Aa

Phố của những linh hồn

Thứ Sáu, 05/04/2019 - 07:00

Về thắp hương, nhìn nơi dành sẵn cho mình, không hiểu sao tôi hay mỉm cười và tràn đầy lạc quan sống. Tôi hình dung ra con cháu tôi sẽ thắp hương trước mộ như tôi đang thắp bây giờ với thế hệ trước...

Ngày đầu cữ tiết Thanh minh, nhận được điện thoại của em trai bảo, đang ở quê tảo mộ các cụ. Thanh minh, thảo nào trời dịu dàng thế, sắc trời xam xám, chẳng nắng cũng không mưa, nhiệt độ như mùa thu mát mẻ, không nóng chẳng lạnh, gió hiu hiu, mơn man thật tuyệt. Tiếc là đi công tác vắng không thể về được dịp Thanh minh này để đến được với ông bà, bố mẹ… Sau cú điện thoại, tôi ngồi ngẩn ra nhớ về vô khối thứ liên quan đến tổ tiên, đậm nhất là nơi yên nghỉ sau kiếp người của những bậc sinh thành ra mình, rồi nghĩ rộng ra nữa. Ừ nhỉ, sao lại không viết về điều đó. Những nghĩa trang của Hà Nội là phố của những linh hồn người Hà Nội.

Nghĩa trang nổi tiếng nhất của Hà Nội là Văn Điển. Nổi tiếng đến mức nó thành tính ngữ chỉ cái chết một cách thông dụng. Chẳng hạn muốn nói gì đó ám chỉ đến chết chóc thì người ta dùng từ Văn Điển. Đây là nghĩa trang hỗn hợp có phân khu theo thứ tự chữ cái. Nghĩa là có khu dành cho cán bộ, có khu dành cho dân thường (hay được gọi là nhân dân). Nhà tôi cũng có không ít người nằm ở khu A Văn Điển. Khu này thường được dành cho cán bộ cấp sở, cấp vụ và hơn hoặc kém chút đỉnh.

Trước kia, khi dân số còn ít, Nghĩa trang Văn Điển cho phép khi cải táng được chôn vĩnh viễn ở đó. Nhưng nghĩa trang đã đóng cửa được hơn chục năm có lẻ vì dân số Hà Nội phát triển nhanh, Văn Điển không còn quỹ đất để tiếp nhận chôn cất nữa. Hiện tại Văn Điển chỉ còn là nơi hóa thân hoàn vũ. Vào những dịp áp Tết hay tiết Thanh minh, Văn Điển tấp nập như những ngày hội. Nam thanh, nữ tú, nam phụ, lão ấu nườm nượp vào nghĩa trang. Hoa đủ màu sắc rực rỡ khiến nghĩa trang như một công viên Tết. Sự giao thoa sinh tử giữa những người trong gia đình ở hai thế giới này là một nét truyền thống và rất đẹp. Tôi không ít lần vào nghĩa trang chứng kiến không khí của cái lễ hội âm dương này. Nó mang lại cảm xúc rất người và thiêng liêng.

Phàm đã sống ở Hà Nội chắc chẳng ai không biết đến Nghĩa trang Mai Dịch. Đây là một nghĩa trang liệt sĩ ở Hà Nội và cũng là nơi yên nghỉ của những yếu nhân đất nước. Ngoài hơn một ngàn ngôi mộ liệt sĩ vô danh, nơi đây có chừng 4 trăm ngôi mộ dành cho những nhà lãnh đạo kiệt xuất: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng…Những tướng lĩnh quân sự: Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân…Là những nhà văn hóa, nhà khoa học hàng đầu: Văn Cao, Huy Cận, Xuân Diệu, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Phạm Huy Thông… Mai Dịch có khuôn viên thoáng đẹp từng là nơi tổ chức sự kiện lớn về thương binh liệt sĩ.

Bất Bạt cũng là một cái tên nổi tiếng chỉ nghĩa trang Yên Kỳ nằm ở huyện Ba Vì. Đây là nghĩa trang thuần túy nhân dân bởi ở Yên Kỳ không có khu dành riêng cho những người quan trọng được ưu tiên. Tiêu chuẩn được nằm ở Yên Kỳ đơn giản chỉ cần có hộ khẩu Hà Nội. Nghĩa trang Yên Kỳ hiện tại đang là nghĩa trang rộng nhất và lớn nhất Hà Nội với hàng trăm ngàn ngôi mộ. Nhưng cũng như Văn Điển và một số nghĩa trang nội đô, ven đô khác, Yên Kỳ đang quá tải. Tương lai Yên Kỳ sẽ được quy hoạch mở rộng gấp nhiều lần, thành nơi yên nghỉ chính của người dân Hà Nội khi từ biệt cuộc sống này.

Tảo mộ, chăm sóc nơi yên nghỉ của người đã khuất là nết văn hóa truyền thống của người Việt.

Tảo mộ, chăm sóc nơi yên nghỉ của người đã khuất

là nét văn hóa truyền thống của người Việt.

Hà Nội có rất nhiều nghĩa trang. Ngoài ba nghĩa trang lớn trên, hàng chục nghĩa trang khác như Thanh Tước, Trung Màu, Xuân Đỉnh, Vạn Phúc, Sài Đồng, Vân Hà, Chuyên Mỹ… Trong đó, có không ít nghĩa trang ở tình trạng quá tải, phải đóng cửa hoặc mở rộng diện tích. Đấy là chưa kể đến các nghĩa trang hàng huyện, hàng xã, thậm chí là nghĩa trang có ở mọi thôn xóm ngoại thành. Nhưng thật sự thì cầu đang lớn hơn cung. Có thể nói chưa bao giờ người Hà Nội lại thấy cấp thiết chuyện “hậu sự” như lúc này ở góc độ tìm được suất chôn cất trong một nghĩa trang nào đó, tiện lợi cho người nhà mình.

Quê tôi ở Ninh Sở, Thường Tín. Dòng họ tôi dù sống ở đâu nhưng khi quy tiên đều tìm về quê cha đất tổ neo lại. Đã thành nếp và là nghĩa vụ của con cháu đối với tiền nhân. Ở vào độ tuổi ngoài sáu mươi của tôi, quan tâm số một chính là phần mộ ông cha, bởi các nghĩa vụ đời người cơ bản đã được hoàn thành.

Năm ngoái, tôi cùng gia đình đã cải tạo nâng cấp lại phần mộ của tổ tiên dòng họ. Thú thật, vốn tin vào tâm linh nên lúc nào tôi cũng canh cánh chuyện âm phần. Chăm sóc các phần mộ đã đành, tôi còn tự thửa cho mình một sinh phần cạnh mộ cha ông. Đôi lúc về thắp hương nhìn nơi dành cho mình, không hiểu sao tôi hay mỉm cười và tràn đầy lạc quan sống. Nơi đó rồi tôi sẽ nằm xuống theo quy luật và tôi hình dung ra con tôi, cháu tôi sẽ thắp hương trước mộ như chính tôi bây giờ đang làm với các thế hệ trước của mình. Nói ra điều chẳng nên nói ấy, bởi những chuyện như tôi là có thật và không hiếm. Nhưng cũng không phải ai cũng có được.

Những người không có quê gốc gần như tôi, buộc phải tìm đến những nghĩa trang của thành phố. Hiện tượng cò đất nghĩa trang đang phổ biến. Người ta rao bán đất nghĩa trang như rao bán bất động sản, rao bán chung cư, biệt thự. Mà cũng không dễ mua. Nhiều gia đình đã phải mua ở những nghĩa trang tư nhân như Lạc Hồng Viên (Hòa Bình), Ngàn Sao (Ba Vì), để phòng sẵn. Có cảm giác cuộc sống càng hiện đại thì những chuyện tâm linh, mồ mả càng được coi trọng.

Quy hoạch nghĩa trang Hà Nội đến 2030, thậm chí đến 2050, đã được Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội thống nhất. Tương lai với số dân ngày một tăng nhanh, đáp ứng nhu cầu phần mộ của người quá cố, Hà Nội sẽ xây dựng những nghĩa trang mới và mở rộng nghĩa trang cũ. Đồng thời tái tạo các nghĩa trang phải đóng cửa thành các công viên nghĩa trang. Nghĩa trang quốc gia cũng đã được lên đề án. Những cán bộ cao cấp khi nằm xuống có tiêu chuẩn dành cho người bạn đời của mình chôn cùng.

Còn nhiều nan giải, chẳng hạn những nghĩa trang làng xã mà tốc độ đô thị hóa quá nhanh, giờ nằm kẹt trong nội đô, đang là bài toán khó cho các nhà quản lý. Kế đó là quỹ đất, là ngân sách. Trật tự trong quản lý và xây dựng nghĩa trang cũng là điều cần phải làm. Nhưng có lẽ trần sao âm vậy, những nghĩa trang thành phố - phố của những linh hồn - chắc chắn tương xứng với với sự phát triển phố phường của một Hà Nội hiện đại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top