Tết xưa, cùng với thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ..., cây nêu luôn được mọi người trang hoàng cung kính, dựng ngay trước nhà. Theo thời gian, nhiều làng quê đã mất đi tục dựng cây nêu ngày Tết, chỉ còn đó những vùng quê xứ Nghệ An vẫn gìn giữ, lưu truyền tục lệ này theo cách rất riêng và độc đáo.
Những năm gần đây, thú dựng cây nêu đón Tết lan tỏa ở nhiều miền quê xứ Nghệ khiến không gian Tết càng thêm lung linh, nhất là trên các cung đường liên thôn, liên xã. Từ ngày 23 Tết, nhiều ngôi làng nhỏ ở các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Nam Đàn, Hưng Nguyên… cây nêu được người dân dựng trước sân nhà, lá cờ đỏ sao vàng bay phất phới.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng (xóm Nam Xuân, xã Xuân Tháp, huyện Diễn Châu) thì từ xa xưa các cụ thường dựng cây nêu ngày Tết vào ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Công ông Táo lên trời. Ông thường chọn những cây tre già có các lóng tre và cành lá để nguyên, trên đó treo cờ phướn, đèn lồng vuông, khánh đất, chuông đất hoặc chuông gió để phát ra tiếng, treo cùng với lá bùa. Theo truyền thuyết, cây nêu được xem là cây vũ trụ nối liền đất với trời. Dựng cây nêu trong năm mới cũng là để đất trời giao hòa, phong thủy tương hợp, con người có cuộc sống tốt hơn.
Những ngày này, cùng với sắc màu đỏ thắm của hoa đào, màu vàng may mắn của cây quất, thì hình ảnh những cây nêu cùng lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió như tạo nên một cảnh sắc rực rỡ, vui tươi trong khoảnh khắc tết đến xuân về.
Sau tết, từ ngày mùng 7 tháng giêng người dân lại làm lễ hạ nêu để bắt đầu một năm mới với nhiều mong đợi. Nếu mắt tre trong mấy ngày tết mà nảy chồi thì nhà đó sẽ có một năm phát tài. "Dựng cây nêu lên để báo hiệu ngày tết đến, con cái ở xa về sum vầy. Hạ cây nêu xuống là hết tết", ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.