635 cơ sở dôi dư được đề xuất phương án sử dụng tránh thất thoát
Trước thời điểm sáp nhập, ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình có tổng cộng 479 đơn vị hành chính cấp xã. Tuy nhiên, sau khi hợp nhất, toàn tỉnh Phú Thọ mới chỉ còn 148 xã, phường, trên diện tích hơn 9.300km2, với quy mô dân số hơn 4 triệu người. Trụ sở trung tâm hành chính của tỉnh đặt tại phường Việt Trì (thành phố Việt Trì cũ).
Sự thay đổi lớn về tổ chức hành chính kéo theo hệ lụy là hàng trăm trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị cấp xã, huyện, tỉnh bị dôi dư. Nếu không có phương án sử dụng phù hợp, hiệu quả, đây sẽ là gánh nặng cho ngân sách và tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tài sản công.

Tỉnh Phú Thọ đã đề xuất nhiều phương án bố trí, xử lý số trụ sở dôi dư nhằm tránh lãng phí nguồn lực. (Ảnh minh hoạ)
Trước thực trạng trên, Sở Tài chính tỉnh Phú Thọ đã đề xuất nhiều phương án bố trí, xử lý số trụ sở dôi dư nhằm tránh lãng phí nguồn lực. Cụ thể:
116 cơ sở được đề xuất điều chuyển làm trụ sở cho các cơ quan Nhà nước; 291 cơ sở có thể chuyển đổi công năng thành trường học, trạm y tế, nhà văn hóa phục vụ người dân; 228 cơ sở sẽ được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý.
Tỉnh cũng giữ nguyên mô hình ba trung tâm hành chính vùng, đặt tại địa bàn ba tỉnh cũ, nhằm tận dụng hạ tầng có sẵn và giảm tải cho trung tâm hành chính tại Việt Trì. Một số cơ quan cấp tỉnh như Báo và Phát thanh - Truyền hình, Trường Chính trị, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp… sẽ hoạt động phân tán tại ba khu vực, nhưng vẫn xác định rõ trụ sở chính để đảm bảo hiệu quả điều hành.
Cụ thể, Báo và Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã xác định trụ sở chính tại phường Vĩnh Phúc (thuộc thành phố Vĩnh Yên cũ). Trong khi đó, trụ sở UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũ – một khuôn viên lớn đang được nhiều cơ quan sử dụng – được đề xuất giao cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ làm đầu mối quản lý.
Tiếp tục sắp xếp, khai thác hiệu quả 386 cơ sở còn lại
Hiện tại, 386 trên tổng số 1.021 cơ sở dôi dư vẫn chưa có phương án sử dụng. Các sở, ngành và chính quyền địa phương được yêu cầu hoàn tất đề xuất trong tháng 8/2025.
Tỉnh cũng đã bố trí đủ trụ sở làm việc cho Đảng ủy, chính quyền, công an và các đơn vị sự nghiệp tại toàn bộ 148 xã, phường. Riêng hai phường Vĩnh Phúc và Vĩnh Yên đang kiến nghị điều chỉnh địa điểm trụ sở phù hợp với địa giới và thực tế hoạt động.
Chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các địa phương thực hiện việc lập danh sách, đánh giá hiện trạng sử dụng trụ sở công một cách chặt chẽ, theo đúng quy định của Chính phủ về xử lý tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo đó, việc bàn giao các cơ sở cho các cơ quan, tổ chức đoàn thể cần được thực hiện nhanh chóng, đúng quy trình. Đối với các công trình được xây dựng từ ngân sách Nhà nước hoặc đóng góp của nhân dân, phương án xử lý (như bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thu hồi) phải đảm bảo sự đồng thuận của người dân và tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật.
Tỉnh cũng nhấn mạnh yêu cầu công khai, minh bạch trong toàn bộ quá trình xử lý để tránh khiếu kiện và thất thoát tài sản công. Các thiết chế văn hóa, trụ sở dôi dư nên được ưu tiên để lại phục vụ cộng đồng ở các thôn, tổ dân phố.
Việc hợp nhất ba tỉnh không chỉ tạo ra một đơn vị hành chính lớn hơn về quy mô mà còn đặt ra yêu cầu đổi mới tư duy quản trị, trong đó bài toán xử lý tài sản công, đặc biệt là trụ sở dôi dư, là thước đo rõ nét.
Nếu được xử lý kịp thời, đúng hướng, hơn 1.000 cơ sở dôi dư này hoàn toàn có thể trở thành nguồn lực quý giá để phục vụ các mục tiêu phát triển hạ tầng, cải thiện dịch vụ công như y tế, giáo dục, hành chính.
Đồng thời, việc bố trí lại trụ sở các cơ quan theo mô hình đa trung tâm không chỉ giúp tận dụng hạ tầng sẵn có, mà còn thể hiện cách tiếp cận điều hành linh hoạt, phù hợp với đặc thù địa bàn rộng lớn sau sáp nhập.