Aa

Quà Tết trong ký ức dạt trôi

Thứ Ba, 17/01/2023 - 06:30

Cách cho quà Tết các cụ dạy “của cho không bằng cách cho”. Cho nhau thật khó, học sống cũng không dễ dàng, nhất là cách ứng xử sao cho có văn hóa, thì đời người luôn luôn phải học, phải nghĩ dài dài.

Ngày xuân, người Việt Nam hay có thông lệ “đi chúc Tết” trước Tết; một túi quà mừng năm mới thay lời cảm ơn cho một nghĩa cử đẹp, hay như một bao lì xì mừng tuổi trẻ con mong sao hay ăn chóng lớn, học hành chăm ngoan. Quà Tết có khi là chỉ để thưởng lãm chứ không hẳn phải để ăn. Mãi sau này, thời của 4.0, việc tặng quà ngày Tết mới có “biến tướng” ở một số người, một số nơi với những mục đích khác khiến giá trị vật chất biến thể, không giữ được linh hồn của quà Tết xưa. Vẫn còn đây, tháng Chạp, chuẩn bị cho Tết thật náo nức. Những người đi tuốt lá đào thuê, đi chở cây cảnh cho các gia đình đón Tết lại thường có cái nhìn cây rất am tường. Họ tặng cây cho người thân ngày Tết. Tặng hoa Tết theo cách nhìn góc cạnh của người am hiểu cây, am hiểu vườn. Cây xanh cũng mang lại cho năm mới tươi xanh hơn, hy vọng xanh.

Người trồng hoa ở bãi đá sông Hồng. (Ảnh: HVH)

Tôi đã ngồi với vườn đào tháng Chạp, khi đang trổ bông, bích đào hay đào phai. Một người đi tuốt lá đào bích tháng trước bảo: “Cô ơi, cháu đang trốn chồng đi tuốt lá đào thuê, mặc cho ở nhà chăm cây. Vợ chồng không hòa thuận, cứ cãi nhau, mệt lắm. Cháu bỏ hết vườn hay doanh thu cho chồng tự chăm, để đi làm thuê, đỡ phải nghe hắn rao giảng về đào phai với chả đào bích”… “Cháu khổ lắm cô ơi, chưa kể cái thói giăng hoa của chồng, nhà nhiều tiền cũng chả để làm gì!”. Nước mắt của người đi tuốt lá đào cũng rơi xuống đất nâu. Rồi nàng kể:

"Chồng mong có con giai, cháu có mỗi mụn con gái đi lấy chồng, bốn mươi tuổi lên chức bà ngoại mà chẳng cần gì tiền nhiều. Năm được mùa hoa, có tiền lại "phá" hết, nhà lại sạch banh. Đời cháu còn héo hơn hoa tàn. Thật, nhiều tiền chả sung sướng đâu ạ". Rồi nàng rút đúc ra cái kết: “Cháu đi tuốt lá đào thuê, tối về ngủ gian nhà bếp. Có ai ở trong cảnh trồng đào thắng đậm mà lòng người lại héo úa như khi hoa tàn?”. Đúng là nỗi của người trồng hoa cũng tươi, cũng héo như đời sống dạt trôi, không bến bờ.

Vườn đào tháng Chạp. (Ảnh: Tùng Dương)

Người trong nghề âm nhạc, hiểu những nốt lặng, nốt son giáng, hay si giáng, họ quà Tết bằng cách tặng nhau có thể một cái đĩa than, một băng nhạc không lời tùy theo sở thích của người bạn yêu âm nhạc dòng cổ điển hay hiện đại. Những nỗi niềm hân hoan giản dị, bình lặng để nghe thời gian trôi... Khác hẳn với âm nhạc du dương, các họa sỹ vẽ tranh con giáp mừng tuổi anh em bè bạn, người thân trong gia đình. Tranh giấy dó hay thuốc nước, hay chì, bột màu, sơn dầu đều là những giá trị tinh thần còn lại của thời gian.

Còn các nhà văn, thường có thói quen tặng nhau sách, sách họ viết ra, và những đầu sách hay tìm được ở hiệu sách cũ, để đọc trong ngày Tết. Họ nạp năng lượng bằng kiến thức của nhân loại vào trong hiểu biết của mình để học, để viết tiếp, sáng tạo tác phẩm mới. Bên chén trà hay ly rượu, họ nói về chuyện nghề viết. Nghề viết văn cũng gần giống như nông phu, cũng khổ ải như nông dân cày trên cánh đồng. Những chữ nghĩa đem lại giá trị tinh thần, sự thức tỉnh, sự hiểu biết lớn dần lên trong nhận thức mỗi ngày. Chữ nghĩa không làm cho người ta no bụng ngay, nhưng nó khiến người ta hiểu biết để bình tâm mà sống thanh thản như sương mai; hiểu biết sẽ cho ta những vẻ đẹp văn hóa tĩnh tại trong tâm.

Trong nhiều ngành nghề kiếm sống, tôi vẫn thích cách cho nhau quà Tết của những người nông dân áo vải. Người làm nông trồng bưởi ở Canh Diễn (Hoài Đức) lại đi Tết bằng bao tải chục quả bưởi thăm họ hàng nội ngoại. Người trồng phật thủ ở Yên Sở thì đi Tết bằng quả phật thủ và kèm theo bánh gio nổi tiếng vùng Cát Quế. Người miệt biển ở Thanh Hóa, Nghệ An lại thăm nhau bằng mấy chai nước mắm rút nõ, ngâm tẩm trong chượp hàng 2 năm mới có hương vị của nước mắm ngon. Vị của nước mắm còn ngát lên nỗi biển! Hay họ gửi quà cho người ở phố là gói tôm khô, gói cá thu một nắng. Cách đi biếu Tết kiểu biển này, dân thành phố vui vẻ như giấc mơ hồng.

Quà Tết có muôn màu sắc, muôn vẻ khác nhau, đa dạng của đời sống. (Ảnh minh họa: IT)

Ở làng nghề mây tre đan Phú Vinh, người ta tặng nhau cả rổ rá, lồng bàn mây tre. Tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), những nghệ nhân ngồi với nhau nói về độ lửa và màu men, những màu sắc sản phẩm mà người châu Á thích lại rất khác biệt với sở thích của người Âu và Bắc Mỹ. Quà Tết với người thợ gốm là những bình hoa, vại muối cà và chóe đựng gạo, đựng muối và đựng nước, tặng gia đình thân nhân.

Quà Tết có muôn màu sắc, muôn vẻ khác nhau, đa dạng của đời sống. Nó làm nên hơi thở nhiều màu sắc lộng lẫy như quả bóng bay. Lại có món quà Tết đưa các vị công chức, quan chức vướng vòng lao lý. Cách cho quà Tết các cụ dạy “của cho không bằng cách cho”. Cho nhau thật khó, học sống cũng không dễ dàng, nhất là cách ứng xử sao cho có văn hóa, thì đời người luôn luôn phải học, phải nghĩ dài dài. Nhất là khi đi qua đại dịch Covid-19, nó đã giúp cho ta nhận thức nhiều hơn về cách nhìn đời sống, nhìn sự tồn tại và không tồn tại của con người, về giá trị thời gian sống.

Tôi vẫn nhớ món quà Tết cách đây đúng 30 năm của nhà biên kịch Tào Mạt ở phố Hàng Buồm. Phố không còn bán buồm mà vẫn căng nỗi nhớ kỷ niệm về ông - người có câu thơ để đời: “63 tuổi, chỉ để lại một tiếng nổ không vang”. Đời một người dù có để lại tiếng nổ thật vang hay không vang cũng không quan trọng bằng những cách hành xử đẹp mà ông để lại. Tết năm 1993, năm đó rét cắt da, trời mưa phùn, ông Tào Mạt đang điều trị bệnh ung thư ở Quân y viện 108. Lúc còn đi được xe đạp, ông vẫn nén cơn đau để đi chơi phố; ông tạt vào nhà tôi, chuyện trò với nhà văn Triệu Bôn ở 19 Hàng Buồm. Căn gác nhỏ như cầu thang máy bay, ông leo lên thở mệt nhọc rồi rút ra trong túi áo một gói kẹo và một bao lì xì cho con tôi rồi nói: “Chắc Tết này, bác không đến được vì bận, bác mừng tuổi cho cháu trước quà Tết nhé”.

Tào Mạt đã tránh nói đến bệnh tật thật nặng của mình, ông vẫn ngồi trò chuyện với Triệu Bôn, kêu “đừng lãng phí thời gian, viết đi Bôn nhé” rồi ông lặng lẽ ra về, về phòng bệnh viện. Sau này, tôi nghe ông nói, dù đau quá, nhưng ông còn đi được thì cố đi để xem cái Tết dương gian lần chót. Xem người ta đi đứng cho khuây. Không rõ khuây cái nỗi gì, nhưng ông muốn để lại chút tình cho con trẻ, như con tôi lúc đó mới vài ba tuổi đầu, một gói kẹo nhỏ, một bao lì xì mà mãi con tôi giữ đến hôm nay. Trên chiếc chiếu nhà tôi vắng bóng những làn điệu chèo í a trong vở “Bài ca giữ nước” mà ông hay hát, ông hay nói về các vai hề chèo mua vui cho đời mà phận hề rốt cuộc cuối đời lại thường rất hay bi kịch, khó cưỡng. Ông giúp tôi hiểu thêm về phận hề, phận vai phụ và cái sự "không nổ, không vang" trong cõi này của đời người.

Cái Tết năm đó, tôi được nghe ông Tào Mạt nói về các vai diễn và cũng như đời sống, mỗi chúng ta vẫn phải vào những vai chính vai phụ không rõ bao nhiêu lần trong đời. Thật có, giả dối có. Khi đó, còn trẻ, tôi chỉ làm thiên chức người nội trợ gia đình, từng đi qua 20 năm công chức rồi bỏ cuộc để lo cho gia đình, chưa thấm hết vai phải diễn như rối cạn phức tạp khác. Nhưng tôi vỡ ra rất nhiều ẩn ý trong câu chuyện của nhà biên kịch Tào Mạt, cách tặng quà và cho quà, sự thức tỉnh yêu thương gia đình và con người. Ông còn nhắc tới người vợ hiền, bà tên là Bát, chạy chợ Hòe Nhai buôn lạc vừng trứng vịt để lo thuốc thang thêm cho chồng mà chẳng một lời kêu ca, quà cáp gì cho mình. Vậy cũng là một kiếp nợ nhau mà ông chưa trả hết ân tình cho vợ. Ông ân hận vì Tết này chưa mua cho vợ một món quà Tết, sực nhớ ra, bà ấy còn bảo: “Ông đã là món quà thượng đế ban phát cho tôi rồi, có ông đây là quý rồi!”. Thế có lạ không chứ?

Thì ra quà Tết tình nghĩa còn cao hơn một tình yêu không tính toán của chị Bát dành cho chồng, nghệ sỹ nhân dân Tào Mạt. Trong món quà Tết của nhiều đôi vợ chồng thành đạt đầy đủ, mấy ai đã nghĩ tới sự trôi dạt cảm xúc mà thời gian trôi qua vẫn còn lắng lại trên cõi này?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top