Thiếu đất sản xuất, có đất nhưng khai thác không hiệu quả là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng đói nghèo và tái nghèo ở nhiều khu vực. Do đó, sửa đổi Luật Đất đai thế nào để giải quyết được tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, giúp nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số?
Còn thiếu quỹ đất và kinh phí để thực hiện chính sách giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số
Để hướng đến mục tiêu phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số, có ba chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để hoàn thành những chương trình mục tiêu quốc gia này, chính sách đất đai là một trong những chính sách quan trọng, chủ chốt, góp phần mang lại tư liệu sản xuất, từ đó nâng cao an sinh xã hội, ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay chính là CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo Bộ Tài chính, còn một số đơn giá, định mức hỗ trợ chưa được ban hành, như các đơn giá, định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi…
Là thành viên Tổ biên tập Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Văn Bình cho biết, Luật Đất đai 2013 đã có những quy định đặc thù, nhằm phân bổ nguồn lực để người dân có đất canh tác, phù hợp với phong tục tập quán từng vùng miền.
Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai tiếp tục quy định, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số bị thiếu đất, mất đất do họ phải chuyển nhượng, du canh du cư... Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo địa phương tạo lập quỹ đất cho những trường hợp này. Tuy nhiên, một số địa phương chưa thực hiện tốt quy định này do thiếu quỹ đất và kinh phí.
“Chúng tôi cũng rất mong muốn có quỹ đất để bố trí cho đồng bào, nhưng đúng như phản ánh của người dân và các địa phương, hầu hết đất đai “đã có chủ”. Muốn có quỹ đất giao cho đồng bào sẽ phải thu hồi đất của cá nhân, tổ chức khác. Vậy thì phải lập dự án và nhắm đến quỹ đất nào?”, ông Bình nói.
Bên cạnh đó, đối với trường hợp giao đất lần hai, có quy định trong vòng 10 năm không được giao dịch, chuyển nhượng. Quy định này nhằm mục đích giữ đất cho đồng bào, nhưng cũng có hạn chế trong việc thế chấp đất đai, tạo nguồn vốn làm ăn.
"Nhìn chung, chính sách giải quyết vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thực hiện chậm và chưa đạt mục tiêu đề ra, theo như đánh giá tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2012 và kết quả thi hành Luật Đất đai 2013 thời gian qua", Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai Lê Văn Bình đánh giá.
Những tổ chức sử dụng đất không hiệu quả sẽ phải bàn giao lại
Sau Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2012, Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022 về quản lý và sử dụng đất đã đặt ra nhiệm vụ phải giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua; có chính sách ưu đãi về thuế đất, tiền thuê đất, phù hợp với điều kiện của đồng bào; có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng, tái mất đất.
Cụ thể hóa Nghị quyết 18, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung nhiều vấn đề quan trọng. Song, tại Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, quy định chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số tuy khá đầy đủ nhưng còn mang tính chất chung, chưa có giải pháp cụ thể.
Vì vậy, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai cho biết, ban soạn thảo đã phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hội đồng dân tộc để làm rõ hơn.
Đơn cử, bổ sung vào Điều 11 điều khoản nghiêm cấm hành vi vi phạm chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm ngăn chặn hành vi chuyển nhượng đất của đồng bào. Đồng thời, có quy định để ngăn chặn hành vi dùng quỹ đất giao cho đồng bào để giao cho người khác, tổ chức khác. Sau này Chính phủ sẽ quy định cụ thể trong hướng dẫn thi hành luật.
Điểm quan trọng thứ hai, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất đã bổ sung vào Điều 79 thêm trường hợp được Nhà nước thu hồi đất. Theo đó, ngoài thu hồi đất vì phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia công cộng, quốc phòng an ninh, đất sai phạm... sẽ có trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án tạo lập quỹ đất giao cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, Điều 58, 181, 182 quy định việc rà soát quỹ đất do các tổ chức đang sử dụng có nguồn gốc từ đất nông, lâm nghiệp. Nếu cho thuê mướn không đúng mục đích, hay sử dụng không hiệu quả, thì phải thu hồi về giao lại cho đồng bào, thông qua việc lập dự án. Những quy định này sẽ góp phần giải quyết vấn đề nan giải nhất là thiếu quỹ đất giao lần 2 cho đồng bào thiếu đất ở, đất sản xuất.
Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định, việc giao đất nông nghiệp trong hạn mức được thực hiện theo chính sách giao đất lần đầu không thu tiền sử dụng đất, nhưng đồng bào vẫn được thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng bình thường.
Riêng Điều 48 Dự thảo luật có quy định những hạn chế đối với trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số đã được giao đất theo chính sách hỗ trợ. Có ý kiến cho rằng, giao đất lần hai cho đồng bào không thu tiền, nhưng lại hạn chế chuyển nhượng, thế chấp là không nên, ông Lê Văn Bình cho biết, đối với mong muốn tận dụng đất Nhà nước giao để huy động vốn, thì dự thảo cũng có quy định cho phép đồng bào thế chấp, song chỉ được thế chấp tại ngân hàng chính sách xã hội, để đảm bảo đồng bào giữ được đất, thay vì thế chấp ở các ngân hàng thương mại.
“Mặc dù có hạn chế, nhưng quy định này vừa bảo vệ đất, vừa tạo điều kiện phần nào đó để đồng bào có vốn sản xuất kinh doanh”, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai nói./.