ngày càng văn minh hơn, đẹp đẽ hơn.

Thế nhưng, dường như con đường dẫn đến mục tiêu tốt đẹp ấy đầy trúc trắc và uẩn khúc, bởi những nguyên nhân ai cũng biết mà không ai nói ra. Chỉ có một người chính thức phát ngôn vấn đề này là ông Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung tại một buổi giao ban báo chí. Ông cho rằng, việc đá tự nhiên nhanh chóng bị hư hỏng là do dưới lớp đá là bê tông, và lớp bê tông lại liên quan đến trạm điện, gốc cây trên vỉa hè nên đã ảnh hưởng đến chất lượng lớp đá.

Những đoạn vỉa hè xấu xí nham nhở trên đường Nguyễn Trãi. Nguồn ảnh: Vietnamnet

Những đoạn vỉa hè xấu xí nham nhở trên đường Nguyễn Trãi. Nguồn ảnh: Vietnamnet

Thì ra, đá thì tốt nhưng do cái nền đất nó không tốt! Vì thế chẳng thể trách cứ ai và cũng không đổ được trách nhiệm cho ai. Nếu ai bực mình thì cũng chỉ có thể rủa một câu cho bõ tức: “Tiên sư cái nền đất yếu!”.

Nhân thể nhắc “cái nền đất yếu” lại nhớ đến chuyện những cây cột điện mới dựng lên có thể đổ bất cứ lúc nào xảy ra ở tỉnh Hà Nam.

Chẳng là cách đây ít lâu, người dân xóm 2 và xóm 5 (xã Liêm Chung, TP. Phủ Lý, Hà Nam) tố cáo tới cơ quan chức năng về việc nhiều cột điện vừa xây lắp trên địa bàn không đảm bảo chất lượng.

Theo mô tả của những người chứng kiến thi công, với một nền đất rất yếu, bùn dày khoảng 1m nhưng công nhân thi công đào móng cột chỉ sâu khoảng 60cm, bê tông đổ móng chỉ khoảng 2 khối. Họ cũng không che chắn, để bùn nước tràn lẫn với bê tông. Cột điện được dựng lên, người dân càng lo lắng khi thấy cột cao đến 20m, nặng cả tấn, có thể đổ bất cứ lúc nào.

Vào cái thời buổi cứ động đến gió bão là cột điện đổ hàng loạt thì việc làm gian làm ẩu luôn luôn là mối nghi ngờ trong người dân. Tại vụ việc này, trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã và chủ đầu tư, người dân đã tát nước, vét bùn, dùng cây sắt chọc vào móng cọc thì thấy bê tông bở vỡ ra chứ không hề liên kết chắc chắn.

Hóa ra cũng chỉ tại cái nền đất yếu, nếu không, bê tông đâu lại bở tơi tựa bã đậu như vậy! Thế là cho làm lại, không ai bị sao cả!

Thế mới biết “cái nền đất yếu” đã làm cái bình phong cứu được không biết bao nhiêu người thoát khỏi tội lỗi. Nào là cầu mới khánh thành đã bị sụt lún ư? Nào là tòa nhà mới vào ở đã bị nứt vỡ móng ư? Nào là vỉa hè mới đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp ư?... Thoát hết!

Nếu nhân vật Hoàng trong truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao mà đọc đến đoạn này, chắc hẳn sẽ vỗ đùi mà nắc nỏm: “Tài! Tài thật! Tiên sư cái nền đất yếu! Mày đã cứu được cả bao nhiêu dòng họ chứ đâu phải đùa!”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top