Aa

Phố mới về làng

Thứ Sáu, 22/02/2019 - 07:00

Cũng nan giải nhiều bề khi làng thành phố mới. Này nhé, lệ làng còn nguyên. Đầu năm hội đền kéo dài tuần lễ, đình chùa vọng sóc, nhang khói đủ các cữ. Giỗ chạp cưới xin giờ theo mốt phố nhưng nếp quê còn giữ nên tốn kém gấp đôi. Cỗ đám bày biện hình thức là cỗ phố nhưng chết nỗi ở làng khi vào đám phải tuần tự như tiến, đủ lệ bộ...

Rằm tháng Giêng rồi, dù bận nhưng tôi không thể từ chối lời mời rất tha thiết của một người quen, về dự cúng rằm ở quê anh. Viện đủ mọi lý do anh vẫn khăng khăng không chịu, bắt tôi phải về bằng được. Chỗ tình nghĩa, nơi tôi ngày đầu khởi nghiệp phim phọt khi anh còn là một trưởng thôn, tôi đã nhận được từ anh nhiều sự giúp đỡ để hoàn thành mấy bộ kịch bản xôm trò về nông thôn. Thôi được, đành phải chiều anh tiện thể vô đình, vô chùa thắp hương, đằng nào cũng rằm. Lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng mà. Phi xe về đến nơi, tôi loay hoay mãi để tìm chỗ đỗ với sự bất ngờ khi thấy có khá nhiều biển báo trong đó cái biển cấm đỗ như đập vào mắt. Lạ thật, xưa nay đường làng vô tư thoải mái, đến xe tăng về đậu cũng chả sao, nay lại giở trò cấm đoán. Loay hoay mãi tôi cũng gửi được vào bãi đỗ xe xưa là sân kho hợp tác. An vị, thắc mắc làng ông rách việc quá, đường làng rộng thế kia mà cấm đỗ, phiền hà. Anh trợn mắt:

- Làng nào. Ông không nhìn à. Tên phố hẳn hoi đấy. Làng tôi giờ lên cấp phường. Phường rồi nhé. Tôi bây giờ là trưởng cụm.

Ra thế. Tôi bật cười khằng khặc, thảo nào. Hóa ra anh mời tôi về ăn rằm là một nhẽ, cái nhẽ chính là anh muốn khoe muốn khao cái vố huyện anh thành quận, xã anh thành phường và thôn anh thành cụm, xóm thành tổ dân phố. Anh chính thức vừa được bầu làm bí thư cụm. Ông trưởng thôn của tôi giờ là ông bí thư cụm. Hách ghê.

Lang leen.

Làng lên cấp phường.

Hà Nội từ nhiều năm nay liên tục được mở rộng. Từ dạo sát nhập Hà Tây vào Hà Nội thì nội đô càng rộng thêm. Riêng thành phố Hà Đông, thủ phủ của Hà Tây, đã quá lớn. Nối thêm mấy khu đô thị mới kéo tít mù tắp ra ngoại ô. Có thể nói, Hà Nội giờ đi từ đầu này sang đầu kia thành phố là cả một câu chuyện dài, xe cộ cũng đủ bét xác. Chỗ nhà tôi ở Tam Trinh thuộc làng Hoàng Mai cũ, cách đây hai chục năm như một nơi hoang hóa, chỉ thấy trắng rợp những nước là nước bởi đầm ao nối nhau mênh mông bể sở. Nhưng bây giờ thì cũng ngõ chen ngõ rồi. Người đổ về, ao đầm lấp, đi làng xóm thành phường, thành phố, như thể nơi đây đô thị có từ ngày xửa ngày xưa. Đi thêm cây số về phía đê sông Hồng, làng cá Yên Sở giờ cũng lấp tiệt ao, đất ruộng thành dự án xây công viên, xây chung cư, xây biệt thự hết. Và khi hết đất cấy cầy thì vẫn làng xóm ấy, chỉ gông thêm mấy cái biển tên đường, tên phố, tên ngõ, ủy ban xã gắn biển ủy ban phường, thế là thành phố cái roẹt. Từ làng lên cấp phố chí ít thì đám thanh niên choai choai khoái tỷ. Đi học đi làm đỡ bị đám gái phố xách mé dân quê.

Anh bạn cấp cụm đãi khách vẫn theo cung cách trưởng thôn dạo nào. Nhà ngói 5 gian đã được cải tạo hiện đại món tường trát, trần đèn, gạch lát và có điều hòa nhiệt độ, còn mọi thứ y chang. Sập gụ từ thời các cụ để lại lên nước màu bóng loáng bày biện cỗ bàn. Mâm đồng sáng choang. Cỗ vẫn theo lệ cũ 6 đĩa, 4 bát, rượu nếp cái nhà cất hạ thổ đủ 36 tháng chiết ra vò sành loại nhỏ có nắp. Khi uống phải múc bằng muôi thửa. Mâm chủ tức mâm lớn vai vế trong nhà cũng vẫn phải là cước sắc mới được ngồi và không có phụ nữ. Thấy tôi nhìn bao quát, chủ nhà bảo, nó vẫn thế thôi ông ạ, nhà tôi chẳng thay đổi gì cả. Mọi nếp cũ vẫn giữ nguyên khi làng thành phố. Tôi cười cười, nhưng người khác chứ. Người phố phải đâu bỡn. Anh hồn nhiên chấp nhận. Nhưng phải đến khi ngấm rượu, tâm sự của anh mới thật mới đẫm. Nghe trong giọng anh như có nước. Tâm tình của anh cũng trĩu nặng. Chuyện phố thì mới nhưng làng thì cũ.

Phố mới về làng âu cũng là chuyện thời thế. Một bước lên phố nhưng nếp quê ăn sâu ngàn đời rồi đâu dễ một chốc thay đổi. Tôi thấy anh tâm trạng nên chẳng dám cười cợt nữa. Cũng nan giải nhiều bề khi làng thành phố mới. Này nhé, lệ làng còn nguyên. Đầu năm hội đền kéo dài tuần lễ, đình chùa vọng sóc, nhang khói đủ các cữ. Giỗ chạp cưới xin giờ theo mốt phố nhưng nếp quê còn giữ nên tốn kém gấp đôi. Cỗ đám bày biện hình thức là cỗ phố nhưng chết nỗi ở làng khi vào đám phải tuần tự như tiến, đủ lệ bộ. Bữa bắc rạp là một con lợn nhe răng chẳng sợ nước sôi. Rồi cỗ chính, cỗ hạ rạp, tính ra có người lộn đi lộn lại ăn đủ 3 ngày. Tôi chia sẻ nhất với anh là cái sự hết ruộng. Tiền đền bù thì nhiều đấy. Nhưng nó vào nhà tầng, vào xe cộ, vào đủ thứ tiêu tiền, sắm sanh kiểu phố hết rồi. Đấy là chưa kể, có tiền gia đình chia chác, mất tình, mất nghĩa. Rồi cờ bạc hút xách, trai làng xưa nói gì thì nói vẫn thuần vẫn thuận, ai ở làng đều chăm chỉ đồng áng. Kẻ đi xa cũng nhu mỳ giữ nếp. Ruộng bán có tiền rồi thành người phố, du nhập về cái hay có, cái dở cũng nhiều. Dân nhà nông, mấy người học hành cao chẳng nói, còn tinh người dở học, dở làm, giờ không còn ruộng, sểnh nhà ra thất nghiệp, hệ lụy đã thấy nhỡn tiền.

Bữa cỗ cúng rằm mừng làng thành phố, mừng chức cán bộ cấp cụm của bạn nhẽ vui thành ra tâm trạng. Tôi ngao ngán khi bước từ hứng khởi lúc ban đầu sang sự buồn khổ khi cuối tăng của anh. Quy luật anh ạ. Sự phát triển nào cũng vậy thôi, nó có đủ hai mặt. Biết đón nó đúng với thể trạng của mình thì tồn tại một cách thuận nhẽ. Bằng không, phải chấp nhận thôi. Anh như đã ngấm đã cười trở lại. Ừ, cuộc đời nó thế.

Sau hôm cúng rằm ở nhà anh bạn, tôi bỏ công khảo sát một loạt làng quê mới được lên đời thành phố thành phường. Khảo sát tính để dựng một phim dài tập “Phố mới về làng”, có khối cái để nói để vui để cười và cả để buồn ra nước mắt.

Suy cho cùng thì đó cũng là lẽ thường tình, bởi nói như anh cụm trưởng hôm rằm, cuộc đời nó thế.

Chiều nay bất ngờ nhận được điện của đứa cháu ở quê mời về dự tiệc. Tiệc gì? Mừng cháu mới tậu ô tô. Chưa kịp hỏi thì nó đã phun ra chắc nịch:

- Tiền cháu được đền bù đất.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top