Aa

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Cần hướng dẫn cơ sở nhận diện như thế nào là lãng phí

Thứ Bảy, 28/12/2024 - 17:48

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Thanh tra, ngày 28/12, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị ngành Thanh tra tập trung hướng dẫn cơ sở nhận diện và xử lý lãng phí - vấn đề rất lớn và cần thiết hiện nay.

Báo cáo Tổng kết công tác năm 2024 của ngành Thanh tra tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy cho biết, trong năm 2024, toàn ngành đã triển khai 6.673 cuộc thanh tra hành chính và 118.983 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua đó, ngành đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, phát hiện vi phạm về kinh tế với tổng số tiền 157.585 tỷ đồng và 245ha đất.

Trong đó, kiến nghị thu hồi 85.403 tỷ đồng và 41ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán 72.183 tỷ đồng và 204ha đất. Ngành cũng ban hành 105.108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 4.150 tỷ đồng, kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.360 tập thể và 9.017 cá nhân, đồng thời chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ việc liên quan đến 173 đối tượng. Việc đôn đốc, xử lý sau thanh tra tiếp tục được thực hiện quyết liệt.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Cần hướng dẫn cơ sở nhận diện như thế nào là lãng phí- Ảnh 1.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy. (Ảnh: Đại biểu Nhân dân)

Thanh tra Chính phủ cũng tham mưu Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị Đề án 153 về tháo gỡ khó khăn liên quan đến các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số địa phương.

Ngoài ra, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 77-KL/TW ngày 2/5/2024 của Bộ Chính trị về Đề án này, thành lập Tổ công tác đôn đốc thực hiện các nội dung liên quan và tham gia xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ghi nhận những kết quả nổi bật của ngành Thanh tra trong năm 2024. Năm nay, 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra đã hoàn thành, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 7%, thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới. Những kết quả này có sự đóng góp quan trọng của ngành Thanh tra, đặc biệt trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án, khơi thông nguồn lực phát triển và cải thiện môi trường kinh doanh.

Đồng thời, việc phát hiện sai phạm, đề nghị xử lý và thu hồi tài sản lớn cho Nhà nước, cả về giá trị tài chính và đất đai, cũng như việc chuyển cơ quan điều tra hơn 200 vụ việc là thành quả đáng khích lệ.

Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh Thanh tra Chính phủ cùng các bộ, ngành đã thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về tháo gỡ khó khăn liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số địa phương; cũng như nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm dự án năng lượng tái tạo. Phó Thủ tướng khẳng định: Cách làm của chúng ta hoàn toàn mới khi các nội dung này được công bố công khai sau khi có nghị quyết của Chính phủ, thể hiện đây là chủ trương của Đảng, Nhà nước chứ không phải làm riêng cho cá nhân hay dự án nào, nên không có chuyện "chạy chọt".

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Cần hướng dẫn cơ sở nhận diện như thế nào là lãng phí- Ảnh 2.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh: Đại biểu Nhân dân)

Tuy nhiên, hoạt động của ngành Thanh tra năm 2024 vẫn còn một số hạn chế. Theo Phó Thủ tướng, tỷ lệ xử lý, thu hồi sau thanh tra chưa cao, tình trạng khiếu kiện đông người vẫn còn, một số kết luận thanh tra chưa thấu tình, đạt lý và hiệu quả hoạt động thanh tra ở một số địa phương chưa đồng đều, đặc biệt là cấp huyện.

Bên cạnh đó, còn lãng phí nhiều về nguồn lực, nhân lực, thời gian. Tình trạng này đang rất nghiêm trọng và gây hậu quả rất lớn.

Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành thanh tra hướng dẫn cơ sở nhận diện như thế nào là lãng phí và phải tập trung phòng, chống, xử lý lãng phí như thế nào cho hiệu quả, bởi "lãng phí lớn quá, rất sốt ruột"; và gợi ý, chương trình thanh tra năm 2025 nên chọn một vụ việc cụ thể để tổng kết, xây dựng thành hướng dẫn chung, vừa giúp kiểm soát lãng phí, vừa làm cơ sở nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra.

Trong năm 2025 - năm bản lề quan trọng, đánh dấu nhiều cột mốc trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, Phó Thủ tướng tin tưởng ngành Thanh tra sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển hùng cường và thịnh vượng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top