Aa

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Hình thành khung thể chế đặc biệt, đột phá cho Vân Đồn

Thứ Bảy, 15/04/2017 - 06:01

Chiều 13/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về Đề án xây dựng Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về Đề án xây dựng Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về Đề án xây dựng Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Đoàn công tác của Chính phủ vừa có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về Đề án xây dựng Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Quá trình xây dựng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt cần xác định rõ định hướng phát triển các lĩnh vực mũi nhọn đột phá, có lợi thế vượt trội nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế. Trên cơ sở đó có các kiến nghị chính sách cụ thể với Trung ương, bổ sung vào dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cần làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức thực hiện, công tác cán bộ để triển khai khi Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được ban hành.

“Yêu cầu tiên quyết cho sự thành công của mô hình này là hình thành khung thể chế đặc biệt, đột phá, vượt trội. Hay nói cách khác là thể chế cạnh tranh dựa trên nền tảng xác định lợi thế về địa kinh tế đặc biệt, riêng có, vượt trội của Vân Đồn, đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu đầu tư, thương mại quốc tế, nếu không, khó có thể cạnh tranh, tạo động lực và huy động nguồn lực đầu tư. Cần có định hướng phát triển khác biệt, cạnh tranh lành mạnh với các đơn vị trình Đề án, cạnh tranh hơn so với các đặc khu trong khu vực và quốc tế”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.

Theo đó, việc hoàn thiện, trình phê duyệt Đề án cần gắn với việc hoàn thiện đồng bộ dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Như vậy, các đề xuất, giải pháp của các đề án, quan điểm định hướng nói trên cần phải được thể chế hóa đồng bộ trong dự án Luật bằng những quy định cụ thể.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án Vân Đồn, từ đó khẩn trương đề xuất chính sách, quy định trong Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, tập trung vào các nhiệm vụ, định hướng lớn như sau:

Việc hoàn thiện Đề án cần xuất phát từ nguyên tắc hình thành thể chế “hành chính đặc biệt” đồng bộ, phục vụ vận hành thể chế, cơ cấu “kinh tế đặc biệt” với cơ chế quản lý hành chính thông thoáng, các chính sách thu hút đầu tư về thuế, đất đai… các ưu đãi vượt trội để thu hút đầu tư, phát huy thế mạnh, lợi thế về địa kinh tế của đơn vị, dự báo và tận dụng lợi thế từ các biến động về địa kinh tế khu vực trong thời gian tới; tạo thể chế cạnh tranh vượt trội so với các đơn vị, đặc khu kinh tế trong khu vực.

Nghiên cứu, hoàn thiện đề xuất chính sách theo hướng tập trung lựa chọn, đề xuất những lĩnh vực mũi nhọn để phát huy lợi thế lớn về du lịch biển, nghỉ dưỡng, công nghiệp giải trí, casino, phát triển dịch vụ y tế cao cấp, nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, nghiên cứu hình thành khu vực chung chuyển, logistic, hậu cần vận tải biển quốc tế… tạo cơ sở, định hướng để thu hút các nhà đầu tư quốc tế có tiềm lực tài chính mạnh đầu tư vào Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Trong thời gian xây dựng dự án Luật, tỉnh cần quản lý chặt chẽ quy hoạch, hạ tầng, dân cư hiện tại, có chính sách nhập cư phù hợp, đặc biệt giữ gìn và bảo tồn đầy đủ các yếu tố tự nhiên như rừng, các đảo, nguồn nước ngọt, môi trường sinh thái, các di tích lịch sử và các lợi thế của Vân Đồn; chuẩn bị xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ cao đồng bộ với chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm và an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, tỉnh cần xây dựng một bộ máy chính quyền hiện đại, gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp mạnh về thẩm quyền quản lý; thiết lập các thể chế tổ chức, hành chính, đầu tư, thương mại mang tính hội nhập cao, đủ sức cạnh tranh với các mô hình tương tự trong khu vực và trên thế giới nhằm thu hút đầu tư, giao lưu thương mại quốc tế; các thể chế, chính sách này phải bảo đảm tính nhất quán, ổn định và lâu dài...

“Chúng ta cần có đánh giá, phân tích hết sức kỹ lưỡng các đề xuất chính sách, xây dựng chính sách có tính thực tiễn cao, từ đó tiếp tục hoàn thiện Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn và xây dựng dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu vấn đề.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết: Việc xây dựng Đơn vị phải có thể chế đủ mạnh với nền hành chính hiện đại, bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả, thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi, cơ chế và chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất và được quy định trong Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Việc phát triển Vân Đồn phải đặt trong quy hoạch tổng thể và mối liên kết phát triển của Quảng Ninh với khu vực Quảng Ninh-Hải Phòng-Hà Nội, khu vực phía Bắc và cả nước. Vân Đồn phải có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thu hút mạnh mọi nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới tiên tiến với phương châm nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài. Nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá và hướng tới thu hút tối đa nguồn lực bên ngoài.

Đồng thời, Nhà nước có chính sách đặc thù thu hút đầu tư xã hội, đầu  tư nước ngoài và dành nguồn lực ngân sách thoả đáng để xây dựng những công trình hạ tầng thiết yếu ban đầu. Việc xây dựng Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất quản lý Nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, nhà đầu tư, lợi ích địa phương và của nhân dân.

Về định hướng phát triển ngành nghề, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Phát triển Vân Đồn mạnh về du lịch-dịch vụ với du lịch biển-đảo cao cấp gắn với công nghiệp giải trí hiện đại, phát triển trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng, chứng khoán tự do, hiện đại, cạnh tranh quốc tế, phát triển cảng du lịch quốc tế, hàng không, logistic, bất động sản nghỉ dưỡng chất lượng quốc tế.

Phát triển công nghiệp xanh, sạch, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến thực phẩm, thời trang, dược phẩm, năng lượng tái tạo, phát triển sản xuất vật liệu mới, công nghệ hỗ trợ, giải trí.

Đồng thời, phát triển công nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao hướng vào phục vụ nhu cầu du lịch biển đảo cao cấp và công nghiệp giải trí, trung tâm nghiên cứu phát triển vùng dược liệu ứng dụng trong y tế, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, khai thác nuôi trồng thuỷ sản, phát triển tài nguyên rừng bền vững gắn với phát triển du lịch, phát triển vùng sản xuất tập trung dựa trên điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng của Vân Đồn.

Về mô hình đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh kiến nghị xây dựng mô hình và hệ thống chính trị theo hướng tổ chức lại các cơ quan tham mưu, giúp việc theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiện đại, nâng cao năng lực quản lý điều hành. Thực hiện 1 cấp đơn vị hành chính và 2 cấp quản lý, nhất thể hoá chức danh bí thư và chủ tịch UBND khu, dưới khu là cấp tiểu khu trên cơ sở sắp xếp lại 12 xã, thị trấn hiện nay của Vân Đồn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top