Cụ thể, văn bản từ Văn phòng Chính phủ cho hay, trong thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực xây dựng và điều chỉnh các văn bản pháp luật nhằm tạo điều kiện tối đa cho phát triển sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, việc triển khai nhiều dự án lớn còn chậm, trong 2 năm 2016 - 2017 có rất ít dự án lớn được khởi công xây dựng để góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành thực hiện rà soát các dự án chậm tiến độ, chỉ rõ nguyên nhân và biện pháp xử lý để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Đồng thời, rà soát các dự án sắp hoàn thành thủ tục đầu tư, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để trong năm 2018 có thể khởi công xây dựng một số dự án lớn, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả, đúng pháp luật, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, các bộ, ngành phải khẩn trương có các giải pháp đồng bộ triển khai hệ thống đường bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trước mắt, cần có ngay các giải pháp đẩy nhanh xây dựng đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, có tổng mức đầu tư 9.668,5 tỷ đồng, với chiều dài tuyến cao tốc là 51,1 km, tuyến nối dài khoảng 4,5 km. Nhà đầu tư thực hiện Dự án là liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (góp 30% vốn) - Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh (30%) - Công ty CP Đầu tư Xây dựng BMT (10%) - Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi (10%) - Công ty CP Hoàng An (10%) - Công ty CP Đầu tư Cầu đường CII (10%).
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng mức đầu tư 5.408,8 tỷ đồng, được phê duyệt đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) tại Quyết định số 2519/QĐ-BGTVT ngày 28/8/2017 với quy mô đầu tư phân kỳ. Theo thiết kế, điểm đầu của Dự án giao với Quốc lộ (QL) 80 tại vị trí sau cầu Mỹ Thuận, tiếp nối với cầu Mỹ Thuận 2 (dự kiến); điểm cuối tại nút giao Chà Và (Km2062+700 trên QL1).
Dự án đi qua tỉnh Vĩnh Long 13,6 km và tỉnh Đồng Tháp 9,9 km, chiều dài tuyến cao tốc là 23,6 km, chiều dài nối tuyến là 0,55 km. Giai đoạn 1 đầu tư tuyến cao tốc với bề rộng nền đường 17 m (4 làn xe cao tốc, làn dừng xe khẩn cấp bố trí cách quãng), 3 nút giao khác mức liên thông và đường nối đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.
Phương án tài chính được xác định bằng việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ khoảng 18 năm 10 tháng với mức giá khởi điểm là 1.200 đồng/xe tiêu chuẩn/km, dự kiến 3 năm điều chỉnh tăng giá vé 1 lần (đảm bảo không vượt khung). Hỗ trợ của Nhà nước bằng việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đoạn TP.HCM - Trung Lương trong 4 năm 4 tháng từ tháng 9/2028 với mức giá 2.000 đồng/xe tiêu chuẩn/km.